(Tổ Quốc) -Đón nhận thông tin từ ngày 1/8 tới đây sẽ có gần 40 Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế liên thông kết quả xét nghiệm, nhiều bệnh nhân tỏ ra vui mừng, ủng hộ quyết định này.
Theo đó, liên thông kết quả xét nghiệm được hiểu là các xét nghiệm sau khi đã có kết quả có thể được các cơ sở khám chữa bệnh khác sử dụng để chẩn đoán, điều trị.
Lộ trình được Bộ Y tế cho biết, đến 1/1/2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm bệnh viện hạng 1 và hạng đặc biệt. Đến năm 2020, sẽ thực hiện liên thông xét nghiệm với các bệnh viện trong cùng một tỉnh, thành phố. Đến năm 2025, sẽ liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Chị Phương (Hà Nội) nhớ lại, sau khi đi làm xét nghiệm trước sinh tại một bệnh viện. Thời điểm đó chị còn 2 tuần nữa là đến ngày dự sinh. Nhưng chẳng ngờ, vừa sáng xét nghiệm xong, chiều tối chị đau bụng, có dấu hiệu sinh nên để an tâm chị chuyển sang bệnh viện khác với bệnh viện dự định sinh ban đầu mà hồi chiều vừa đi xét nghiệm. Chị cho rằng, nếu mình sinh đủ ngày đủ tháng thì không sao, vào bệnh viện nào thuận tiện nhất là được. Nhưng tự nhiên có dấu hiệu sinh sớm, nhỡ xảy ra vấn đề gì cho mẹ và con thì phải chuyển sang viện chuyên trách, có trang thiết bị tốt hơn, đảm bảo an toàn cho hai mẹ con. Nghĩ và quyết định thế, nhưng khi sang viện mới, chị mang kết quả xét nghiệm trước sinh hồi chiều ra thì không được chấp nhận. Các nhân viên bệnh viện nhất quyết và rất nhanh chóng tiến hành xét nghiệm trước sinh cho chị.
Còn chị Mùi chia sẻ chính câu chuyện của mình. Tự nhiên chóng mặt, nhức đầu, ở cổ lại nổi lên mấy cái hạch khiến cổ không cử động được. Chị vào viện gần nhà khám và được chỉ định làm một loạt xét nghiệm để tìm ra bệnh. Ở viện một ngày, chị được bác sĩ cho tiêm, uống thuốc nhưng không thấy thuyên giảm. Sau khi trình bày bệnh tình của mình với bác sĩ, bệnh viện quyết định viết giấy chuyển viện cho chị. Sang viện tuyến trên, vừa nhập viện, chị lại tiếp tục lặp lại các xét nghiệm hôm qua cùng với chiếu chụp.
Nói về việc chỉ từ sáng đến chiều, hoặc từ hôm qua đến hôm nay mà phải lặp lại những xét nghiệm tương tự ccar chị Phương và chị Mùi đều thấy mệt mỏi, mất thời gian, tốn kém. Chị Phương cho rằng, đồng ý với việc tình hình bệnh của mình diễn biến khác thì bác sĩ có thể có những xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân và có phác đồ xử lý, điều trị kịp thời. Nhưng như trường hợp của chị ngoài đo huyết áp, tim thai… thì các xét nghiệm như nước tiểu, nhóm máu… có cần thiết phải xét nghiệm lại không?
Cũng đồng tình quan điểm của chị Phương, chị Mùi thắc mắc liệu trong các xét nghiệm; máu, tế bào… phần chiếu chụp của mình có nhất thiết phải làm lại hoàn toàn không, hay chỉ cần căn cứ kết quả từ bệnh viện tuyến dưới, bác sĩ tuyến trên có thể tổng hợp, tiến hành các bước khác rồi kết luận, chỉ định điều trị không?
Chị Mùi cũng nói thêm: Hầu hết những trường hợp vào bệnh viện đều ốm đau, sức khỏe kém, vì thế nếu chỉ xét nghiệm lại các phần như nước tiểu, nước bọt, phân… thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh, dù vẫn tốn kém, mất thời gian. Nhưng xét nghiệm máu nhiều lần thì rõ ràng là ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Theo các bệnh nhân, mỗi lần làm xét nghiệm họ phải đợi ít nhất một vài tiếng đồng hồ mới có kết quả. Chưa kể, nếu lượng người xét nghiệm đông thì thời gian chờ đợi lâu hơn, có thể phải sang đến ngày hôm sau.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hằng năm, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các bệnh viện đã có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm. Và chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các bệnh viện sẽ khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì tiết kiệm được khoảng 237,5 tỉ đồng/năm.
Vì vậy, khi thông tin từ ngành y tế cho biết, từ 1/8 liên thông kết quả xét nghiệm được áp dụng với gần 40 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã khiến nhiều bệnh nhân vui mừng. Theo một số bệnh nhân, quyết định này không chỉ có lợi với bệnh nhân, bác sĩ mà có lợi ngay cả với các bệnh viện. Các bệnh viện cũng sẽ phải “nâng cấp và chuẩn hóa” xét nghiệm để khi bệnh nhân chuyển tuyến, chuyển viện kết quả mới được bệnh viện khác chấp nhận, công nhận.