Nghiên cứu đã xem xét tác động của giấc ngủ trưa ngắn với sức khỏe và phát hiện rất nhiều lợi ích tuyệt vời.
Một nghiên cứu mới từ Singapore đã xem xét tác động của giấc ngủ trưa ngắn với sức khỏe và phát hiện giấc ngủ này có nhiều lợi ích với tâm trạng, trí nhớ và sự tỉnh táo.
Trên thực tế, thói quen ngủ trưa là một truyền thống ở nhiều quốc gia Nam Âu, Nam Mỹ, thường được gọi là siesta (có nghĩa là ngủ ngắn trong tiếng Tây Ban Nha). Ngủ trưa cũng là thói quen phổ biến ở một số quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam.
Bước vào một văn phòng làm việc ở Việt Nam vào giờ nghỉ trưa, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng nhân viên ngủ trưa trên ghế làm việc hoặc dưới sàn nhà. Nhiều người nói rằng ngủ trưa giúp họ làm việc tốt hơn, tinh thần tỉnh táo hơn vào buổi chiều.
Phát hiện mới về lợi ích của ngủ trưa
Nghiên cứu mới được thực hiện trên 32 thanh niên ở Singapore. Các nhà nghiên cứu đã xem xét tâm trạng và sự tỉnh táo của 32 người này sau bốn kiểu ngủ/không ngủ khác nhau.
Tiến sĩ Ruth Leong, đến từ Đại học Quốc gia Singapore, giải thích: "Sau khi ngủ đủ giấc như thường lệ vào ban đêm, 32 thanh niên trải qua bốn điều kiện thí nghiệm - thức xuyên trưa, ngủ trưa 10 phút, ngủ trưa 30 phút và ngủ trưa 60 phút - vào những ngày khác nhau".
Kết quả cho thấy ngủ trưa từ 10 đến 60 phút đều có lợi ích với sức khỏe hơn so với không ngủ. Cụ thể, giấc ngủ trưa ngắn có thể tăng cường trí nhớ, cải thiện tâm trạng và sự tỉnh táo trong ít nhất 4 giờ sau đó.
Tiến sĩ Leong nói thêm: "Tâm trạng, cơn buồn ngủ, hiệu suất nhận thức được đo lường trong khoảng thời gian 5, 30, 60 và 240 phút sau khi thức dậy để xem xét lợi ích của ngủ trưa. Tác động của ngủ trưa đối với việc ghi nhớ cũng đã được kiểm tra".
"Kết quả là, so với việc không ngủ, ngủ trưa từ 10 đến 60 phút đều có những lợi ích rõ ràng. Các tác dụng như cải thiện tâm trạng, sự tỉnh táo… kéo dài tới 240 phút sau khi ngủ trưa, cho thấy ngay cả 10 phút ngắn ngủi cũng có thể giúp ích cho bạn", tiến sĩ Leong nói.
Các lợi ích đã được chứng minh của ngủ trưa
Theo chuyên trang y tế Healthline, một giấc ngủ trưa ngắn có thể tăng cường sức khỏe tinh thần và thể chất. Dưới đây là những lợi ích đã được chứng minh của ngủ trưa:
1. Cải thiện khả năng nhận thức
Ngủ trưa giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn. Đổi lại, bộ não của bạn sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những giấc ngủ ngắn làm giảm mức độ adenosine trong não. Adenosine là một chất dẫn truyền thần kinh thúc đẩy giấc ngủ và đóng một vai trò trong nhận thức.
2. Cải thiện trí nhớ
Những giấc ngủ trưa ngắn có thể củng cố trí nhớ. Một giấc ngủ ngon ngay sau khi học được điều gì đó mới dường như giúp chúng ta lưu giữ thông tin đó.
Trong một nghiên cứu nhỏ năm 2019, các nhà nghiên cứu đã chia 84 sinh viên đại học thành ba nhóm. Tất cả đã dành 90 phút để tìm hiểu về loài cua. Sau đó, một nhóm chợp mắt trong một giờ, nhóm thứ hai dành thêm một giờ để học và nhóm cuối cùng xem một bộ phim dài một giờ.
Sau đó, tất cả học về cua trong 90 phút cuối cùng. Sau 30 phút nghỉ giải lao, họ làm bài kiểm tra về những gì đã học. Một tuần sau, họ cũng làm bài kiểm tra khác.
Trong bài kiểm tra đầu tiên, nhóm ngủ trưa và nhóm học thêm một giờ có kết quả tốt hơn nhóm xem phim. Đến lần kiểm tra thứ hai, nhóm ngủ trưa đã thể hiện tốt hơn tất cả các nhóm còn lại.
3. Tăng cường miễn dịch
Ngủ trưa thường xuyên có thể giúp ích cho hệ thống miễn dịch.
Natasha Fuksina, một bác sĩ nội khoa tại Mỹ, cho biết: "Mất ngủ làm gia tăng các chỉ số gây viêm và làm suy giảm miễn dịch. Ngủ trưa trong khoảng thời gian vài ngày sẽ cải thiện hệ thống miễn dịch và chức năng tế bào."
Ví dụ, trong một nghiên cứu nhỏ năm 2015, 11 người đàn ông chỉ ngủ 2 tiếng một đêm. Ngày hôm sau, họ chợp mắt trong 30 phút và sau đó được ngủ trọn vẹn vào đêm hôm đó. Kết quả cho thấy giấc ngủ ngắn giúp giảm mức độ cytokine gây viêm và norepinephrine, một chất kiểm soát khả năng miễn dịch.
Nên ngủ trưa bao lâu?
Câu trả lời là: Đừng ngủ trưa quá ít hoặc quá nhiều.
Jeff Rodgers, một chuyên gia về giấc ngủ được chứng nhận bởi Hiệp hội Giấc ngủ và Hơi thở Mỹ, cho biết: "Đối với hầu hết mọi người, giấc ngủ ngắn kéo dài 20 đến 30 phút là lý tưởng để tăng cường sự tỉnh táo và tập trung".
"Thức dậy sau khi chợp mắt 30 phút sẽ đảm bảo bạn đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ giấc ngủ và sẽ không cảm thấy uể oải khi thức dậy".
Bác sĩ Alex Dimitriu, một chuyên gia khác về giấc ngủ, cho biết ngủ trưa dài hơn có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ban đêm.
Ông nói: "Một số người có thể rơi vào trạng thái ngủ nhiều vào ban ngày và ngủ không ngon giấc vào ban đêm".
Tuy nhiên, nếu bạn đang thực sự mệt mỏi thiếu ngủ, Rodgers cho biết một giấc ngủ trưa 90 phút có thể hiệu quả. Ông giải thích: "Giấc ngủ ngắn này đảm bảo rằng toàn bộ chu kỳ giấc ngủ đã diễn ra, giúp tránh tình trạng uể oải".
Làm thế nào để có giấc ngủ trưa ngon?
Để có những giấc ngủ trưa ngon nhất, có lợi nhất, hãy làm theo lời khuyên từ các chuyên gia về giấc ngủ như Rodgers:
- Ngủ trưa từ 1 đến 3 giờ chiều. "Đây là thời gian uể oải tự nhiên của con người. Nếu bạn cố chợp mắt sớm hơn thời gian đó, cơ thể bạn có thể sẽ không sẵn sàng để ngủ thêm, và nếu bạn ngủ trưa muộn hơn thế, điều đó có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn vào ban đêm", Rodgers giải thích.
- Thiết lập môi trường ngủ giống ban đêm: Giữ cho môi trường ngủ tối, mát mẻ và yên tĩnh nhất có thể. Hãy thử đeo miếng bịt mắt hoặc sử dụng máy tạo tiếng ồn trắng.
- Bạn có thể chợp mắt trên ghế sofa thay vì trên giường. Tiến sĩ Lauren Broch, nhà tâm lý học về giấc ngủ tại hệ thống chăm sóc sức khỏe Northwell Health, Mỹ, cho biết: "Bạn không nên nằm quá thoải mái và ngủ quá lâu, vì điều này có thể khiến bạn khó thức dậy".
Ai không nên ngủ trưa?
Mặc dù giấc ngủ trưa có những lợi ích nhất định, nhưng chúng không dành cho tất cả mọi người.
Tiến sĩ Rodgers khuyên bạn nên xem xét nghiêm túc giấc ngủ trưa của mình.
"Bạn có cần ngủ trưa mỗi ngày để có được sự tỉnh táo không? Việc chợp mắt có phải là một hoạt động đã được lên kế hoạch hay bạn chỉ đang 'ngủ gật' tại bàn làm việc?" tiến sĩ đặt câu hỏi.
"Mệt mỏi thường xuyên vào ban ngày có thể là dấu hiệu của các rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, như ngưng thở khi ngủ hoặc mất ngủ, cần được chuyên gia y tế đánh giá".
Tiến sĩ Broch cho biết thêm nếu bạn được chẩn đoán mắc chứng mất ngủ, thông thường bạn không nên chợp mắt buổi trưa trừ khi điều này cần thiết vì lý do an toàn, chẳng hạn như tỉnh táo khi lái xe hoặc vận hành máy móc hạng nặng.
Kết luận
Những giấc ngủ ngắn có thể hỗ trợ sức khỏe tinh thần của chúng ta, giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn và thậm chí có thể tăng cường khả năng miễn dịch.
Tuy nhiên, nhiều người muốn biết cách chợp mắt mà không cảm thấy mệt mỏi lúc tỉnh dậy. Bí quyết là chỉ ngủ trưa từ 20 đến 30 phút và chọn môi trường ngủ giống như ban đêm.
Một chiếc đồng hồ báo thức nhẹ nhàng cũng có thể giúp bạn thức dậy sau giấc ngủ ngắn với năng lượng dồi dào và đầu óc tỉnh táo hơn.
(Nguồn: The Sun, Healthline)