(Tổ Quốc) -Cái “tâm” của người nói, tri thức, kỹ năng của người nói sẽ có sức thuyết phục cao nhất.
Lời nói trong giao tiếp, từ gia đình đến ngoài xã hội rất quan trọng. Ông bà ta đã có câu “học ăn, học nói…”. Học ăn để biết vì sao ăn, ăn gì và ăn như thế nào cho vừa đủ và văn minh. Học nói cũng vậy, cần hiểu vì sao nói, nói điều gì và nói như thế nào cho đúng và thuyết phục. Do vậy, lúc nào và ở đâu, lời ăn tiếng nói luôn quan trọng, nhất là lời nói của những người đang đảm nhận chức vụ ở các cơ quan công quyền hay của các đại biểu tại nghị trường. Lời nói của họ rất quan trọng bởi sức ảnh hưởng tới đời sống của người dân và xã hội. Những người có chức có quyền, khi họ phát biểu “đụng” tới vấn đề người dân đang trông đợi, đang bức xúc lại càng quan trọng. Những phát ngôn ấy có ảnh hưởng rất lớn, có thể tác động đến cả mặt tốt và mặt xấu của xã hội.
Chính vì vậy mà ông bà ta cũng có câu “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thế nhưng ở đây không dừng lại ở phạm vi “nói cho vừa lòng” mà là người dân mong mỏi tiếng nói thẳng thắn của người có trách nhiệm, của người có chức vụ, những công bộc của dân, cần khẳng định sự đúng, sai và phương cách giải quyết.
Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, nhờ công nghệ và mạng xã hội phát triển mà phát ngôn của bất kỳ vị lãnh đạo nào cũng đều có thể lan tỏa đi khắp thế giới trong khoảng thời gian tính bằng giây. Điều này khác xa trước kia và cũng là điều kiện thuận lợi để người dân có thể so sánh chuyện xưa- nay. Do vậy mà chúng ta dễ dàng bắt gặp những bài báo, những status trên mạng xã hội thống kê các câu phát ngôn của những người có trách nhiệm, có chức vụ khiến người đọc cười ra nước mắt. Có câu nói thể hiện trình độ hạn chế hay thể hiện sự bao che, cố tình thậm chí là coi thường dư luận, kiểu như tàu cá vỏ thép do Nhà nước đầu tư để cấp cho dân đi đánh cá xa bờ ở Bình Định hỏng do... nước biển quá mặn, cầu (cầu Lạch Huyện- Hải Phòng- NV) bị nứt do...gió biển quá to, hay như việc xây được “biệt phủ” là do thời trẻ… chạy xe ôm, buôn… chổi đót hoặc làm vườn… thối cả móng tay.
ảnh chế trên mạng xã hội sau phát ngôn gây bức xúc của Bộ trưởng Giao thông vận tải |
Hay mới đây nhất là phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại nghị trường khiến dư luận dậy sóng và báo giới tốn nhiều giấy mực trong suốt tuần qua. Đầu tiên là phát ngôn: "BOT là sản phẩm của giai đoạn trước, nhiệm kỳ trước".
Câu chuyện BOT đã khiến dư luận bức xúc suốt một thời gian dài, thậm chí đã có những phản ứng mạnh mẽ khiến nhiều trạm thu phí BOT thất thủ (BOT Cai Lậy, BOT Sông Phan…). Người dân đang rất bức xúc, đặt câu hỏi về vị trí đặt trạm BOT, về khoảng cách giữa các trạm… và rằng vì sao không đi qua mà vẫn phải trả phí?
Trước khi đảm nhận trọng trách “Tư lệnh” ngành, với cương vị Thứ trưởng, ông đã từng đặt bút ký “khai sinh” ra nhiều trạm BOT giao thông, trong đó có cả BOT Cai Lậy đầy tai tiếng. Dư luận vẫn đang mong chờ lời giải cho “bài toán BOT” một cách thật trách nhiệm của ông. Thế nhưng “quả bóng” lại được ông “sút” một cách nhẹ nhàng, đơn giản với phát ngôn trách nhiệm dành cho “nhiệm kỳ trước” mà quên đi rằng “thời trước” ấy ông cũng có phần can dự với trọng trách “Thứ trưởng”. Điều này cho thấy ông “chạy trách nhiệm” và làm việc với “tư duy nhiệm kỳ”.
Dư luận chưa hết bức xúc khi ông tiếp tục phát ngôn bên hành lang nghị trường khi báo giới đặt câu hỏi vì sao lại thay trạm thu phí BOT bằng “trạm thu giá”. Và rằng, "trạm thu giá" thay cho trạm thu phí với lập luận "trạm thu giá" sẽ "linh động" hơn. Dư luận cho rằng ông “xảo ngôn” để giải quyết một vấn đề khiến dư luận bức xúc lâu nay bởi bản chất của “giá” và “phí” hoàn toàn khác nhau và chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng của các nhà ngôn ngữ học khi Bộ Giao thông vận tải mà đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể “sáng tạo” ra một cụm từ mới được cho là vô nghĩa. Càng bức xúc hơn khi Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu "thu phí" sẽ khó khăn khi doanh nghiệp lên giá phải trình Quốc hội hay HĐND để xin tăng hay giảm phí sẽ gây phiền hà, nên sửa lại thành "thu giá" để chỉ cần Bộ duyệt. Dư luận hoàn toàn có lý khi đặt câu hỏi rằng nói như vậy là ông đang bảo vệ cho những doanh nghiệp không chân chính kinh doanh BOT mà không hề để ý đến cảm xúc của nhân dân.
“Tư duy nhiệm kỳ” hay “đá bóng trách nhiệm” không được cử tri, người dân ủng hộ và Trung ương Đảng đang quyết liệt bài trừ.
Trong thời điểm hiện nay,khi yêu cầu về công tác cán bộ đang trở nên cấp thiết, Hội nghị Trung ương 7 mới đây đã thông qua Nghị quyết về công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.Người dân mong mỏi mỗi phát ngôn, mỗi quyết định của cán bộ lãnh đạo khi đưa ra trước bàn dân thiên hạ… cần phải được suy xét thấu đáo, sao cho chuẩn mực, để tránh tình trạng người dân vốn đã bức xúc lại càng thêm bức xúc sau mỗi phát ngôn của một vị lãnh đạo nào đó. Bởi cái “tâm” của người nói, tri thức, kỹ năng của người nói sẽ có sức thuyết phục cao nhất.
Lê Phạm