(Tổ Quốc) - Chiều 23/4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng là cần thiết
Dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến gồm 04 Chương, 16 Điều. Dự thảo Luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cụ thể về nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật liên quan tới quy định đối với: Người nộp thuế; Đối tượng không chịu thuế GTGT; Giá tính thuế GTGT; Thuế suất; Khấu trừ thuế GTGT đầu vào; Hoàn thuế GTGT;…
Trong đó, về đối tượng không chịu thuế GTGT, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, Chính phủ đề xuất bỏ Điều quy định về hóa đơn, chứng từ tại dự thảo Luật. Dự thảo Luật thuế GTGT đã sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT theo quy định tại Luật số 31/2013/QH13. Theo đó, cũng cần bổ sung vào điều khoản thi hành dự thảo Luật thuế GTGT để sửa đổi, bổ sung Luật số 71/2014/QH13 liên quan đến nội dung về ngưỡng doanh thu chịu thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh nhằm đảm bảo thống nhất giữa 02 sắc thuế, thuận lợi trong triển khai.
Ngoài ra, để không gây xáo trộn đối với các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đã được ấn định thuế từ đầu năm, Chính phủ trình Quốc hội quy định mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị.
Về mục tiêu, quan điểm và phạm vi các nội dung sửa đổi, đề nghị Chính phủ bám sát các mục tiêu, định hướng đã được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 để cân nhắc bổ sung phạm vi các nội dung chính sách được sửa đổi, bảo đảm tính bao quát, tổng thể đối với các nguồn thu, ít nhất là trong trung hạn của hệ thống chính sách thuế GTGT.
Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, đề nghị Chính phủ tính toán, cân nhắc các yếu tố liên quan trên bình diện chung của các chính sách hiện hành (như mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN, chuẩn nghèo đa chiều mới, GDP/đầu người tại thời điểm hiện nay đã tăng hơn 2 lần so với thời điểm năm 2013 khi mức ngưỡng doanh thu 100 triệu đồng được xây dựng,…) để quy định cụ thể mức ngưỡng này trong dự thảo Luật.
Về thời điểm xác định thuế GTGT, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc bổ sung quy định về thời điểm xác định thuế GTGT để bảo đảm rõ ràng, tránh các vướng mắc phát sinh trong thực thi Luật. Tuy nhiên, để nhất quán quan điểm các nội dung sửa đổi, bổ sung cần được quy định cụ thể, rõ ràng và thực hiện mục tiêu luật hóa tối đa các nội dung được quy định tại các văn bản dưới Luật, đã thực hiện ổn định, đề nghị Chính phủ rà soát các nội dung liên quan đến quy định về thời điểm xác định thuế GTGT đối với một số trường hợp đặc thù, trong đó có hoạt động kinh doanh bất động sản được quy định tại văn bản dưới luật để quy định cụ thể trong dự thảo Luật, không giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định….
Nghiên cứu đưa báo chí vào nhóm đối tượng không chịu thuế VAT
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về sự phù hợp của dự thảo Luật với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết, Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật; sự phù hợp, tương thích của Luật sửa đổi với các luật có liên quan; tính khả thi của các quy định, điều, khoản quy định tại dự thảo luật; về hình thức, nội dung văn bản, hồ sơ dự án Luật, kết cấu dự thảo luật;…
Phát biểu ý kiến tại phiên họp về đối tượng không chịu thuế VAT, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề lĩnh vực báo chí - xuất bản có đưa vào dự án luật lần này hay không. "Hiện nay cả báo giấy và báo điện tử đều khó khăn. Trước đây chúng ta chỉ nói báo giấy thôi nhưng giờ báo điện tử cũng gặp khó khi các nền tảng trực tuyến rất phát triển. Kinh tế báo chí rất khó khăn trong điều kiện quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến rất phát triển. Các đồng chí nên nghiên cứu thêm vấn đề này", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu thêm các ý kiến nhà khoa học, trí thức về đề xuất đưa sách chuyên khảo vào đối tượng miễn thuế VAT. Hiện trong dự thảo luật mới nói đến sách giáo khoa, trong khi sách chuyên khảo có hàm lượng khoa học rất cao, loại tri thức cao hơn và cần được khuyến khích.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự thảo liệt kê 26 nhóm đối tượng không chịu thuế, trong đó chuyển 10 nhóm hàng hóa sang chịu thuế 5%. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề xuất sửa lại, sắp xếp 26 nhóm đối tượng này tương thích với danh mục, lĩnh vực ngành nghề theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Đây là một gợi ý để nghiên cứu cho tương thích với phân loại ngành nghề kinh doanh... để dễ theo dõi, không bị bỏ sót.
"Nên chăng cần nghiên cứu để bổ sung một số hành vi vi phạm, hành vi bị cấm và chế tài. Bởi đây là luật thuế về chính sách, ngoài những điều cấm trong Luật quản lý thuế đã có thì do tính chất đặc thù của thuế VAT có thể phát sinh nhiều hành vi vi phạm nên cần có răn đe", Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng có thể nghiên cứu trong quy định chung thêm một điều nói về những hành vi cấm, chế tài xử phạt những trường hợp chưa được cụ thể hóa trong Luật quản lý thuế.
"Có thể ví dụ như hành vi gian lận hóa đơn, chứng từ, vi phạm về thời gian nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế, lừa đảo chiếm đoạt thuế, khai khống hóa đơn thuế VAT, thành lập cơ sở kinh doanh để bán hóa đơn thuế VAT...", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội.
Trong đó lưu ý một số nội dung như như: Tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng chiến lược cải cách thuế, đặc biệt lưu ý đến quan điểm sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý; định hướng tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất và thực hiện tăng thuế theo lộ trình.
Rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật để đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật; khắc phục khó khăn, vướng mắc của luật hiện hành, hoàn thiện các quy định, đảm bảo bao quát trong trung hạn chính sách thuế GTGT. Cụ thể hóa tối đa trong luật các nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, giảm thiểu việc giao Chính phủ, các bộ quy định.
Đồng thời, cần rà soát đảm bảo nguyên tắc của Hiến pháp, đảm bảo thu ngân sách phải do luật định, trường hợp giao Chính phủ, Bộ Tài chính quy định cần thuyết minh rõ lý do và phải quy định mang tính nguyên tắc trong luật; cân nhắc giao Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết, Bộ Tài chính chỉ hướng dẫn về quy trình thủ tục. Tiếp tục rà soát ý kiến của cơ quan thẩm tra đối với các chính sách cụ thể để đảm bảo tính công khai, minh bạch… Bổ sung và tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế về thuế suất hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, không chịu thuế GTGT; rà soát, đánh giá kỹ tác động của từng chính sách, các điều khoản trong luật để đảm bảo hiệu quả, khả thi và phù hợp với điều kiện của Việt Nam...