(Cinet) - Chùa Nôm nằm trong một quần thể di tích lịch sử gắn liền với quá trình thành lập làng Nôm. Ngôi chùa vẫn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ cổ kính của chùa cổ ở đồng bằng Bắc Bộ.
Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng chừng 30km về phía Đông, chùa Nôm thuộc làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Xưa kia chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ nên có tên gọi là “Linh thông cổ tự”.
Cổng chùa Nôm - Hưng Yên (nguồn internet) |
Năm 1796, chùa xây thêm gác chuông và mở rộng hai dãy hành lang. Nơi đây hiện lưu giữ được hơn 100 pho tượng Phật bằng đất tuyệt đẹp có tuổi hàng trăm năm.
Qua chiếc cầu đá gồm 9 nhịp đầu rồng đã mấy trăm năm nay soi bóng xuống dòng sông Nguyệt Đức chảy qua làng Nôm, cây cầu đá này đã được 200 năm tuổi, cầu được tạo nên bằng đá khối nguyên từng tảng khá liền mạch, các trụ cầu cũng được xây bằng đá, trên mỗi trụ cầu còn khắc trạm đầu rồng.
Cổng Tam quan của chùa nằm dưới những bóng cây cổ thụ, có những nét đẹp cổ kính riêng, bước qua tam quan là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng hai bên. Cạnh lầu chuông là một hồ nước, phía sau hồ nước là ngôi chùa cổ nằm ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ lớn.
Cổng Tam quan (nguồn internet) |
Lầu Quan Âm nằm ở giữa hồ nước như một đài sen với cây cầu đá dẫn lối vào hình cánh cung mô phỏng cây cầu Nôm cổ.
Lầu Quan Âm (nguồn internet) |
Phía trước cầu là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng tạo thành một cụm kiến trúc thống nhất. Các pho tượng cổ tại chùa Nôm mang khuôn mặt và hình dạng có sức biểu cảm cao, giống với các trạng thái cảm xúc của con người. Từ trang phục đến trạng thái của các pho tượng cổ đều mang nét đẹp dân dã, thuần Việt, rất gần gũi với đời sống con người.
Hai tháp Cửu phẩm liên hoa (nguồn internet) |
Dọc hai bên mỗi hành lang có đến 20 pho tượng lớn nhỏ, với các trạng thái mô tả con đường hành Phật. Các pho tượng đều ngồi, đứng trên một giá đỡ bằng đất với đủ các dáng hình mập, ốm, hiền lành, dữ tợn, dân dã, thần tiên… và nhiều kích cỡ khác nhau. Có những pho tượng nhỏ xíu chỉ bằng nắm tay, ngược lại cũng có pho tượng khổng lồ. Và điều đáng ngạc nhiên về các pho tượng đất ở đây không phải về số lượng mà là về độ bền vững không tưởng của chúng, hiện chúng vẫn là một ẩn số mà các nhà khoa học chưa giải thích được.
Tiếp đến là vườn mộ tháp độc đáo bằng đá ong nằm bên cạnh ngôi chùa cổ. Đó là những tháp đá tuyệt đẹp và nguyên vẹn. Dù trải qua mấy lần đổ nát, trùng tu, song tháp vẫn uy nghiêm bất chấp thời gian.
Các pho tượng Phật đứng ngồi các thế (nguồn internet) |
Bên hông chùa còn có một chiếc giếng đá cổ, một trong những dấu tích của làng Nôm xưa vẫn được lưu giữ nguyên vẹn.
Chiếc giếng cổ bên hông chùa (nguồn internet) |
Chiếc cầu đá 200 năm tuổi (nguồn internet) |
Các lễ hội truyền thống vẫn được duy trì như: Hội làng vào ngày 12 tháng giêng âm lịch hàng năm tất cả các dòng họ trong làng đều làm giỗ, trong ngày hội làng con cháu các dòng họ dù ở bất kỳ nơi đâu, xa hay gần, trong nước hay nước ngoài đều được hội tụ đông đủ. Trong ngày hội làng đàn ông đến tuổi 55 được khao lão, những người được khao lão phải làm một mâm cỗ mang ra đình lễ thánh để các ngài chứng giám đã được lên lão và mở tiệc linh đình khao cả dòng họ. Hội làng thật độc đáo, hiếm có một làng nào có được một ngày trong năm tưng bừng, hội tụ đông đúc như thế. Lễ Tế xuân 13 tháng giêng, 15 tháng giêng lễ Thượng nguyên, 15 tháng tư lễ Trung nguyên, 17 tháng 7 lễ Hạ nguyên, 21 tháng chạp lễ Tất niên. Lễ hội có múa rối nước, rước rắn, rước sắc phong và rước thánh….
Với không gian cổ kính yên bình, cùng những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, chùa Nôm cùng với làng Nôm sẽ trở thành điểm đến thăm quan du lịch của nhiều du khách thập phương trong và ngoài nước muốn tìm hiểu những nét văn hoá cổ xưa, muốn tìm về những hoài niệm, những cái bình dị dân dã không thể tìm thấy được ở những làng quê khác.
TG (tổng hợp)