(Tổ Quốc) - Những ngõ nhỏ với tường sơn vàng phủ đầy rêu xanh cũ kỹ từ lâu đã trở thành “đặc sản” của Hội An, để những ai đã đến nơi đây đều muốn sống chậm lại và lắng nghe hồn phố…
Charlie Nguyễn (44 tuổi) từ Anh trở về Việt Nam nhiều lần, nhưng những ngày tháng 1/2023 là lần đầu anh đến Hội An. Dạo khắp khu phố cổ khiến đôi chân mỏi nhừ, Charlie Nguyễn nói rằng, anh vẫn muốn đi đi lại lại cho đến khi nào thuộc lòng từng con đường nhỏ, lắng nghe trọn vẹn những thanh âm cuộc sống tại Di sản văn hóa thế giới này.
Khu phố cổ Hội An như một bàn cờ, đi hết đường này thì gặp đường khác, mà hầu như đường nào cũng ngắn và lòng đường hẹp, chỉ phù hợp cho người đi bộ, xích-lô, xe đạp. Trên mỗi con đường có quá nhiều thứ níu chân du khách như những cửa hiệu bày bán đủ loại hàng hóa đầy màu sắc, từ áo quần đến túi da, đồ trang sức, bưu thiếp; những gánh chè, xoa xoa, tào phớ; những mẹt bánh xoài, bánh da lợn; những chiếc tò he 12 con giáp được làm bằng đất nung rỗng ruột, khi thổi phát ra âm thanh "tò te, tò te"…
Từ đường Trần Phú rẽ vào một con ngõ hẹp và dài, Charlie Nguyễn bảo anh thấy lòng bình yên đến lạ, cứ như mọi chuyển động của cuộc sống đều ngừng lại để khách bộ hành sải bước, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng bước chân, hít hà mùi hương trầm thoang thoảng và thỏa sức ngắm nhìn những bức tường rêu phong nhuốm màu thời gian.
Một đoàn khách du lịch từng người một nối nhau đi qua ngõ, Charlie Nguyễn và cô gái hướng dẫn viên nép qua một bên, nhường đường cho đoàn khách. Những ánh mắt rạng rỡ, những nụ cười thân thiện trao nhau cùng lời nói "Hello" (Xin chào), "Thank you" (Cảm ơn)... Mọi khoảng cách dường như ngắn lại. Người xa lạ bỗng hóa thân quen.
Charlie Nguyễn thắc mắc về những con ngõ nhỏ với tường sơn vàng phủ đầy rêu xanh cũ kỹ và thông ra các con đường. Cô hướng dẫn viên giải thích, thế hệ 9X như cô sinh ra ở phố Hội thì đã thấy những con ngõ "xuyên ngang" với những bức tường đầy rêu như thế. Có khi đầu ngõ là hàng tào phớ, cuối ngõ là gánh chè, giữa ngõ là 4-5 nhà bán hàng lưu niệm, tò he, nón lá, đèn lồng, dép chiếu, bánh ít lá gai, bánh su sê, có cả tiệm cà phê, tiệm cơm gà. Đi hết một ngõ thì đến đường, như thể bước vào khung cảnh mới, nhịp sống mới.
Cô hướng dẫn viên kể, từ nhỏ, cô cùng đám bạn đã chạy nhảy khắp các ngõ ở đường Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Phan Chu Trinh…; thuộc từng chỗ ngồi của cô bán tàu phớ, bà bán chè, chú bán nón; nhớ như in giờ mà cụ Nguyễn Đường đến giếng Bá Lễ lấy nước rồi gánh đến tận từng nhà dân mỗi sáng sớm.
Cụ Nguyễn Đường từng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất Việt Nam". Khi cụ qua đời vào năm 2019, nhiều người dân Hội An đều thấy bùi ngùi như thể mất một người thân.
Giếng Bá Lễ - hố giếng của người Chăm gần 1.000 năm tuổi - nằm trong ngõ nhỏ nối giữa đường Trần Hưng Đạo và đường Phan Châu Trinh. Nhịp sống trong ngõ này gắn liền với giếng Bá Lễ và đôi quang gánh của cụ Nguyễn Đường ngày trước cùng những người làm nghề gánh nước thuê sau này. Giữa nhịp sống hiện đại, người Hội An vẫn dùng nước giếng Bá Lễ để nấu ăn, đặc biệt để làm những món "đặc sản" của phố Hội như: cao lầu, mì Quảng, chí mà phù (chè mè đen)...
Những thói quen vô hình trong nếp ăn, nếp ở của người dân cùng sự cũ kỹ hữu hình của những ngõ nhỏ, những bức tường rêu phong là một phần hồn không thể thiếu của Hội An. Thế nên, du khách đến phố Hội đều muốn "check in" ở những ngõ nhỏ, như thể chưa có hình ảnh bức tường vàng và vạt rêu xanh làm minh chứng thì xem như chưa tới Hội An bao giờ.
Sau hai năm bị ảnh hưởng COVID-19, phố Hội nay nhộn nhịp trở lại. Đường phố tấp nập du khách. Vẫn cảnh dập dìu mua mua bán bán, vẫn hàng nọ ken quán kia. Hơn 1,5 triệu lượt khách đến Hội An trong năm 2022, trong đó có 614.000 lượt khách quốc tế, là tín hiệu tốt đẹp cho thấy du lịch tại Di sản văn hóa thế giới này sẽ tăng tốc hơn nữa.
Và cũng như Charlie Nguyễn, nhiều vị khách đến từ châu Âu, châu Á hay châu Mỹ xa xôi đều "phải lòng" những ngõ nhỏ. Họ bước đi thật chậm, thật chậm trong ngõ để cảm nhận, rồi dần hiểu những câu chuyện đời, chuyện người của phố cổ Hội An.