• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người con nơi đất Trạng

02/08/2007 10:42

Nhà văn Nguyễn Đức Hiền- sinh ngày 6 tháng 12 năm Kỷ Tỵ- 1929, tại xã Hoằng Lộc, Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Ông là hậu duệ đời thứ 7 của Cống Quỳnh, “Nguyễn Quỳnh”. Những năm làm báo ông có các bút danh như yên Hồng, Hồng Hoa.

Nhà văn Nguyễn Đức Hiền- sinh ngày 6 tháng 12 năm Kỷ Tỵ- 1929, tại xã Hoằng Lộc, Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Ông là hậu duệ đời thứ 7 của Cống Quỳnh, “Nguyễn Quỳnh”. Những năm làm báo ông có các bút danh như yên Hồng, Hồng Hoa.


   Nhà văn Nguyễn Đức Hiền

Nguyễn Đức Hiền vào quân đội chống Pháp và đã tham gia chiến dịch Tây Bắc, Cao- Bắc- Lạng... Hoà bình lập lại, Nguyễn Đức Hiền về giảng dạy tại Trường Đại học Nhân dân, ít năm sau ông sang làm cán bộ giảng dạy tại Trường Tuyên giáo Trung ương. Năm 1968 ông chuyển về làm biên tập tại Nhà Xuất bản Phổ thông, sau chuyển sang làm biên tập tại Nhà Xuất bản Văn học cho đến ngày nghỉ hưu.

Nguyễn Đức Hiền viết nhiều sách nhưng đáng nói là suốt đời ông luôn trăn trở về dòng họ Nguyễn. Ông bỏ nhiều công sức cho việc nghiên cứu dòng họ này, dòng họ đã sinh ra ông nơi ngõ nhỏ chợ Quăng, xã Hoằng Lộc. Nhắc đến Hoằng Lộc ai cũng phải thán phục về một xã có đến gần một trăm tiến sỹ qua các thời kỳ.

Có thể nói đây là một xã có truyền thống hiếu học điển hình của xứ Thanh. Học và thành đạt rồi thành danh vĩ mản. Nhiều tướng lĩnh, giáo sư, tiến sỹ và các nhà lãnh đạo từ vùng đất chợ Quăng được mệnh danh là đất Trạng này. Trạng Quỳnh một nhân vật như là huyền thoại đã để lại trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam quá nhiều giai thoại. Đã là người Việt Nam, người Thanh Hoá ít ai không nhớ và không nhắc một vài giai thoại về nhân vật kiệt xuất này. Các giai thoại các truyện kể về ông đều tập trung một mục đích là chống lại  thói hống hách, dùng quyền lực để hành hạ dân lành của vua quan thời Trạng Quỳnh. Họ nhân danh vua quan để vơ vét, cướp bóc làm cho dân kiệt quệ. Những mẩu chuyện về thâu tóm quyền lực, bóc lột đến tận cùng đã thành những chuyện cười ra nước mắt ở mọi thời đại.

Có lẽ vì thế mà cuối đời nhà văn Nguyễn Đức Hiền đã có nhầm lẫn giữa nhân vật này với Nguyễn Quỳnh, Cống Quỳnh là ông tổ dòng Nguyễn một xứ nên làm xôn xao dư luận trên báo chí. Riêng cái chuyện này đã tổn hao bao nhiêu giấy mực mà vẫn chư ngã ngũ. Nhiều ý kiến trái chiều còn dở dang cả đó.

Vào cuối năm 2002, Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ báo chí tại Thanh Hoá, hôm ấy có Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dự. Khi kết thúc, xuống cầu thang anh Phiêu bảo tôi:

- Báo Văn nghệ các ông nên dẹp cái vụ Cống Quỳnh, Nguyễn Quỳnh, Trạng Quỳnh đi, kéo dài mãi làm gì.

Tôi đành phải trả lời:

- Nếu Báo văn nghệ không quyết tâm dẹp vụ này thì còn vô vàn phức tập và rối rắm, bác ạ!

Cũng cái Tết năm ấy, Nguyễn Đức Hiền về quê vào thăm tôi. Tôi đã đem chuyện này kể lại nhưng ông yên lặng không trả lời và không nói một câu nào.

Nguyễn Đức Hiền đi nhiều, viết nhiều và là người giỏi tiếng Pháp nên rất thuận lợi cho công việc nghiên cứu, sưu tầm, biên khảo.

Những tác phẩm đáng chú ý và trân trọng của ông là:

- Nhuỵ Kiều tướng quân- Truyện lịch sử (năm 1962)

- Sao Khuê lấp lánh- Tiểu thuyết (năm 1975)

- Bà Triệu- Tiểu thuyết lịch sử (năm 1980)

- Trạng Quỳnh- Tiểu thuyết lịch sử (năm 1985)

- Quê hương nước mắt tiếng cười (năm 1988).

- Bộ sách 3 tập “La Sơn Yên Hồ- Hoàng Xuân Hãn” sưu tầm biên soạn.

 - Tổng tập Nguyễn Quỳnh - Trạng Quỳnh do Nhà Xuất bản Giáo dục ấn hành là cuốn sách cuối cùng của cuộc đời nhà văn.

Nhớ lần ông chủ trì cuộc giỗ tổ Nguyễn Quỳnh tại nhà thờ họ Nguyễn gọi là Đình Bảng, xã Hoằng Lộc. Không biết bằng cách nào ông đã mời hàng trăm quan khách và các nhà văn, nhà nghiên cứu từ Trung ương về dự và tụ hội tại xứ Thanh. Một cuộc giỗ tổ dòng họ đã biến thành cuộc gặp gỡ của các trí tuệ và tên tuổi văn chương cả nước về thắp hương tưởng niệm. Và nhiều người đã viết về sự phát triển của vùng đất này.

Lần cuối cùng tôi gặp nhà văn Nguyễn Đức Hiền trong một hoàn cảnh đau buồn. Hôm ấy cháu ngoại của ông đi học về đến ngã tư Bưu điện tỉnh thì bị tai nạn giao thông. Mãi sau ba ngày cho cháu xong, vào một đêm mưa ông bắt xe ôm đến nhà tôi và ông khóc từ ngoài cổng vào. Đó là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm quen biết tôi mới tận mắt nhìn thấy ông khóc. Ông bảo: 

- Có còn cách nào để kìm hãm được tai nạn giao thông không? Đây là một quốc nạn rồi. Bao nhiêu tài năng, bao nhiêu hy vọng của đất nước đều phải ra đi vì những hành vi vô thức của con người. Sự vô thức thành tàn nhẫn và khủng khiếp quá. Hôm ấy ông vừa khóc, vừa nói gay gắt về những hành vi vi phạm an toàn giao thông. Đã nhiều năm rồi, tôi không thể nào quên nổi cái đêm ông khóc tại nhà tôi vì đứa cháu gái xấu số phải ra đi. Rồi đến lượt ông cũng phải ra đi vào ngày 4 tháng 5 năm Giáp Thân 2004 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 75 tuổi sau một đời chinh chiến, nhẫn nại và lao động miệt mài. Ông là một tấm gương kiên trì tự học, kiên trì trong sáng tạo và kiên trì trước mọi gian nan ập đến của cuộc đời quá nhiều thăng trầm, biến cố, quá nhiều điều thầm lặng.



(Báo Thanh Hoá)

NỔI BẬT TRANG CHỦ