• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngoài chiến dịch 'Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam', ngành du lịch cần thêm những điều gì để bật dậy sau dịch Covid-19?

Chuyện kinh doanh 12/05/2020 16:43

(Tổ Quốc) - Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, những khu du lịch như Đà Lạt, Vũng Tàu, Sầm Sơn đã sôi động trở lại. Chưa thể nói về một sự hồi sinh thực sự nhưng du lịch Việt Nam đã bắt đầu cựa mình thức dậy sau 2 tháng ngủ đông giữa mùa hè do dịch bệnh Covid-19.

Ngành du lịch trước cú sốc Covid-19

Trở lại hồi tháng 1, dịch bệnh mới bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), hoạt động du lịch trong nước vẫn diễn ra bình thường. Bước sang tháng 2, đã có 16 ca nhiễm bệnh được kiểm soát và chữa khỏi bệnh, ngành du lịch đã sẵn sàng triển khai chương trình kích cầu du lịch với quy mô lớn.

Tuy nhiên, bước sang tháng 3, dịch bệnh đã bùng phát trở lại và chuyển sang giai đoạn khó lường, xảy ra lây chéo trong cộng đồng. Du lịch gần như đã hoàn toàn tê liệt, nhất là khi Việt Nam đóng cửa hàng không quốc tế để đảm bảo an toàn.

Hồi tháng 2, mạng xã hội lan truyền đoạn video về việc một quản lý khách sạn chia sẻ với nhân viên khi buộc phải đóng cửa bởi dịch Covid-19. Theo đó doanh thu của toàn hệ khách sạn hàng ngày chỉ thu được từ 1-3 triệu đồng. Trong khi đó riêng tiền điện nước công ty bỏ ra đã là 300-400 nghìn/ngày.

Chị Đỗ Mỹ Dung, Chủ tịch chuỗi khách sạn Mai Villa & G15 cũng ngậm ngùi chia sẻ cùng VTV: "Tôi là một người lãnh đạo mà cũng phải đi làm những việc chân tay thay cho nhân viên của mình đi về. Thời điểm đó họ không thể quay lại Hà Nội".

Sự tê liệt đã kéo từ lữ hành tới lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, cơ sở mua sắm. Đã có tới 98% hãng lữ hành quốc tế dừng hoạt động, công suất phòng của các cơ sở lưu trú cũng chỉ còn 20%. Chỉ trong quý I ngành du lịch đã đánh mất 3,1 tỷ USD.  

Hoặc một trường hợp khác là doanh nghiệp lữ hành Ha Noi Redtour, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc công ty cho biết dù là công ty có 25 năm thành lập tuy nhiên với tình hình dịch bệnh như này công ty duy trì hoạt động bình thường với nhân sự hiện tại đến hết năm 2020. Nếu tình hình kéo dài hơn nữa, chúng tôi phải có những biện pháp mạnh hơn để giảm nhân lực và giảm chi phí khác.

Ngoài chiến dịch Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, ngành du lịch cần thêm những điều gì để bật dậy sau dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Kích cầu du lịch nội địa

Sau một những biện pháp giãn cách xã hội và nỗ lực khống chế dịch Covid-19 thành công, hiện ngành du lịch đang từng bước được mở cửa trở lại. Mới đây ngày 8/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 1749 phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", nhằm kích cầu du lịch nội địa.

"Chúng tôi cũng không thể nghĩ rằng dịp 30/4 và 1/5 vừa qua khách du lịch đến các địa điểm du lịch rất đông như vậy mặc dù các công ty du lịch chưa khai thác được hết công suất do các quy định về cách ly. Các công ty du lịch hiện chưa thể triển khai hết được các dịch vụ. Nhưng việc khách du lịch lớn là điều rất mừng cho ngành du lịch là nhu cầu của khách vẫn còn", ông Hoan trả lời phỏng vấn VTV.

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng về nhu cầu du lịch nội địa, khi hoạt động trở lại, du lịch phải đặt an toàn lên hàng đầu. Ngày 1/5, Tổng cục Du lịch đã có công văn hướng dẫn với các tiêu chí cho cả doanh nghiệp và khách du lịch.

Đối với doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch:

- Niêm yết bảng thông tin hướng dẫn an toàn, phòng chống dịch

- Nơi đón tiếp đảm bảo đúng giãn cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế

- Đo thân nhiệt, cung cấp khẩu trang cho khách hàng

- Có đầy đủ xà phòng hoặc các sản phẩm vệ sinh rửa tay khô

-Vệ sinh, khử trùng hàng ngày; riêng thang máy, nơi đón tiếp thì vệ sinh, khử trùng tối thiểu 3 lần/ngày

- Chỉ tổ chức các dịch vụ du lịch khi đảm bảo đúng quy định về giãn cách, không ngủ tập thể trong một phòng

- Hướng dẫn viên, nhân viên phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc

Đối với khách du lịch:

- Đeo khẩu trang trừ khi ở phòng ngủ hay khi ăn uống trong nhà hàng

- Không dùng chung các đồ dùng cá nhân

- Thông báo cho cơ quan chức năng nếu có biểu hiện mắc bệnh COVID-19

Dưới góc độ là doanh nghiệp lữ hành, ông Hoan cho biết thực tế các đơn vị du lịch còn 2 yếu tố khác gặp khó khăn gồm: Quy định giãn cách trong quá trình ăn uống và số lượng người tại các địa điểm công cộng.

Theo đó văn bản của Tổng cục du lịch hiện đang gây khó khăn và không biết hiểu thế nào cho đúng về quy định giãn cách trong cùng 1 gia đình hay chỉ giữa các đoàn khách khác nhau. Theo ông Hoan, đối với nhóm khách cùng 1 đoàn thì không cần giãn cách.

Điểm khó khăn thứ về việc địa điểm công cộng quy định không được hơn 20 người. Câu hỏi dặt ra là các công ty du lịch có được nhận đoàn trên 20 người không. Và việc số lượng người có nhu cầu đi theo đoàn là điều các công ty du lịch không thể kiểm soát được cũng như khó khăn cho việc tổ chức tour.

Ngoài ra để ngành nhanh chóng bật dậy sau dịch Covid-19 tổng giám đốc Ha Noi Redtour cho rằng yếu tố đoàn kết là quan trọng.

"Một công ty lữ hành hay một nhóm công ty lữ hành không thể tạo ra sản phẩm du lịch tốt bởi du lịch là sản phẩm liên ngành liên vùng, tổng hợp của các dịch vụ khác nhau. Và thậm chí nếu cần thiết nữa cần sự hỗ trợ của nhà nước", ông Hoan đề xuất.

Ví dụ ngay từ tháng 2 ngành du lịch đã những chính sách giảm giá nhưng chỉ thuần túy của các doanh nghiệp du lịch nhưng chưa có các hoạt động giảm phí, lệ phí. Việc giảm một số chi phí đầu vào của Nhà nước sẽ giúp các công ty du lịch tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn. Điều này khiến người tiêu dùng có niềm tin vào việc giảm giá, kích cầu thay vì quan điểm phải giảm giá giảm dịch vụ.

Hiện tại, ngành du lịch của Việt Nam đóng góp 8,8% GDP, giải quyết việc làm cho gần 5 triệu lao động. Chưa kể doanh thu cho nền kinh tế, có ít nhất gần 5 triệu gia đình trông mong vào sự hồi sinh của ngành du lịch. Điều đó đang dần trở thành hiện thực khi Việt Nam đã bước sang ngày thứ 19 liên tiếp không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng.

Vẫn rất cần cẩn trọng phòng dịch nhưng một khi đã xác định mở cửa lại du lịch nội địa, rõ ràng một bảng tiêu chí du lịch an toàn là chưa đủ, có hệ thống các công ty du lịch là chưa đủ mà còn cần sự mở lại đồng bộ nhịp nhàng giữa đường bay, điểm đến, dịch vụ - những bộ phận không thể tách rời tạo nên "cơ thể" của ngành du lịch.

Thảo Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ