• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghi lễ tuyên thệ có gì mới?

Thời sự 19/07/2016 17:13

(Tổ Quốc) -Chiều 19/7, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14.

Toàn cảnh buổi họp báo

 Quốc hội nghiên cứu kỹ đề xuất về nghi lễ tuyên thệ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc về nghi lễ tuyên thệ các chức danh tại kỳ họp này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, nghi lễ lần này cơ bản giữ như nghi lễ tại kỳ họp trước. Tuy nhiên, có một số điểm mới.

“Lần này chúng ta phải đảm bảo tính trang nghiêm. Khi tuyên thệ mời các đại biểu Quốc hội đứng lên và Văn phòng Quốc hội sẽ có thông báo không quay phim, chụp ảnh” – ông Phúc nói.

Đồng thời, Đoàn Chủ tịch cũng xuống dưới chứng kiến nghi lễ tuyên thệ. Khi các chức danh ra mắt, tuyên thệ cũng sẽ không tặng hoa.

Đáng lưu ý, trong phần tuyên thệ trước đây có câu: “Đứng trước cờ…”, lần này, ông Phúc cho biết, câu này được sửa thành “Dưới lá cờ…” và cờ Tổ quốc được kéo cao.

“Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ văn bản đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nghiên cứu tiếp thu 68 văn bản nghi lễ tuyên thệ từ các nước trên thế giới. Mỗi nước có cách làm khác nhau, còn chúng ta sẽ giữ nguyên lời tuyên thệ như kỳ họp lần trước” – ông Phúc nói.

Phóng viên Báo Điện tử Tổ Quốc đặt câu hỏi: Nghi lễ tuyên thệ các chức danh tại kỳ họp này có gì mới?

Trước đó, Quốc hội đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình ý kiến về nghi lễ tuyên thệ sau khi đã nghiên cứu lễ tuyên thệ của nguyên thủ các nước.

 Tại cuộc họp giao ban lãnh đạo Bộ chiều ngày 18/7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đánh giá cao Cục Văn hóa cơ sở, Trung tâm Công nghệ- Thông tin, Viện nghiên cứu nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và các cơ quan thuộc Bộ được giao xây dựng đề án về nghi lễ tuyên thệ.

Sự việc đáng tiếc

Về việc Bộ luật Hình sự bị phát hiện ra gần 100 lỗi, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đây là sự việc rất đáng tiếc và tiếp tục được xem xét, sửa đổi.

“Quốc hội khóa 13 đã ban hành 107 văn bản luật. Trong đó riêng Bộ luật Hình sự lạị có nhiều sai sót. Bộ luật Hình sự được xây dựng thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũ. Từ đợt tới sẽ thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi” – ông Phúc nói.

Đồng thời ông Phúc cho biết thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận trách nhiệm về việc này và sẽ xem xét trách nhiệm các cá nhân, công minh và không né tránh.

Ông Phúc cũng nói thêm, cá nhân nào có trách nhiệm liên quan tới việc xây dựng Bộ luật này thì dù đã nghỉ hưu cũng vẫn phải xem xét.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Cá nhân nào có trách nhiệm liên quan tới việc xây dựng Bộ luật này thì dù đã nghỉ hưu cũng vẫn phải xem xét

Trả lời câu hỏi nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 này có nhiều đại biểu trẻ và mới, điều này dấy lên lo ngại sẽ ảnh hưởng tới chất lượng công tác lập pháp, ông Phúc cho biết: Tỷ lệ đại biểu tái cử nhiệm kỳ này lên tới 36%, đây là tỷ lệ cao nhất trong các nhiệm kỳ vừa qua.

“Việc này không ảnh hưởng gì, các đại biểu tái cử là lực lượng nòng cốt, am hiểu chuyên môn. Ngoài ra, Ban Công tác đại biểu cũng đã tổ chức tập huấn cho đại biểu mới trúng cử lần đầu. Trong đó, Ban Công đã tổ chức riêng hai buổi về vấn đề lập pháp. Chưa kể, nhiệm kỳ này có tới 94% đại biểu có trình độ ĐH, trên 62% có trình độ trên ĐH. Hy vọng đại biểu khóa 14 có chất lượng tốt hơn” – ông Phúc nói./.

Song Đào – Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ