(Tổ Quốc) - Hơn 2,24 tỷ cổ phiếu VGI của Viettel Global sẽ được giao dịch trên sàn UpCom từ 25.9.2018 sẽ đưa doanh nghiệp này trở thành công ty có vốn điều lệ lớn nhất tại UPCoM. Song tân Chủ tịch Viettel Global Nguyễn Đình Chiến sẽ còn rất nhiều việc phải làm khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ lũy kế đã lên tới 3.599,3 tỷ đồng.
Ngày 25.9 tới, hơn 2,24 tỷ cổ phiếu của Viettel Global sẽ được giao dịch trên sàn UpCom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi lên sàn, Viettel Global sẽ có 6.348 cổ đông, trong đó Tập đoàn Viettel nắm giữ 98,68% cổ phần.
Thay tướng trước ngày lên sàn
Ngày 13.9, HĐQT Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) đã họp và thông qua việc bầu ông Nguyễn Đình Chiến đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, thực hiện quản trị, định hướng và giám sát chung.
Theo tìm hiểu, tân Chủ tịch Viettel Global Nguyễn Đình Chiến gia nhập Viettel từ năm 2001. Sau 14 năm gắn bó, tháng 8.2015, ông Chiến được giao quyền Phó tổng giám đốc của Viettel và được chỉ định phụ trách lĩnh vực nghiên cứu sản xuất của tập đoàn.
Đồng thời, Viettel Global cũng thực hiện phân công nhiệm vụ trong HĐQT. Bà Nguyễn Thị Hải Lý thực hiện quản trị, giám sát lĩnh vực đầu tư, mua sắm; Ông Đỗ Mạnh Hùng thực hiện quản trị, giám sát lĩnh vực kinh doanh; Ông Tào Đức Thắng thực hiện quản trị, định hướng, giám sát lĩnh vực kỹ thuật; Bà Đào Thúy Hường hiện quản trị, định hướng, giám sát lĩnh vực tài chính; Ông Nguyễn Thanh Nam thực hiện quản trị, định hướng, giám sát thị trường mới và lớn nhất là Myanmar…
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của Viettel Global diễn ra vào ngày 15.6, Viettel Global đã thực hiện bầu HĐQT với ông Lê Đăng Dũng làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của tổng công ty.
Tuy nhiên, chỉ sau đó gần 2 tháng, ngày 31.7, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao quyết định giao nhiệm vụ cho Thiếu tướng Lê Đăng Dũng giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng lúc đó được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Viettel thay Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel nhận nhiệm vụ trên cương vị mới là Bí thư Ban cán sự đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Lễ bàn giao chức danh Tổng giám đốc ở Viettel Global. (Ảnh: I.T) |
Tới ngày 9.8, HĐQT Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) đã thông qua Nghị quyết số 24/NQ-HĐQT-VTG về việc bổ nhiệm ông Đỗ Mạnh Hùng làm Tổng giám đốc Viettel Global.
Theo đó, ông Đỗ Mạnh Hùng được bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc thay thế cho ông Lê Đăng Dũng do quy định Chủ tịch không kiêm Tổng giám đốc. Đồng thời, ông Đỗ Mạnh Hùng chịu trách nhiệm trong việc điều hành, quản lý và có đầy đủ thẩm quyền, quyền hạn theo quy định cho chức danh Tổng giám đốc.
Khách hàng và lợi nhuận tăng nhưng lỗ luỹ kế vẫn lớn
Viettel Global, đơn vị phụ trách mảng đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) được thành lập cuối năm 2007 với vốn điều lệ 960 tỷ đồng.
Hiện Viettel Global đã đầu tư vào 9 thị trường gồm Lào, Campuchia, Đông Timor, Myanmar, Haiti, Cameroon, Tanzania, Burundi và Mozambique. Trong đó, Viettel Global đang giữ vị trí số 1 về thị phần tại 5 thị trường: Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique, Burundi.
Tính đến hết năm 2017, Viettel Global đang phục vụ gần 40 triệu khách hàng quốc tế. So với năm 2016, Viettel Global tăng trưởng khách hàng 13%, gấp hơn 4 lần trung bình thế giới (khoảng 3%).
Theo báo cáo tài chính quý I.2018 được Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) công bố cách đây chưa lâu, tổng tài sản của doanh nghiệp giảm nhẹ 278,82 tỷ đồng, xuống 51.687,73 tỷ đồng.
Hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của Viettel Global vẫn ổn định nếu so sánh với cùng kỳ năm 2017 khi ghi nhận doanh thu 3.945,68 tỷ đồng. Song việc giá vốn hàng bán giảm tới hơn 300 tỷ đồng so với quý I.2017 giúp khoản lãi gộp của Viettel Global tăng 42%, lên 904,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2017, con số này chỉ là 637,07 tỷ đồng.
Một nét đáng chú ý trong hoạt động kinh doanh của Viettel Global là doanh thu tài chính tăng gấp gần 4 lần do Viettel Global ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá đột biến đến 428 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ 13 tỷ).
Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng tăng gấp hơn 2 lần. Trong đó, chi phí lãi vay là 194,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33% đã góp phần khiến doanh nghiệp phải ghi nhận khoản lỗ 32 tỷ đồng trong hoạt động tài chính. Trong đó, các đơn vị cho vay không được Viettel Global công bố cụ thể.
Ngoài ra, Viettel Global cũng ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 358,26 tỷ đồng, tăng 277% so với mức 94,99 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017.
Cộng thêm khoản chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 36%, từ 428,95 tỷ đồng lên 584,33 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận trước thuế của Viettel Global bị bào mòn, chỉ đạt gần 14 tỷ đồng.
Dù con số lãi này ghi nhận sự cải thiện trong hoạt động kinh doanh của Viettel Global so với mức lỗ 139 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017. Song khoản chi phí thuế TNDN tăng đột biến, đặc biệt là khoản chi phí thuế TNDN hoãn lại tính tới hết quý I.2018 đã tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2017 đã buộc Viettel Global phải trả tổng cộng hơn 121 tỷ đồng cho chi phí thuế TNDN.
Và Viettel Global tiếp tục báo lỗ gần 108 tỷ đồng sau thuế, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm tới 146,97 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp tính tới hết ngày 31.3.2018 đã lên tới 3.599,3 tỷ đồng.
Hiện công ty mẹ chịu thuế 20% trên lợi nhuận tính thuế. Các công ty con và công ty liên kết áp dụng tùy từng biểu thuế khác nhau, nhưng có công ty bị áp thuế tới 33% (Công ty Viettel Cameroon). |
Hiện công ty mẹ chịu thuế 20% trên lợi nhuận tính thuế. Các công ty con và công ty liên kết áp dụng tùy từng biểu thuế khác nhau, nhưng có công ty bị áp thuế tới 33% (Công ty Viettel Cameroon).
Kết quả quý I.2018 của Viettel Global đã có nhiều thay đổi tích cực so với năm 2017. Thứ nhất, hoạt động kinh doanh ở tất cả các thị trường quốc tế đều tăng trưởng tốt. Thứ hai, diễn biến tỷ giá ở các thị trường châu Phi có chiều hướng tích cực.
Cập nhật đến cuối tháng 6.2018, 7/9 thị trường tính vào kết quả kinh doanh của Viettel Global đã kinh doanh có lãi gồm Campuchia, Lào, Haiti, Burundi, Đông Timor, Mozambique và Cameroon. Hai thị trường còn lỗ kế hoạch là Tanzania (mới kinh doanh 2 năm) và Myanmar (khai trương hôm 9.6.2018).
Riêng thị trường Peru do Viettel Global quản lý và kinh doanh nhưng chưa được đưa vào kết quả hợp nhất (dù có lợi nhuận lớn nhất) là do quy định của Chính phủ Peru yêu cầu Tập đoàn Viettel phải đứng tên chủ đầu tư.