Berlin đang trở thành "bến đỗ" mới cho các nghệ sỹ tị nạn đến từ Syria |
Trong khi Beirut (thủ đô của Li-băng) và Paris (thủ đô của Pháp) từ lâu đã được coi là hai điểm đến quen thuộc cho các nghệ sỹ Arab, thành phố Berlin (thủ đô của Đức) gần đây nổi lên như một lựa chọn mới, hấp dẫn hơn, đa dạng hơn cho những người làm nghệ thuật đến từ quốc gia đang chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu, Syria.
Không chỉ có chi phí sinh hoạt dễ chịu, Berlin còn được đánh giá là “một thành phố cởi mở và vô cùng sôi động”, Ziad Adwan – diễn viên kiêm đạo diễn đến từ Syria, đã định cư tại đây hơn 2 năm sau một thời gian dài bị giam cầm tại quê nhà, nhận xét.
Theo Ali Kaaf, một giáo viên người Syria đang làm việc tại một trường nghệ thuật nổi tiếng của thủ đô nước Đức: “Cuộc sống văn hóa tại Berlin đang ngày càng trở nên mới mẻ.” Mỗi năm, có khoảng 20 sinh viên tị nạn đến từ Syria được Kaaf giúp đỡ tìm việc làm trong các trường nghệ thuật của thành phố.
“Berlin giống như Damascus”
Giữa những lo lắng về một tương lai mờ mịt khi đặt chân đến châu Âu, rất nhiều nghệ sỹ tị nạn Syria đã nhận được rất sự hỗ trợ từ cộng đồng sáng tạo của Đức.
“Một số sinh viên cũ của tôi tại trường kịch nghệ Damascus hiện đang sống trong các nhà tị nạn,” Adwan nói.
“Berlin giống hệt như Damascus vậy,” nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia Doha Hassan – người may mắn vì đã tìm thấy bạn cũ và họ hàng trong làn sóng hàng trăm nghìn người tị nạn Syria đổ xô vào Đức kể từ khi chiến tranh bùng nổ năm 2011 – chia sẻ.
"Vô đề" - tác phẩm graffiti của nghệ sỹ Syria |
Đời sống văn hóa – nghệ thuật tại thủ đô Damascus của Syria trước thời chiến rất phát triển. Người Đức từng mở một chi nhánh của Viện Geothe tại đây từ năm 1955, trước khi buộc phải đóng cửa vào năm 2012 vì lý do an ninh. Tháng Mười 2016, một cuộc triển lãm 10 ngày mang tên “Damascus im Exil” (Damascus trong lưu đầy) đã được tổ chức tại Berlin với sự tham gia của khoảng 100 nghệ sỹ Syria từng mất liên lạc với viện Geothe sau khi nội chiến diễn ra.
Cộng đồng người tị nạn từ Syria được đánh giá là tạo ra ảnh hưởng rõ nhất đến đời sống sáng tạo tại Đức. Không chỉ có số lượng đông nhất trong cộng đồng người nước ngoài tị nạn tại Đức, Syria còn sở hữu một nền văn hóa rất phong phú. “Có rất nhiều nhà thơ và nhà văn tại Syria bởi vì họ lớn lên cùng với một thứ ngôn ngữ đầy chất thơ,” Rachel Clarke, một nhà quản lý âm nhạc tại Berlin cho biết, “nghệ thuật đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ.”
Dàn nhạc giao hưởng Những người viễn xứ Syria gồm gần 70 nhạc công người Syria đang sống và làm việc trên khắp châu Âu |
Mặc dù vậy, theo nhà hoạt động nghệ thuật người Đức, gốc Ai Cập Basma El-Husseiny, “đối với những người mới đến,” việc tiếp tục theo học hoặc tìm được cơ hội trưng bày tác phẩm tại Đức, không hề dễ dàng. Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghệ thuật, El-Husseiny đã thành lập Action for Hope – một tổ chức từ thiện chuyên hỗ trợ cho các nghệ sỹ tị nạn, đặc biệt trong những vấn đề hành chính phức tạp của chính quyền Đức.
Trong khi đó, Adwan và Mario Münster, một giám đốc của tạp chí Rosegarden, đã phối hợp cùng xuất bản A Syrious Look – một tạp chí tiếng Anh hướng tới việc kết nối các tài năng nghệ thuật đến từ Syria với thế hệ nghệ sỹ trẻ của nước Đức.
(Theo Local.de)