(Tổ Quốc) -Nếu ngư dân không đi khai thác đánh bắt thì sẽ làm những nghề phù hợp với điều kiện và có thể tăng thu nhập, trong đó việc đi xuất khẩu lao động là một hướng.
Đến tháng 10/2016, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) sẽ trình Đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung ảnh hưởng vì sự cố môi trường biển. Theo đó, Bộ đề xuất cố gắng mỗi hộ gia đình có được một người đi xuất khẩu lao động. Hiện Bộ đang nỗ lực hoàn thiện bản dự thảo để trình Thủ tướng xem xét, ký quyết định ban hành.
Ảnh minh hoạ (laodongngoainuoc.vn) |
Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, nếu ngư dân không đi khai thác thì sẽ làm những nghề phù hợp với điều kiện và có thể tăng thu nhập. Trong đó việc đi xuất khẩu lao động là một hướng giúp cho những gia đình này có điều kiện để ổn định cuộc sống tốt hơn.
Ngoài chính sách đền bù thì chính sách hỗ trợ cuộc sống sau này là vấn đề rất lớn phải bàn bạc một cách tổng thể vấn đề này. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp từng cho biết, đã có những chính sách ưu đãi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đối với hộ nghèo, những người bị thu hồi đất theo quy định của Chính phủ. Trước đây, không phải tất cả ngư dân 4 tỉnh miền Trung nêu trên đều thuộc đối tượng nghèo nhưng bây giờ bị mất sinh kế nên họ cần được hỗ trợ.
Bộ cam kết hỗ trợ ngư dân tham gia những chương trình XKLĐ với chi phí thấp, do Bộ trực tiếp triển khai như: đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS mới được nối lại hồi tháng 5, và sẽ ưu tiên chỉ tiêu dành cho những huyện dọc ven biển 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.
Với chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo thỏa thuận giữa Bộ LĐTBXH và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) với chi phí rất thấp, mức lương làm việc tại Nhật Bản từ 800-1.000USD/người/tháng, cũng sẽ được bộ xem xét ưu tiên cho các đối tượng này.
Ngoài ra, Bộ LĐTBXH cũng sẽ xem xét để hỗ trợ người dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng tham gia chương trình đưa điều dưỡng viên đi Nhật Bản và CHLB Đức, các chương trình đi làm thuyền viên tàu cá gần bờ tại Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan; nuôi trồng thủy sản tại một số quốc gia...
“Sinh kế của người dân là quan trọng nhất. Trong quá trình làm việc, Bộ LĐTBXH cũng như các địa phương đã thống nhất cần phải có một đề án tổng thể về dạy nghề, việc làm và XKLĐ”, ông Diệp nhấn mạnh.
Thống kê cho thấy, có khoảng 263.000 lao động ở 4 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra. Trong đó, khoảng 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, 163.000 lao động bị ảnh hưởng gián tiếp./.
Hà Giang (T/h)