(Tổ Quốc) -Lâu nay, nhiều người vẫn thường lo lắng trước câu hỏi làm thế nào để trẻ em thích đọc sách, đọc sách trở thành thói quen hàng ngày. Và kỳ nghỉ hè là quãng thời gian được kỳ vọng là thời điểm thích hợp để gieo tình yêu sách cho trẻ em.
Thời điểm và thời gian đọc sách
Theo nhà văn Trần Đức Tiến- người có nhiều đầu sách cũng như giải thưởng về văn học thiếu nhi thừa nhận nghỉ hè là “cơ hội” tạo thói quen đọc sách cho thiếu nhi, nhất là đối với các em học sinh tiểu học. Bởi nói gì thì nói, quãng thời gian học sinh ngày ngày còn phải ngồi trên ghế nhà trường thì thời gian phần lớn dành cho việc học tập. Các hoạt động khác như vui chơi, giải trí và đọc sách chỉ chiếm một phần nhỏ, thậm chí có những em “không có”. Tuy nhiên, nhà văn này cũng nói thêm, việc tạo thói quen đọc sách cho thiếu nhi không chỉ ở dịp hè, hoặc đã tạo ra được ở dịp hè thì sau đó phải duy trì hàng ngày, ngay cả khi các em bước vào năm học mới. Bởi nếu chỉ dành thời gian đọc sách dịp hè thì thói quen “ngắn hạn” này dễ bị trôi tuột đi. Một câu danh ngôn nổi tiếng đã từng cho rằng: Đầu tiên chúng ta tạo ra thói quen, sau đó thói quen hình thành chúng ta.
Ảnh minh họa. Nguồn: thaihabooks.com |
Thời gian để đọc sách cũng là một vấn đề nhiều người quan tâm, nhất là với các em học cấp tiểu học. Nếu như người lớn đọc sách theo nhu cầu, theo sự sắp xếp của bản thân, hoặc có thể theo “hứng” thì với các em nhỏ mỗi ngày chỉ cần dành ra một tiếng đồng hồ đọc sách đã là tốt lắm rồi – nhà văn Trần Đức Tiến chia sẻ. Ban đầu, các em có thể đọc truyện tranh hay vài mẩu truyện chữ ngắn ngắn. Khi các em đã quen và hứng thú với việc đọc sách thì có thể đọc cuốn dài hơi hơn. Lúc đó, có khi sự hấp dẫn của sách đủ độ khiến các em đọc một mạch hết cuốn sách vài trăm trang.
Băn khoăn về những cuốn sách cũ không còn hợp thời
Hiện nay, không ít phụ huynh cho rằng sách thiếu nhi có rất nhiều, nếu đặt vào trục thời gian thì có thể tạm phân ra làm hai loại, một là các sáng tác đương đại, phù hợp với tâm lý, cuộc sống của các em thiếu nhi hiện nay, còn một loại xa xưa phù hợp với thế hệ phụ huynh, cha mẹ các em hiện nay. Đó là những cuốn sách gối đầu giường từng làm say mê biết bao người trước đây. Và điều này xảy ra đối lập, cha mẹ muốn các em đọc những cuốn sách mình đã từng đọc, còn các em lại thích đọc những cuốn sách đương đại. Vậy làm thế nào để dung hòa sở thích này mà khiến các em say mê đọc sách?. Lo ngại này không phải không có lý do. Tuy nhiên, nhà văn Trần Đức Tiến lại có quan điểm ngược lại. Ông cho rằng những cuốn sách “gối đầu giường của thiếu nhi mấy chục năm trước” không hề bị cũ ngay cả bây giờ đọc lại. Những tác phẩm nước ngoài như: Cánh buồm đỏ thắm, Vichia Maleev ở nhà và ở trường, Nhóc Nicolas… Đây là những cuốn sách đã được sàng lọc của thời gian.
Sở dĩ nhà văn này đưa ra quan điểm trên bởi ông đưa ra một ví dụ từ ngay chính bản thân mình. Ông từng có cuốn sách nhan đề “Trên đôi cánh chuồn chuồn” kể về những câu chuyện gắn với tuổi thơ của nhà văn cách đó mấy chục năm. Khi in cuốn sách này, nhà văn cũng xác định có lẽ chỉ một nhóm độc giả tầm tuổi ông thích “ôn nghèo kể khổ” hoặc từng có tuổi thơ gắn với làng quê nghèo như mình đồng cảm. Nhưng thật bất ngờ , ngay cả những độc giả trẻ, sống xa thời của cuốn sách vẫn thích đọc. Vậy là, bên cạnh các phản hồi tích cực của độc giả không còn trẻ, nhà văn còn đón nhận sự yêu thích của độc giả trẻ. Như vậy, theo nhà văn, những yếu tố mang tính thời đại không quá ảnh hưởng nhiều đến tác phẩm.
Không những không phải quá lo lắng về độ “cũ mới” của sách theo thời gian, nhà văn “trên đôi cánh chuồn chuồn” còn cho rằng cuốn sách nào còn được tái bản là còn “sống”. Các phụ huynh hãy tin tưởng ở nhà xuất bản, họ phải căn cứ vào chất lượng tác phẩm, căn cứ vào nhu cầu của độc giả để tái bản. Tất nhiên, vẫn có những cuốn sách chất lượng tốt bị các nhà xuất bản “lãng quên” chưa tái bản, nhưng phần lớn sách đã tái bản là sách “có độc giả”.