Ngôi đền đá Phú Đa hơn 300 năm tuổi, kiến trúc độc đáo, đậm chất văn hóa Việt cổ
Thực hiện: Vy Liên | 21/04/2023
(Tổ Quốc) - Đền Phú Đa là một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Trải qua hơn 300 năm, chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước, ngôi đền chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, giữ được những nét kiến trúc độc đáo, đậm chất văn hóa Việt cổ.
Đền Phú Đa
Tháng 2/1990, đền Phú Đa được Bộ VHTTDL công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.
Tọa lạc liền kề ngay triền đê sông Hồng, bao quanh ba mặt đền là hồ nước, trước đây thuộc xã Phú Hoa, tổng Tang Thác, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đền Phú Đa tên dân gian là Đền Quan Thị hay Đền Đá, có lai lịch khá độc đáo, gắn với tên tuổi của danh tướng Nguyễn Danh Thường, thế kỷ XVIII.
Theo tư liệu hồi cố của các bậc cao niên được ghi chép lại trong hồ sơ di tích, được khởi dựng vào triều vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) niên hiệu Cảnh Hưng, trên diện tích mặt bằng 3 mẫu đất. Theo truyền ngôn, dinh cơ của Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường đã được xây dựng trong khoảng thời gian gần 40 năm. Đền tọa hướng đông nam, với 3 tòa kiến trúc Cổng đền, Đại bái và Từ đường, làm hình chữ tam (tính từ cổng vào) .
Vật liệu chủ yếu xây dựng đền là đá xanh và gỗ lim, được đích thân cụ Danh Thường vào xem lựa và lấy từ mạn núi Nhồi Thanh Hóa
Trong tòa hậu cung có 5 ngai thờ chia thành 2 hàng, 1 sập đá đặt trước ngai thờ.
Hệ thống cột trụ được làm từ gỗ lim vô cùng chắc chắn.
Đi cùng với kiến trúc độc đáo trên là hệ thống các cấu kiện gỗ như: xà, kẻ hiên, thậm chí cả các cấu kiện vốn là nơi thường được người nghệ nhân dân gian thể hiện bằng bàn tay tài hoa như: ván nong, ván gió, y môn, cửa võng cũng đều được bào trơn, đóng bén, soi gờ kẻ chỉ đơn giản, liên kết mộng sàn chặt chẽ. Nhiều nghệ nhân danh tiếng về nghề mộc từ các vùng quê đã được trưng tập.
Bên trong đền rất nhiều họa tiết chạm khắc tinh xảo.
Sự kì công trong xây dựng ngôi đền Phú Đa qua chất liệu đá xanh rắn chắc được vận chuyển từ Thanh Hóa, được liên kết làm xà ngưỡng, bó bậc và làm chân tảng kê cột, dùng gạch đá ong được lựa từ vùng đất trung du chuyển về để xây tường bao cho chắc chắn.
Gạch đá ong được dùng để tạo nên những bờ bao loan, tường móc cho ngôi đền, nhằm tạo nên sự chắc chắn và cổ kính.
Cho đến nay, nói đến giá trị đền đá Phú Đa là nói về những thành công tuyệt mỹ của trình độ chạm khắc gỗ và đặc biệt là chạm khắc đá cũng như trang trí đá thời Lê – Mạc ở Việt Nam.
Bàn tay tài hoa của các thế hệ nghệ nhân đương thời đã dụng công và thành công trong quá trình kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc thể hiện những mảng khối bề thế với đặc tả chi tiết, giữa bố cục toàn thể với thể hiện từng bộ phận trong tạo hình, trên cơ sở của sự lựa chọn tinh xảo chất liệu và màu sắc của đá để vận dụng trong tạo hình cũng như trang trí nội thất kiến trúc
Với kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, cùng những đề tài có thật trong cuộc sống, chạm khắc ở đền Phú Đa đã tạo nên cho di tích sự trang nghiêm mà không lạnh lùng, quen thuộc mà không nhàm chán, chân thực mà vẫn lung linh, tôn thờ các thần linh mà vẫn ấm áp hơi thở của cuộc sống con người.
Hiện tại, đền Phú Đa đang lưu giữ 10 trong số 18 tấm bia đá vốn có, do tiền nhân chạm khắc để lại, góp phần làm tăng ý nghĩa nhân sinh và mỹ nghệ độc đáo của đền. Tất cả 10 tấm bia đều được quy tụ tập trung ở tòa Tiền đường, bao gồm hai loại kích cỡ: Loại cao 2,40 m và một loại cao 2m, với chiều rộng 1,17m.
Đến nay chữ khắc trên các bia đá vẫn còn rõ nét.
Những chạm khắc đá ở đền Phú Đa đã phản ánh những thành công nổi bật về trình độ chạm khắc và trang trí đá thời Lê – Mạc. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc thể hiện những mảng khối và đặc tả chi tiết, giữa bố cục toàn thể với thể hiện từng bộ phận trong tạo hình. Các nghệ nhân xưa đã biết căn cứ vào chất liệu và màu sắc của đá để vận dụng trong tạo hình cũng như trang trí nội thất kiến trúc.
Đền Phú Đa nổi tiếng linh thiêng, là điểm tựa tâm linh cho người dân Vĩnh Tường. Vào ngày rằm, mùng một hằng tháng người địa phương đến để cầu an.
Ông Nguyễn Danh Nhân là hậu duệ thứ 13 của cụ Nguyễn Danh Thường hiện là người trông coi chính ở đền Phú Đa. Ông chia sẻ trước đó bố ông cũng là người trông coi ngôi đền này. Ông tự hào được là được tiếp nối truyền thống gia đình, góp phần giữ gìn di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại.
Ngôi đền Phú Đa đầy ắp giá trị lịch sử - văn hóa nhân sinh, đậm chất văn hóa Việt cổ. Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa đền Đá Phú Đa đã và đang phát huy nội lực của một di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Với những nét đặc sắc đền Phú Đa đã và đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách, là điểm nhấn trong phát triển du lịch tâm linh của tỉnh Vĩnh Phúc.