• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Ngôi nhà chung nghệ thuật Huế” sẽ biến thành khu phức hợp?

Thời sự 05/01/2018 20:58

(Tổ Quốc) - Trước thông tin trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ được nghiên cứu đầu tư dự án khu phức hợp, nhiều văn nghệ sĩ tại Huế đã bày tỏ quan điểm hết sức lo ngại.

Biệt thự xưa thành khu phức hợp?

Thời gian vừa qua, trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên & Môi trường Thừa Thiên – Huế đăng tải thông tin ngày 28/10/2017, UBND tỉnh đã có Công văn số 7921/UBND-XTĐT thống nhất chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Hạ tầng và Dịch vụ Truyền thông Logi 3 nghiên cứu đầu tư dự án Khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp THAT tại khu đất số 26, 28 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP. Huế theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

 Ngôi biệt thự Pháp tại địa chỉ 26 Lê Lợi hiện là trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Lê Chung.

Theo tìm hiểu được biết, khu đất ở số 26 và 28 Lê Lợi (TP. Huế) hiện tại lần lượt là trụ sở của Sở Y tế và Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế (Liên hiệp Các hội VHNT tỉnh). Trong đó, trụ sở Liên hiệp Các hội VHNT tỉnh là một ngôi biệt thự Pháp được xây dựng đầu thế kỷ 20.

Tòa nhà này trước đó từng xuống cấp và sửa chữa vào năm 2000 nhưng vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu với điểm nổi bật là hàng hoa bách hợp được trang trí ở phần nóc – một nét độc đáo trong kiến trúc các biệt thự cổ Pháp.

Không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, theo nhà thơ Võ Quê (nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, nguyên đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế), từ năm 1975 đến thời điểm hiện tại, địa chỉ 26, Lê Lợi không chỉ là cơ quan hành chính đơn thuần mà còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động VHNT thu hút công chúng, du khách trong ngoài nước như triển lãm, biểu diễn âm nhạc, ca Huế, giới thiệu sáng tác mới văn thơ, ca khúc... Nhiều văn nghệ sĩ trong nước, quốc tế đến trao đổi, giao lưu, hội thảo với văn nghệ sĩ Huế các vấn đề về văn học nghệ thuật cũng được đón tiếp tại đây.

 Nhà thơ Võ Quê - nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên - Huế trao đổi với phóng viên. Ảnh: Lê Chung.

Các văn nghệ sĩ Huế lâu nay vẫn xem đây là “ngôi nhà chung nghệ thuật Huế”, vì vậy trước thông tin mà trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên & Môi trường đăng tải, nhiều văn nghệ sĩ tại Huế bày tỏ quan điểm hết sức lo ngại.

 “Tôi và nhiều văn nghệ sỹ tâm huyết không có ý chống đối chủ trương đầu tư phát triển của tỉnh nhưng đầu tư phải gắn liền với văn hóa. Những ngôi nhà này cần phải được chỉnh trang và tô điểm lại thành địa chỉ văn hóa, có thể là nhà triển lãm, bảo tàng… chứ không phải đâu cũng khách sạn, nhà hàng”, nhà thơ Võ Quê bày tỏ quan điểm.

Chỉ mới nghiên cứu phương án

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Thiên Định – Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, Sở đã nhận được thông tin phản ánh của các văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, hiện tỉnh mới cho doanh nghiệp vào nghiên cứu chứ chưa phải đầu tư.

Ông Định cho biết thêm, theo chủ trương chung của tỉnh thì trục đường Lê Lợi (TP. Huế) phía giáp bờ sông Hương từ Khách sạn Morin đến trụ sở Sở GD-ĐT Thừa Thiên – Huế sẽ quy hoạch để phát triển dịch vụ, du lịch cao cấp. Trong phạm vi đó có số nhà 26 Lê Lợi.

Nếu xét đây là trụ sở của một cơ quan thì về nguyên tắc có thể di chuyển đến một địa điểm khác để làm việc cho phù hợp. Xét về giá trị tinh thần, ý nghĩa lịch sử của khu vực thì cũng cần phải quan tâm bởi đây cũng là nơi sinh hoạt của nhiều văn nghệ sĩ lớn tại Huế. Ở góc độ này cũng có thể có nhiều phương án khác như tạo ra một không gian, tiếp tục là nơi quy tụ của các văn nghệ sĩ lớn.

“Nếu nhìn nhận ở góc độ công trình kiến trúc thì cũng có thể xem xét. Tuy nhiên đánh giá hiện nay đó là công trình kiến trúc có giá trị đến mức độ nào thì vẫn chưa có một văn bản nào xác định. Về góc độ này thì cần phải làm rõ về mặt khoa học”, ông Định nói.

 Hàng hoa bách hợp ở phần nóc được xem là một trong những nét độc đáo của ngôi biệt thự Pháp ở số 26 Lê Lợi, TP. Huế. Ảnh: Lê Chung

Ông Định cũng thông tin, hiện tại đối với khu vực ở địa chỉ 26, 28 Lê Lợi chỉ mới đang nghiên cứu phương án chứ chưa có quyết định đầu tư. Trong khi đó Chính phủ cũng đang tạm ngưng việc bán, chuyển đổi mục đích sử dụng nhà công sở trên toàn quốc.

Sau khi nghiên cứu, tỉnh sẽ lấy ý kiến các đơn vị liên quan trong đó có cả Liên hiệp Các hội VHNT tỉnh. Nếu các văn nghệ sĩ nhận thấy cần giữ lại thì có thể kiến nghị với lãnh đạo tỉnh. Việc kiến nghị cũng nên đưa ra phương án phát huy giá trị của ngôi nhà để lãnh đạo tỉnh cân nhắc đưa ra quyết định.

“Giải pháp nào cho câu chuyện này phải có đánh giá khoa học chứ không phải đánh giá bằng cảm tính. Kiến trúc là khoa học, cái gì là giá trị kiến trúc ở đây là phải rõ, có đến mức phải bảo tồn lại hay không hay nên phát triển ở mức khác. Giá trị lịch sử chúng ta làm thế nào để bản chất cuối cùng là lưu giữ và phát huy chứ không phải để nó đứng yên một chỗ”, ông Định nêu quan điểm.

Về vấn đề này, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các hội VHNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, gần đây, tỉnh đã có ý tưởng xây dựng tuyến đường Lê Lợi thành khu phố du lịch gắn với bảo tàng và các thiết chế văn học nghệ thuật. Việc tỉnh có chủ trương thu hồi khu đất để chuyển đổi mục đích cho đầu tư phát triển là hợp lý, bởi sẽ giúp tỉnh phát triển du lịch, dịch vụ. Theo đó, Văn phòng của Liên hiệp Hội sẵn sàng chuyển đến nơi khác làm việc.

Tuy nhiên, theo ông Ngọc, ngôi nhà 26 Lê Lợi cần được giữ lại theo hướng bảo tồn thích nghi bởi xét về giá trị vật thể, ngôi nhà này quá đẹp, nằm trong số những biệt thự kiến trúc Pháp có giá trị di sản. Tuy đã quá 100 năm, hết hạn sử dụng song vẫn có thể trùng tu gia cường chịu lực để tiếp tục phục vụ cho du lịch-dịch vụ. Phần nữa, Trụ sở Hội là di sản trong lĩnh vực VHNT không chỉ Huế mà còn cả nước, gắn bó với nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ lớn.

Theo ông Ngọc, tỉnh nên gợi ý cho nhà đầu tư trùng tu giữ lại ngôi nhà để phát huy kiến trúc và di sản văn hóa của một xứ sở được mệnh danh là “thành phố thi ca”. 

Lê Chung

 

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ