• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ sỹ Đức Hải: Khao khát một sân khấu cho thiếu nhi

Văn hoá 28/05/2013 06:44

(Toquoc)- Đức Hải đã bỏ hết các “sô” ở Sài Gòn để ra Hà Nội thực hiện một chương trình trong dịp quốc tế thiếu nhi.

(Toquoc)- Đức Hải bỏ hết các “sô” ở Sài Gòn để ra Hà Nội thực hiện một chương trình trong dịp quốc tế thiếu nhi.

Bận rộn với công việc diễn viên, MC, rồi Tổng giám đốc Thăng Long Media (thuộc Công ty Xây dựng - Bất động sản Sông Đà Thăng Long) và Phó tổng giám đốc O2TV, lại là ông bầu rất có duyên…, rất “hot” ở Sài Gòn, nhưng Đức Hải mới đây vẫn dành thời gian trở lại Hà Nội sau 13 năm để làm chương trình sân khấu “Câu chuyện thiên nga” do chính anh biên kịch, đạo diễn. Nghệ sỹ Đức Hải bảo anh đang dần thực hiện ước mơ có một sân khấu dành riêng cho thiếu nhi ở Việt Nam.

+ Đang thời điểm cao trào để các nghệ sỹ Sài Gòn chạy “sô” các chương trình cho thiếu nhi, vì sao nghệ sỹ Đức Hải lại “bỏ cuộc chơi” ra Hà Nội chỉ làm một chương trình duy nhất?

- Vì tình cảm với các em nhỏ Hà Nội và với người tổ chức chương trình. Thực ra, khi nhận được điện thoại đề nghị làm từ đầu đến cuối một chương trình cho thiếu nhi của bên Đông Đô Show, tôi đã rất tâm đắc cuốn truyện “Câu chuyện thiên nga” và nghĩ: phải có một tác phẩm sân khấu cho thiếu nhi về câu chuyện này. Từ đó, tôi lên ý tưởng và được phía tổ chức nhiệt tình ủng hộ.

 

"Khát vọng thực hiện Nhà hát Nhi đồng tôi đã ấp ủ mười mấy năm" - nghệ sĩ Đức Hải



+ Anh đã từng thực hiện nhiều chương trình trong đó có nhiều chương trình cho thiếu nhi, theo anh, làm cho thiếu nhi có gì khó và khác với làm cho người lớn?

- Làm cho thiếu nhi rất khó, rất kỳ công, đặc biệt là không được áp đặt ý nghĩ của người lớn vào cách nghĩ của các em nhỏ và phải rất yêu trẻ. Ví dụ, khi thực hiện “Câu chuyện thiên nga”, tôi viết cảnh cô công chúa út lạc một mình trong rừng, mưa tuyết, đêm tối, các em nhỏ sẽ rất thương công chúa út. Rất ít khi có trường hợp các em nhỏ nghĩ “sân khấu đấy, không phải thật đâu”. Mình phải đặt mình vào các em nhỏ, nghĩ như các em ấy để thực hiện. Nếu nghĩ theo cách của người lớn thì câu chuyện sẽ khô cứng.

Tôi có lợi thế là khi làm các chương trình cho thiếu nhi, tôi đều mang “thử nghiệm” trước với các con của mình. Những phản ứng của các con giúp cho tôi sửa được đúng theo tâm lý các em nhỏ.

+ Trong khi các chương trình cho thiếu nhi dịp này hầu như là các chương trình ca nhạc, tạp kỹ thì Đức Hải lại làm hẳn một câu chuyện trên sân khấu với đầu tư kỹ lưỡng từ trang phục đến diễn xuất của diễn viên, điều này hẳn rất tốn kém, thậm chí khó mà có lãi. Vậy, anh trông đợi gì từ chương trình này?

- Đúng là đầu tư cho vở kịch “Câu chuyện thiên nga” rất tốn kém. Tôi có thể so sánh như thế này, nếu như, làm một chương trình cho người lớn, trang phục cho diễn viên chỉ hết 200.000 đồng thì ở vở “Câu chuyện thiên nga”, chúng tôi phải mất đến 2 triệu đồng. Nói thế để cho thấy, chúng tôi đang làm với tình yêu cho trẻ em, không phải lợi nhuận đặt lên hàng đầu mà là mong muốn, sẽ có những chương trình sân khấu thực sự cho trẻ em, chứ không phải cái gì không phải cho người lớn là cho trẻ em.

Ra Hà Nội dịp này, Đức Hải phải mang theo cả 4 đứa con, cả vợ, nhưng cả ngày thực hiện chương trình không gặp vợ con, tối về mệt không nuốt nổi cơm chứ chưa nói đến thời gian đưa các con đi chơi ở đâu. Nhưng tất cả qua đi nhanh chóng, khi chương trình có được sự tương tác rất lớn với các em nhỏ và đem lại cho chúng nụ cười.

+ Hơn chục năm trong môi trường làm việc sôi động của sân khấu phía Nam, anh thấy có gì khác giữa cách làm việc của nghệ sỹ hai miền?

- Sân khấu phía Nam năng động và xã hội hóa từ lâu, còn sân khấu phía Bắc vẫn đang chờ đợi bao cấp. Điều này khiến nghệ sỹ hai miền cũng có cách làm việc khác nhau. Trong ấy, nếu nghệ sỹ tập kịch từ sáng đến tối, thì chúng tôi mặc nhiên biết rằng chúng tôi sẽ được nuôi bữa trưa (ngoài tiền tập kịch). Mỗi người sẽ có một bữa trưa trị giá khoảng 17 ngàn đồng chẳng hạn, ai muốn ăn thêm thì bỏ thêm tiền. Điều đó, tạo cho họ thói quen. Khi làm việc, sẽ có một người ghi lại những pha “xuất thần” của diễn viên, để từ đó, đạo diễn, diễn viên có thể tương tác. Cách làm việc khiến cho diễn viên hào hứng, không phải người diễn viên là phụ thuộc vào người đạo diễn. Phong cách làm việc trẻ, nhanh, khiến không ai có thể trì trệ.

Sân khấu phía Nam cũng có cách làm việc rất năng động. Ví dụ, bạn mua vé vào xem một vở kịch, được nửa buổi bạn thấy chán, đi ra. Lập tức, bộ phận quan sát khán giả sẽ dùng bộ đàm để thông báo đến bàn bán vé, rằng chỗ ngồi của bạn đang trống để tiếp tục bán vé chỗ ngồi của bạn. Như thế, có chỗ ngồi, bán được 2 lần vé. Bởi vậy, giá vé rẻ nhưng họ vẫn có lãi.

+ Sau 13 năm mới trở lại làm sân khấu tại Hà Nội, anh mong muốn điều gì?

- Khát vọng thực hiện Nhà hát Nhi đồng tôi đã ấp ủ mười mấy năm, đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nhưng tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện ước mơ này. Ở Bắc Kinh (Trung Quốc) có 7 nhà hát cho nhi đồng, Tokyo (Nhật Bản) cũng có 7 nhà hát cho nhi đồng, thế mà Việt Nam với hơn 80 triệu dân, tỷ lệ “tương lai của đất nước” khá đông lại chẳng có nhà hát riêng nào cho thiếu nhi. Tôi cứ nhìn những nhà hát ở Hà Nội bị bỏ không, bị biến thành quán bia, nơi gửi xe mà đau xót. Trong khi, chúng tôi mong muốn có một rạp hát cho thiếu nhi thì không có. Nếu chúng tôi được Nhà nước cho thuê lại một rạp hát với giá rẻ, chắc hẳn chúng tôi sẽ làm được việc là tạo thói quen đưa con đến rạp cho người Hà Nội, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ. Từ đó sẽ hạn chế những vấn đề như bạo lực học đường, thói quen chơi games… Còn với giá thuê rạp ở Hà Nội đắt đỏ như hiện nay, chúng tôi khó có thể kiếm được lãi để trả tiền điện nước, tiền cho diễn viên…

Là một nghệ sĩ, song tôi cũng là một ông bố của 4 đứa con, nhiều lúc nghĩ đến việc đưa chúng đi đâu, xem gì vào cuối tuần cũng thật bi kịch. Điều đó càng thôi thúc tôi sớm thực hiện ước mơ làm một rạp hát cho thiếu nhi.

+ Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Giai Ngọc (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ