• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghị định Quản lý và tổ chức lễ hội: Sẽ có hiệu quả trong thay đổi nhận thức người dân

Văn hoá 14/11/2017 06:49

(Tổ Quốc) - Nghị định Quản lý và tổ chức lễ hội khi được ban hành sẽ có hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức người dân khi tham gia lễ hội. Nghị định Quản lý và tổ chức lễ hội khi được ban hành sẽ có hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức người dân khi tham gia lễ hội. Nghị định Quản lý và tổ chức lễ hội khi được ban hành sẽ có hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức người dân khi tham gia lễ hội.

Dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội lần đầu tiên được Bộ VHTTDL xây dựng nhằm điều chỉnh các yếu tố nhạy cảm ở lĩnh vực luôn “nóng” này. Vừa qua, hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định đã nhận được nhiều sự đồng thuận từ các nhà quản lý. Tới đây, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các nhà khoa học để đóng góp cho việc hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Ninh Thị Thu Hương- Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (đơn vị được giao xây dựng dự thảo Nghị định) để làm rõ hơn về Dự thảo Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội.

Bà Ninh Thị Thu Hương: Nghị định Quản lý và tổ chức lễ hội khi được ban hành sẽ có hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức người dân khi tham gia lễ hội (ảnh Hoàng Nguyên)

+ Thưa bà, lần đầu tiên, Bộ VHTTDL được giao dự thảo Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội. Với một lĩnh vực rộng và khó như vậy, Ban soạn thảo chắc chắn phải cân nhắc nhiều vấn đề?

- Đúng vậy. Quản lý và tổ chức lễ hội là một lĩnh vực khó. Cái khó đầu tiên mà chúng tôi gặp trong quá trình xây dựng dự thảo là sự chưa đồng bộ của hệ thống pháp luật quy định trong các hoạt động lễ hội. Ví dụ như trong Luật Di sản đưa ra khái niệm lễ hội truyền thống, trong Luật Tôn giáo tín ngưỡng, đưa ra khái niệm lễ hội tín ngưỡng. Trong Nghị định số: 103/2009/NĐ-CP, cũng có định nghĩa lễ hội khác nhau, có cả lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội mới… Điều này, đặt ra vấn đề soạn thảo Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội phải chi phối tất cả các loại hình lễ hội. Khi bắt tay vào xây dựng, Ban soạn thảo đã tham khảo các ý kiến của các Bộ ,ngành liên quan để dự thảo Nghị định khi được ban hành thì dù là lễ hội nào cũng phải tuân thủ.

+ Từ trước tới nay, quản lý và tổ chức lễ hội vẫn được xem là lĩnh vực thuộc Bộ VHTTDL quản lý. Tuy nhiên, trong Dự thảo Nghị định có đưa ra trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh rất cụ thể. Bà có thể cho biết vì sao?

- Phần lễ hội truyền thống, phân cấp hoàn toàn quản lý nhà nước cho UBND các cấp. Hiện nay, đối với lễ hội truyền thống cấp tỉnh, lễ hội tổ chức trong nhiều huyện của tỉnh, thì trách nhiệm quản lý là của địa phương.

Trong những năm gần đây, vấn đề khó khăn nhất là thực hiện nội dung quản lý hoạt động hội. Phần nghi lễ được quản lý rất tốt nhưng phần hội do sự tham gia quá đông của cộng đồng nên còn nhiều vấn đề tồn tại. Trong Dự thảo Nghị định, chúng tôi có đưa ra điều 15 (chương II) trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của các bộ ngành liên quan và điều 16, trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của UBND cấp tỉnh.

Trước đây, thông tư 15 đã phân cấp quản lý lễ hội cho UBND các tỉnh nhưng vẫn chỉ là văn bản cấp Bộ. Nếu Dự thảo Nghị định được ban hành, nghĩa là có văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ thì buộc Chủ tịch UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm quản lý với lễ hội truyền thống.

Cái gốc của quản lý lễ hội là sự vào cuộc triệt để của UBND các địa phương. Bộ VHTTDL hay Chính phủ chỉ ban hành hành lang pháp lý để các cấp thực  hiện, thực thi. Đặc  biệt, với lễ hội truyền thống phải từ UBND các cấp. Trước đây, UBND các cấp chưa nhận thức rõ vai trò của mình, thậm chí, không vào cuộc mà giao cho BQL các di tích làm. Nhưng hiện nay, lễ hội có quá đông người tham gia, nếu chỉ BQL các di tích thì không làm được, phải có sự vào cuộc của UBND các cấp chính quyền. Đặt ra trách nhiệm của UBND các cấp thì sẽ giảm được những vấn đề còn tồn tại của hoạt động lễ hội.

Bên cạnh đó, chúng tôi đưa ra trách nhiệm của các Bộ, ngành rất rõ. Mỗi Bộ đều có trách nhiệm. Từ trước đến nay, Bộ VHTTDL quản lý nhà nước về lễ hội nhưng để xảy ra vấn đề liên quan như y tế, giao thông, vệ sinh môi trường, tài chính, an ninh…thì vai trò của các Bộ trong quản lý nhà nước vẫn phải tính đến. Vì vậy, Nghị định nêu những quy định chung về trách nhiệm của các Bộ liên quan để có những biện pháp hành chính trong quản lý.

Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội sẽ quy định trách nhiệm của người tham gia lễ hội (ảnh Hoàng Nguyên)

+ Dự thảo Nghị định cũng nêu lên trách nhiệm đối với người tham gia lễ hội. Với đối tượng rộng như vậy, liệu các quy định có khả thi không, thưa bà?

- Vấn đề áp đặt mệnh lệnh hành chính với những thói quen sinh hoạt của người dân, đặc biệt là trong sinh hoạt tín ngưỡng là khó. Tuy nhiên, khi thói quen đó, cách sinh hoạt đó ảnh hưởng tới cả cộng đồng thì chắc chắn phải có bàn tay quản lý của nhà nước.

Cho đến nay, cần thừa nhận, công tác tổ chức, công tác quản lý lễ hội còn hạn chế một phần do nhận thức của cộng đồng người dân tham gia lễ hội. Dự thảo đã đưa ra trách nhiệm, quyền đối với người tham gia lễ hội để nâng cao vai trò, nhận thức của người dân. Người dân khi tham gia lễ hội phải có trách nhiệm bảo tồn trật tự, văn minh lễ hội. Có quy định về các hành vi ứng xử.

Các quy định về văn hóa ứng xử nơi công cộng thực ra không khó. Chúng ta đã có quy định về cấm vẽ bậy lên tường, cấm rao vặt và có phạt đối với hành vi vi phạm. Trong Dự thảo Nghị định này, chúng tôi chọn những hành vi có thể hành chính hóa để xử lý vi phạm theo nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính: như trang phục lịch sự, không nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng tới không khi trang nghiêm của lễ hội, thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định…

Tuy nhiên, với việc này, trước hết phải tuyên truyền. Nguyên tắc đối với một văn bản quy phạm pháp luật ra đời, việc đầu tiên là phải phổ biến, tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau.

Như trước đây, khi chúng ta buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, tham gia giao thông, lúc đầu có phạt ngay đâu. Đầu tiên phải hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền. Trong một khoảng thời gian nào đó mới có thể xử phạt. Ở đây, trách nhiệm tuyên truyền thuộc các cơ quan quản lý các cấp. Dự thảo Nghị định giao cho Bộ VHTTDL, UBND các cấp, Sở. Với Bộ VHTTDL phải tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, mở hội nghị phổ biến, đăng trên phương triện thông tin, chiến dịch tuyên truyền… các cấp phải làm theo. Sau một thời gian tuyên truyền, người dân hiểu đó không phải là khuyến cáo nữa mà đó là bắt buộc, phải thực hiện, và giám sát thực hiện là địa phương.

Tôi nghĩ, khi Nghị định ban hành sẽ có hiệu quả nhất định trong thay đổi nhận thức người dân khi tham gia hoạt động này.

+ Xin cảm ơn bà!

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ