(Tổ Quốc) - Không ít người bán hàng rong cũng như hộ kinh doanh dịch vụ gửi xe vui mừng khi biết về quy định cho thuê vỉa hè để kinh doanh tại TP.HCM.
- 28.11.2023 Khách Tây xuýt xoa khi thử 1 loại bánh bán đầy vỉa hè Việt Nam, nhận xét "hương vị không có gì để chê"
- 18.08.2023 “Mắm” - quán ăn mang văn hoá ngồi ghế đẩu vỉa hè, khuấy mắm tôm đến người dân New York
- 08.08.2023 Xuất hiện 10 năm, vì sao chuỗi cafe Mỹ vẫn không thể "đánh bại" các quán vỉa hè của Việt Nam?
Clip: Phân làn vỉa hè để hợp thức hóa hàng rong và mong ước của các tiểu thương
Từ ngày 1/1/2024, TPHCM chính thức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè với mức 20.000 - 350.000 đồng/m2. Một số quận đã bắt đầu kẻ vạch vỉa hè, cho người dân đăng ký sử dụng và đóng phí.
Điều này nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân, đặc biệt là những người bán hàng rong thường xuyên buôn bán trên vỉa hè tại các tuyến phố khu vực trung tâm TP.HCM bởi từ nay họ có thể an tâm ổn định kinh doanh thay vì nỗi ám ảnh lo lắng khi bán trên vỉa hè như trước.
Những tiểu thương bán hàng rong ở chợ Bến Thành hoặc hộ kinh doanh dịch vụ gửi xe ở đây không khỏi ngần ngại chia sẻ về việc buôn bán của mình suốt những năm qua. Dù biết là vi phạm quy định nhưng vì kế mưu sinh, một ngày của họ vẫn luôn lặp lại trong vòng luẩn quẩn - lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, chạy trốn khi có người đến kiểm tra hoặc nộp phạt rồi lại tiếp tục bày bán:
"Chạy, ngày nào cũng bị đuổi chứ đâu phải một ngày. Biết là vi phạm nhưng cái mưu sinh của mình mà. Đâu có ngưng được."
"Khách du lịch người ta tới quá đông thì anh cũng phải để ra ngoài lề này một ít, gây cản trở thì chính quyền xuống phạt."
Chính vì lẽ đó, khi thành phố có chính sách phân luồng cho thuê vỉa hè để kinh doanh đã khiến bà con hết thảy vui mừng và mong đợi. Có những người cười thật tươi mong sớm thoát khỏi cảnh ám ảnh cả vào giấc ngủ mấy chục năm qua:
“Mừng quá mấy chục năm nay chạy hoài, tối nào ngủ cũng giật mình hoài, thiệt luôn. Chú nghe chỉ thị cho thuê vỉa hè bán chú cũng mừng, diện tích lớn nhỏ gì không biết nhưng miễn sao có chỗ thuê, mình không phải chạy công an là được rồi.
Chú chạy mấy chục năm nay cũng khổ rồi, bệnh tim rồi, sợ rồi. Nghe tiếng ủy ban không biết ở đâu là sẵn sàng chạy luôn. Giờ cho thuê lòng đường chú cũng rất mừng."
Mặc dù vậy, do tại nhiều tuyến đường chưa hoàn thiện chủ trương nên các tiểu thương vẫn đang khấp khởi nửa mừng nửa lo.
"Rất vui mừng nhưng chủ trương đưa ra cho thuê chưa cụ thể, trước mắt kẻ vạch như này cho mình để tạm thời chứ chưa có quy định thu tiền như thế nào và mét vuông tính ra sao, anh cũng chưa được biết.
Anh đang trông chờ và muốn nhanh nữa là khác. Để anh có nơi giữ xe cho yên tâm, không bị phạt nữa. Mà quy định chung chung là anh nghe khoảng 350.000 VNĐ nhưng mà giá đó cũng khá cao. Anh kỳ vọng khoảng 250.000 - 300.000 VNĐ thì anh thấy hợp lý." - Một hộ kinh doanh gửi xe khu vực chợ Bến Thành cũng nêu ra những mong muốn, kỳ vọng của mình đối với chính sách cho thuê vỉa hè.
Mặc dù vậy các tiểu thương vẫn luôn mong đợi chính sách cho thuê vỉa hè, hợp thức hóa kinh doanh hàng rong của UBND thành phố Hồ Chí Minh vì cho rằng đây là hình thức vừa giúp đỡ cho họ trong kinh doanh, vừa bảo vệ, duy trì mỹ quan đô thị.
"Cũng phải có mỹ quan một chút, cho ngăn nắp sạch đẹp, bày hàng ra tươm tất cho ngon, khách nước ngoài người ta đi người ta thấy cũng mới vào mua ủng hộ cho mình." - một tiểu thương bán hàng rong chia sẻ những thuận lợi khi có chỗ ổn định.
Không chỉ là cảnh quan đô thị, có người còn cho rằng, việc quy định bán hàng nơi vỉa hè còn có thể giảm các tệ nạn, bảo vệ an ninh trật tự khu vực: "Anh giữ xe ở ngoài đó, trong này là đường đi bộ cho khách du lịch thì rất an toàn cho du khách, chống giựt đồ này nọ nữa. Anh làm ở đây luôn quan sát xung quanh, nói chung những tệ nạn mà xưa nay có cũng sẽ giảm bớt, rất hợp lý."
Theo Sở GTVT TPHCM, thành phố có tổng cộng 4.869 tuyến đường các loại (bề rộng từ 5m trở lên) với chiều dài 4.986km. Trong đó có khoảng 710km đường đô thị có hè phố rộng từ 3m trở lên có thể xem xét cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông.
Theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM, tổng cộng sẽ có 9 trường hợp phải nộp phí sử dụng, trong đó có 6 trường hợp sử dụng hè phố, 3 trường hợp sử dụng lòng đường.
6 trường hợp phải nộp phí sử dụng hè phố gồm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
3 trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường có đóng phí, gồm: Tổ chức sự kiện văn hóa và trông, giữ ôtô phục vụ sự kiện; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ.