• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghiên cứu bảo tồn di tích Huế và phục dựng điện Cần Chánh

10/08/2012 11:07

(Cinet)- Mới đây vào ngày 9 tháng 8, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế và Viện di sản thế giới Unesco – Đại học Waseda ( Nhật Bản) đã tổ chức Hội thảo về “ Nghiên cứu bảo tồn di tích Huế và dự án phục nguyên điện Cần Chánh”.

(Cinet)- Mới đây vào ngày 9 tháng 8, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế và Viện di sản thế giới Unesco – Đại học Waseda ( Nhật Bản) đã tổ chức Hội thảo về “ Nghiên cứu bảo tồn di tích Huế và dự án phục nguyên điện Cần Chánh”.

Điện Cẩn Chánh xưa..Ảnh tư liệuĐiện Cẩn Chánh xưa..Ảnh tư liệu

Điện Cần Chánh – một công trình kiến trúc cung điện tiêu biểu của triều Nguyễn, có kết cấu bằng gỗ lớn và là cung điện đẹp nhất trong hệ thống cung điện của Tử Cấm Thành đã bị tiêu hủy.

Được biết từ năm 1994, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã chính thức là đối tác phối hợp với Viện nghiên cứu di sản thế giới UNESCO (Đại học Waseda, Nhật Bản), thực hiện chương trình nghiên cứu bảo tồn chiến lược nhằm từng bước phục hồi hệ thống cung điện của quần thể di tích cố đô Huế. Qua nhiều năm nghiên cứu thì công tác nghiên cứu bảo tồn đã được thực hiện một cách khoa học và có hệ thống với những mục tiêu toàn diện và đa dạng, như: nghiên cứu toàn diện về di sản, cung cấp cơ sở khoa học cho các dự án bảo tồn trùng tu di tích Huế; thiết lập phương pháp luận bảo tồn theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo tồn tính chân xác và nâng cao giá trị di sản; ứng dụng chọn lọc công nghệ bảo tồn của Nhật Bản vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ nghiên cứu bảo tồn; nghiên cứu khả thi dự án phục nguyên điện Cần Chánh đã bị thiêu huỷ vào năm 1947 trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - TS Phan Thanh Hải cho biết : Chương trình hợp tác nghiên cứu bảo tồn di tích cố đô Huế giữa Trung tâm và Viện di sản Waseda, đặc biệt là dự án phục nguyên điện Cần Chánh vốn nằm trong định hướng phát triển chung của tỉnh Thừa Thiên - Huế và quốc gia đã và đang nhận được sự quan tâm của Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Hội thảo lần này được tổ chức nhằm hướng đến việc bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị di sản văn hóa Huế và môi trường cảnh quan vùng Huế.

Tại hội thảo, ngoài việc đánh giá lại những thành quả của quá trình hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua; các tham luận của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu ở Việt Nam và Nhật Bản đã tập trung vào một số vấn đề như: kế hoạch phục nguyên điện Cần Chánh; phát triển nguồn nhân lực cho công cuộc bảo vệ di sản và thiết kế cảnh quan; mô hình chính sách ODA Nhật Bản cho dự án phát triển bền vững môi trường lịch sử thông qua khai thác sử dụng di sản văn hóa Huế; thiết kế khu vực môi trường đô thị lịch sử Huế như một “Bảo tàng sinh thái”; sự cần thiết về phát triển nguồn nhân lực cho công cuộc bảo vệ di sản và thiết kế cảnh quan...

TS Phan Thanh Hải cho biết thêm: Thời gian tới, Trung tâm vẫn cần tiếp tục chương trình hợp tác với Đại học Waseda để tranh thủ nguồn tài trợ và tiếp thu chọn lọc công nghệ bảo tồn tiên tiến của Nhật Bản, cần thiết phải có động thái ngoại giao và kế hoạch khả thi nhằm thúc đẩy chương trình hợp tác đi vào chiều sâu và phải đạt được những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

Phát biểu tại cuộc hội thảo, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, cần đào tạo các nhà bảo tồn chuyên nghiệp đối với di sản văn hoá. Điều này rất quan trọng, bởi nếu chúng ta có dự án, có nguồn lực mà không có con người thì không thể bảo tồn di sản văn hóa. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua sự phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả của du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, thu hút khách du lịch và nhà đầu tư đến Huế từ những kết quả thực tiễn của hoạt động bảo tồn, trùng tu di tích, bảo vệ cảnh quan môi trường...

NLH

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ