(Toquoc)- Đi. Đi. Và đi. Để rồi một sáng mưa tôi choáng ngợp trước dòng sông. Không vì quy luật phản chiếu mà bầu trời xanh mặt nước cũng xanh. Sông mấy ngàn năm tuổi vẫn mang gương mặt phù sa trẻ trung, cuồn cuộn sức vóc tráng niên, vùng khỏi vòng quay độc hành của trái đất...
(Toquoc)- Đi. Đi. Và đi. Để rồi một sáng mưa tôi choáng ngợp trước dòng sông. Không vì quy luật phản chiếu mà bầu trời xanh mặt nước cũng xanh. Sông mấy ngàn năm tuổi vẫn mang gương mặt phù sa trẻ trung, cuồn cuộn sức vóc tráng niên, vùng khỏi vòng quay độc hành của trái đất, không rơi từ Tây sang Đông, không tuột từ Bắc xuống Nam, xẻ một đường rất ngọt như nhát cắt hoàn hảo của thượng đế lên cơ thể Mẹ Việt, ngạo ngược phun thẳng dòng nước dẻo quẹo sự sống của mình từ Đông sang Tây, dãi dề vươn cánh tay dài rộng ôm riết vòng eo châu thổ, để điệp khúc sinh sôi… nuôi nấng… diễn ra mê mải trong những ấp, những xóm, dưới những nếp nhà tềnh toàng vật chất nhưng no đủ tâm tình. Cơ thể rã rời, cảm xúc im bặt bỗng choàng tỉnh khi gặp sông như đêm đen gặp được ánh ngày, như thiếu phụ loan phòng côi cút bỗng gặp khách lãng du. Bỏ qua khúc dạo đầu lãng mạn, chiếc ca nô nhỏ dũng mãnh chồm qua lớp lớp lưỡi sóng ưỡn cong dòng Cửa Lớn đưa chúng tôi về mũi đất thiêng của Tổ quốc, Mũi Cà Mau. Những cú giật nẩy bạo liệt liên tục dưới đáy thuyền cho ta cảm giác đang chứng giám một cuộc chạm trán ái tình sau mịt mù xa cách. Những pha chao liệng ngoạn mục trên sóng không vì bác tài công muốn trổ tài tay lái lụa mà do phải nấp né vô số nò đáy dụ tôm cá của cư dân hai bờ, đủ làm “phê đô” những ai thích cảm giác mạnh. Riêng tôi hồn vía đã thăng, chỉ hình hài ở lại. Không có ai cho tôi cầm tay, chỉ có một dọng ca tài tử xa vắng chênh chao cất lên từ đâu đó “Hò ơ...Gió đưa cơn buồn ngủ lên bờ/ Mùng ai còn trống cho ngủ nhờ một đêm” để tôi vịn vào và biết mình đang trong cõi sống. Thả lỏng bản thể, trong mung lung ảo ảnh chợt thấy mình là hạt phù sa nhỏ xíu tròn căng đang uể oải trôi, mong tìm được một bãi bờ xa vắng nào để dạt vô, đáp xuống và ngơi nghỉ. Trôi trên sông tôi như đang trôi vào lưu vực vời vợi giữa hai bầu vú lả lơi châu thổ. Trên hai bầu vú vời vợi ấy hơn 300 năm qua xúm xít hậu duệ của những người lính theo Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mang gươm đi mở cõi, của cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích ông tổ của Chiêu Anh Các vang bóng một thời, của Tướng quân Đề đốc Nguyễn Trung Trực với câu nói như một lời tuyên ngôn “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Có phải thế chăng mà tôi đã thấy trong cốt cách người Cà Mau, người miền Tây cái khí phách ngang tàng của kẻ quen ruổi rong chinh phục và khai phá, cái hồn vía thẳm sâu và nhân tình vời vợi của người nghệ sỹ, cái bản lĩnh trí dũng của bậc anh hùng cái thế. Hai giờ đồng hồ trồi lên trụt xuống trên con thuyền trôi mong manh giữa dòng Cửa Lớn, khi muốn lao vút lên cao xanh, khi chực đâm sầm vào sâu thẳm, tôi bất lực gửi tôi cho sông. Những mái nhà đơn sơ, những xóm làng đìu hiu, những rặng đước, rặng mắm mờ xa hai bờ sông như hai hàng mi không bao giờ khép vụt trôi qua. Rất hư. Rất thực. Trên con thuyền nhỏ ngược dòng về Đất Mũi thấy ảo ảnh những chiến thuyền của Agamennông đang hùng dũng lượt đi trên sóng Địa Trung Hải tiến về thành Troy đánh cướp nàng Hê Len xinh đẹp...
Xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển- bầu vú bên đông lưu vực dòng Cửa Lớn là đơn vị hành chánh cuối cùng có dân cư sinh sống trên lãnh thổ Việt
- Quê em ngộ vầy đó. Càng buồn càng hát.
- Em cũng vậy?
- Không, chỉ chồng em hát khi ổng buồn hay nhậu phê. Càng buồn hát càng mùi. Nghe như tim nhỏ máu tươi. Người miệt nầy gởi lòng vô tiếng đờn kìm.
- Em không hát sao?
- Không!
- Vậy là không buồn?
- Buồn nhưng không hát! Hát là ứa khóc cho coi.
- Không hát thì đi theo tôi, sẽ vui.
- Hổng đi đâu!
- Vì sao?
- Nhà nước chỉ cho 1.
- Tôi cho em thêm 1...?
- Hổng lấy đâu!
Nhìn gương mặt em thánh thiện, nghe dọng nói em thiệt thà mà thương quá chừng thương.
- Nội em nuôi ông Duẩn làm Cách mạng.
- Lúc nào?
- Em hổng biết, có miếng đá ghi chữ để trên ban thờ tổ, sang bển mà đọc.
Đó là ngôi nhà như mọi ngôi nhà trên đất Mũi, mọc lên bên con kinh nhỏ, mái lớp dừa nước, dựa vào những cây đước xoải chân vững chãi cắm vào đất sâu và không có cánh cửa nào. Một người Quảng Bình đã định cư miền Tây mấy chục năm lý giải “Lòng người miền Tây đóng bao giờ đâu mà nhà người miền Tây có cửa. Nhà không cửa hứng gió 4 phương tám hướng, lòng rộng mở để đón hết tình nhân quần”. Ngôi nhà, con người, dòng sông... ở vùng đất này mê hoặc tôi. Soi vào đấy tôi nhìn thấy cả vỉa trầm tích văn hóa sống đáng thèm. Lối sống an nhiên, khước từ đua chen sánh đòi vật chất và danh lợi, tâm hồn không mảy may chật vật vì một chữ TIỀN. Mẹ em hiền như một hột cơm nguội lặng lẽ nhìn những người khách lạ. Tía em cười khi nghe tôi hỏi chuyện làm Cách mạng: “Tía qua nuôi ổng mà. Ổng đường xa đất khách, biết ổng làm việc Cách mạng thì nuôi thôi. Bữa đó qua con nít, qua làm liên lạc... Hỏi thêm “Thế nào…? Thế nào…? Ông nói “Xa lắc rồi, qua quên...”Và ông hẹn “Ở lại nghe, nhậu chút chơi!”. Lòng người miền Tây rộng và ấm lạ lùng.
Rời đất Mũi tôi mang theo về dáng hình em với lời chào rất “ghét: “Nậu về nghen nậu”. Từ rất xa ngoái lại tôi vẫn thấy khuôn ngực em vun đầy phập phồng thách thức. Khuôn ngực em là hiện thân Đất Mũi. Tâm hồn em là khoảng trời trong, là vầng mây ấm trôi qua tôi. Tự nhiên thấy cay xè nơi khóe mắt, không vì luyến lưu đất Mũi, mọi cuộc chia xa đã quen quá ở đời, vì thấy tội nghiệp mình quá xá, lâu nay tưởng mình oai phong lẫm liệt xe pháo áo quần, về đất Mũi mới hay mình chỉ là một chiếc bao da mang hình người trống rỗng và kiết xác. Thành khẩn quỳ xuống vốc một bụm nước dòng Cửa Lớn vỗ vào mặt, nhặt một quả đước thon dài, tròn trịa như dáng em gói gém mang về. Bạn thấy lạ hỏi “Để làm chi?”. Tôi trả lời “Làm phép!”./.
Bút ký của Trương Thu Hiền