(Tổ Quốc) - Chiều 18/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp đoàn Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) do ông Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch Viện dẫn đầu.
Hoạt động này diễn ra nhân dịp đoàn phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức Tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN – cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cảm ơn Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á đã phối hợp với Bộ Ngoại giao đồng tổ chức Tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN – cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”, cho rằng đây là hoạt động có ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm thành lập khối ASEAN.
Phó Thủ tướng nhận định ERIA là viện nghiên cứu hàng đầu khu vực với mạng lưới các viện thành viên trải khắp các nước khu vực ASEAN, đồng thời là một trong ba tổ chức nghiên cứu đã đóng góp cho việc xây dựng Tầm nhìn ASEAN 2025.
Phó Thủ tướng mong muốn các chuyên gia của Viện chia sẻ về các kết quả nghiên cứu tư vấn cho Chính phủ Việt Nam, về kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2025 (AEC).
Cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian đón tiếp và những đánh giá của Phó Thủ tướng đối với hoạt động của Viện thời gian qua, ông Hidetoshi Nishimura cũng cảm ơn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức buổi Tọa đàm vào ngày 19/7 để có thể nâng cao nhận thức về Cộng đồng AEC trong cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam. Đây là một sự kiện được tổ chức vào thời điểm hết sức quan trọng, khi mà ASEAN và Đông Á là nền tảng quan trọng của quan hệ quốc tế và hội nhập của Việt Nam.
Ông Hidetoshi Nishimura cho biết, năm 2020 là giữa kỳ trong công tác triển khai Cộng đồng kinh tế AEC 2025, Việt Nam sẽ giữ vai trò chủ tịch ASEAN. Đây là một năm hết sức quan trọng, mang tính bản lề cho ASEAN và cả Việt Nam. Viện ERIA cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng như các bộ, ngành liên quan để đảm bảo Việt Nam đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Tại buổi gặp mặt, các thành viên trong đoàn đã trao đổi, chia sẻ một số nội dung nghiên cứu của ERIA về Việt Nam nói riêng và Cộng đồng kinh tế ASEAN nói chung cũng như những định hướng trong tương lai, kế hoạch tổng thể Cộng đồng kinh tế AEC 2025, những thách thức mà ASEAN cần vượt qua…
Các ý kiến nhìn nhận Việt Nam đã thành công trong cải cách các thủ tục hành chính, nâng cao sự tham gia của khu vực tư nhân trong cải cách chính sách. Chính phủ Việt Nam luôn mở cửa đối với khu vực tư nhân, để khu vực tư nhân có cơ hội đối thoại với Chính phủ. Sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ mở ra nhiều cơ hội cho khu vực tư nhân của Việt Nam.
Cũng tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu một số vấn đề mà Việt Nam quan tâm. Theo Phó Thủ tướng, qua 50 năm, thế giới công nhận ASEAN là tổ chức đa phương rất thành công và có tham gia chặt chẽ với APEC. Đến 2016, ASEAN là nền kinh tế đứng thứ 7 và đến năm 2020 vươn lên là nền kinh tế thứ 5 trên toàn cầu. Tuy nhiên, tương lai của ASEAN và Cộng đồng kinh tế ASEAN là điều cần có lời giải đáp. Các nước trong khối ASEAN nền kinh tế có cơ cấu khá tương đồng, do đó, trao đổi kinh tế thương mại, đầu tư nội khối cần có nghiên cứu kỹ lưỡng và hướng đi thích hợp.
Việt Nam vừa đánh giá lại năm 2016, sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập thì có dấu hiệu tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với các nước ASEAN giảm đi. Tuy nhiên, Việt Nam đang xem xét đó là xu hướng ngẫu nhiên hay là chuyện bất thường, Phó Thủ tướng cho biết.
Bày tỏ băn khoăn, Phó Thủ tướng cho rằng ASEAN có Cộng đồng kinh tế nhưng không có đồng tiền chung và tài khóa chung, những rủi ro gì sẽ đặt ra và liệu có xung đột về vấn đề tỷ giá trong nội khối. Trước việc đồng bạt Thái và một số đồng tiền trong khối phá giá nhanh, bất ổn, Phó Thủ tướng mong muốn Viện ERIA nghiên cứu, có định hướng hướng đi thích hợp cho Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề về việc kết nối ASEAN với Đông Á, vai trò của Nhật và một số nước Đông Á trong kết nối Việt Nam với Đông Á cũng như trong quá trình đang đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); kết nối giữa ASEAN và các nước Đông Á, Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay.
Kết nối của Việt Nam với các nước ASEAN chủ yếu theo hướng Đông – Tây nhưng chiến lược của Trung Quốc, nhất là chiến lược “một vành đai, một con đường” lại ưu tiên kết nối theo hướng Bắc – Nam, chúng ta xử lý và giải quyết vấn đề kết nối này như thế nào, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Một vấn đề nữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ quan tâm đặt ra, đó là hội nhập quốc tế và tự do hóa thương mại - xu thế tất yếu khó có thể đảo lộn, nhưng xu hướng bảo hộ đã phát sinh và có chiều hướng phát triển. Phó Thủ tướng đặt vấn đề về tạo thuận lợi thương mại và các hàng rào kỹ thuật đặt ra trong thời gian tới. Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, Phó thủ tướng cho biết đến giờ việc kết nối một cửa ASEAN chưa có thời điểm kết thúc.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang nỗ lực tạo thuận lợi thương mại tối đa đi đôi với việc chống gian lận thương mại, nhưng vấn đề quan trọng là giải quyết các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong từng nước và phối hợp giữa các nước nội khối, vấn đề này chưa được nghiên cứu kỹ và có biện pháp thích hợp./.
Thành Chung