Nghĩa vụ của hướng dẫn viên khi đi hành nghề hướng dẫn du lịch là một trong những nội dung vừa được Tổng cục Du lịch hướng dẫn triển khai triển khai Luật Du lịch 2017.
Tổng cục Du lịch vừa ban hành công văn số 120/TCDL-LH gửi các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hướng dẫn triển khai Luật Du lịch 2017 trong lĩnh vực lữ hành và hướng dẫn du lịch.
Theo đó, Tổng cục Du lịch cho biết, cơ quan này nhận được Công văn số 69/SDL-VP ngày 24/01/2018 Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ hướng dẫn cụ thể việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Luật Du lịch 2017. Những vấn đề đề nghị Tổng cục Du lịch trả lời của Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh liên quan đến ý kiến của nhiều địa phương đề nghị giải đáp. Vì vậy, Tổng cục Du lịch hướng dẫn cụ thể như sau:
Điều kiện hành nghề hướng dẫn viên
Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, để được hành nghề hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa, người hành nghề hướng dẫn phải có đồng thời 3 điều kiện sau: 1. Có thẻ hướng dẫn viên du lịch; Có hợp đồng lao động lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch. Trong trường hợp không có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn, hướng dẫn viên phải là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch; theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 65 Luật Du lịch, việc tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp là quyền của hướng dẫn viên, hướng dẫn viên có quyền lựa chọn là thành viên của doanh nghiệp hoặc là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp; hướng dẫn viên là nhân viên của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng có quyền lựa chọn tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch, cụ thể như sau:
Đối với hướng dẫn viên là nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành (thể hiện qua hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng) - đáp ứng yêu cầu tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, khi thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn du lịch cho đoàn khách du lịch của doanh nghiệp này, hướng dẫn viên phải có văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đáp ứng điểm c khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch.
Để được hành nghề hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa, người hành nghề hướng dẫn phải có đồng thời 3 điều kiện (Ảnh: Hoàng Hà) |
Đối với hướng dẫn viên là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc là nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch (thể hiện qua văn bản xác nhận của tổ chức xã hội - nghề nghiệp; hợp đồng lao động xác định thời hạn hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch) - đáp ứng yêu cầu tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, khi thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn du lịch cho đoàn khách du lịch của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khác, phải có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp đó. Hợp đồng hướng dẫn cũng là một loại hợp đồng nhưng là hợp đồng theo từng vụ việc, tuy nhiên, nội dung của hợp đồng hướng dẫn khác với nội dung của hợp đồng lao động quy đinh tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch ở nội dung công việc thực hiện thời gian thực hiện và các nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp ký hợp đồng hướng dẫn.
Các nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng lao động như trách nhiệm đóng nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm y tế và Luật việc làm.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch 2017, để được hành nghề hướng dẫn viên du lịch tại điểm, người hành nghề hướng dẫn phải có đồng thời 2 loại giấy tờ sau: 1. Thẻ hướng dẫn viên du lịch; 2. Có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Nghĩa vụ của hướng dẫn viên khi đi hành nghề hướng dẫn du lịch
Theo quỵ định tại khoản 2 Điều 65 Luật Du lịch 2017, khi hành nghề hướng dẫn du lịch, hướng dẫn viên phải mang theo các giấy tờ sau: 1.Đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch trong khi hành nghề hướng dẫn du lịch; 2. Hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa phải mang theo giấy tờ phân công nhiệm vụ của doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch và chương trình du lịch bằng tiếng Việt trong khi hành nghề. Trường hợp hướng dẫn khách du lịch quốc tế thì hướng dẫn viên du lịch phải mang theo chương trình du lịch bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
Như vậy, đối chiếu quy định tại khoản 3 Điều 58 và quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Du lịch 2017, qụy định tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch 2017 phục vụ công tác hậu kiểm, hướng dẫn viên không phải mang các giấy tờ chứng minh điều kiện hành nghề quy định tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch 2017.
Hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật Du lịch, giấy tờ chứng minh điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên quy định tại điểm d khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 59 Luật Du lịch là các văn bằng và chứng chỉ trong trường hợp người đề nghị không học chuyên ngành hướng dẫn du lịch. Như vậy, Luật Du lịch quy định việc thẩm định hồ sơ phải dựa vào văn bằng mà người đề nghị cấp thẻ nộp hồ sơ, không thẩm định bảng điểm của người nộp.
Quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch
Theo quy định của pháp luật hiện hành, quy định về cơ cấu tổ chức, nội dung hoạt động của Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 04 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội, Nghị định số 33/2012/ND-CP ngày 13 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 04 năm 2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Điều 7 Luật Du lịch 2017. Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam để thu hút lực lượng hướng dẫn viên du lịch tham gia tổ chức Hội, góp phần thúc đẩy Du lịch phát triển.
Cấp giấy phép thành lập dại diện cho doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam
Thực hiện quy định của Điều 44 Luật Du lịch, việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài được thực hiện theo quy định của Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư số 11/2016/TT- BCT ngày 05 tháng 7 năm 2016 của Bộ Công thương quy định biểu mẫu thực hiện Nghị định số 07/2016/NĐ-CP. Cụ thể: áp dụng các quy định về điều kiện cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Thời hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Hồ sơ cấp/điều chỉnh/cấp lại/gia hạn giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Các trường hợp/Trình tự, thủ tục cấp/điều chỉnh/cấp lại/gia hạn giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Các trường hợp không cấp Giấy thành lập Văn phòng đại diện; Gửi và lưu trữ Giấy phép; Công bố thông tin Văn phòng đại diện; Lệ phí cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Hoạt động, quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện; Chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện./.