(Tổ Quốc) – Đó là câu chuyện có thật của ông Cao Đức Ứng (sn 1949), cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam. Gần 10 năm qua, ông phải vất vả đi ở nhờ để bắt đầu cuộc chiến công lý, đòi lại mảnh đất của chính mình, nhưng hiện đang bị vợ chồng người em gái ruột chiếm mất.
Trông nom hộ rồi chiếm luôn đất của anh trai
Theo lời kể của ông Cao Đức Ứng, ông vốn là bộ đội và bị nhiễm chất độc da cam (có giấy chứng nhận). Năm 1981, ông sang lao động tại Bungari. 1984, sau một thời gian chịu khó, tích cóp, ông có để dành ra được một số tiền và gửi về cho mẹ và anh trai (ông Cao Bá Trường) mua hộ một mảnh đất thuộc thửa đất số 185, tờ bản đồ số 6, đường Hữu Nghị, khu dân cư Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh (nay là TP. Chí Linh).
Ông Cao Đức Ứng trong ngôi nhà nhỏ, ở nhờ suốt gần 10 năm qua.
Sau đó, ông Ứng có về nước thăm gia đình, nhưng do ông vẫn đang lao động tại Bungari, nên chưa có nhu cầu sử dụng, vì thế chưa tính đến chuyện làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mảnh đất ông mua tại khu dân cư Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh vẫn được giao nhờ anh trai, ông Cao Bá Trường trông nom hộ.
Tới năm 2011, ông Ứng về nước thăm gia đình, lúc này mẹ và anh trai (ông Cao Bá Trường) đều đã mất. Tại thời điểm đó, mảnh đất của ông mua đã được giao cho vợ chồng người em gái ruột là bà Cao Thị Thi và ông Nguyễn Anh Thế trông nom hộ. Việc ai giao, giao như thế nào thì ông Ứng không được biết. Khi đó, vợ chồng em gái ông đã xây một móng nhờ trên mảnh đất đó. Trước thực tế này, ông Ứng đã đến gặp em gái để xin lại đất, đồng thời ngỏ ý gửi vợ chồng em gái một số tiền, vừa là công trông nom, vừa là để bù lại số tiền mà em gái đã bỏ ra để đóng thuế. Nhưng, lúc này, vợ chồng em gái ông Ứng một mực khẳng định mảnh đất này là của họ, nên không trả lại cho ông.
Do bận công việc nên ông Ứng phải quay trở lại Bungari, trong khi việc "xin lại" đất từ tay em gái chưa thành công.
Dãy ki - ốt trên mảnh đất của ông Ứng.
Về phía vợ chồng người em gái (bà Cao Thị Thi và ông Nguyễn Anh Thế), ngay sau khi thấy anh trai phải trở về Bungari đã cùng với vợ chồng con gái đầu tư xây dựng 5 ki ốt bán hàng, rồi cho người khác thuê.
Điều đáng nói hơn là không hiểu bằng cách gì, vợ chồng bà Cao Thị Thi đã "hô biến" được cho mình một giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất này từ năm 2004. Năm 2012, ông Ứng về nước để tiếp tục đòi lại đất của mình.
Gian nan đi tìm công lý
"Xin lại đất không được, các cuộc hòa giải có mặt của anh, chị em trong nhà để thôi thì có gì đóng cửa bảo nhau, chứ hay ho gì việc anh, em lôi nhau ra tòa. Tôi sẵn sàng gửi vợ chồng cô Thi số tiền 280 triệu đồng nếu trả lại đất cho tôi. Nhưng, vợ chồng cô thi không đồng ý với số tiền này mà yêu cầu tôi phải trả số tiền là 570 triệu. Do vậy, cực chẳng đã tôi mới phải nhờ đến pháp luật", ông Ứng nói.
Giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học của ông Ứng.
Theo đó, tại bản án số 04/2018/DS-ST ngày 26/4/2018 có cho hay, năm 1986, vợ chồng bà Cao Thị Thi đã mua lại thửa đất số 185 trên từ chính ông Cao Bá Trường (anh trai) và cụ Ngư (mẹ đẻ). Mặc dù, theo xác định, việc mua bán này chỉ thỏa thuận bằng miệng, không lập thành văn bản, nhưng gia đình bà Thi có nộp thuế.
Năm 1993, vợ chồng bà Thi đã xây dựng một móng nhà trên mảnh đất đó, năm 2004 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tiếp đó, đến năm 2012, bà cho vợ chồng con gái tên là Hải xây dựng 5 ki-ốt (có xây lấn chiếm ra vỉa hè 1,5 mét) với tổng chi phí vào khoảng 370 triệu đồng. Mục đích để họ cho thuê và đã được hưởng toàn bộ tiền cho thuê từ đó đến nay.
Về phía bà Cao Thị Thi, lấy lý do rằng việc mua bán đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa đất số 185, tờ bản đồ số 6, đường Hữu Nghị, khu dân cư Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh (nay là TP. Chí Linh) là hợp pháp nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh trai ruột (ông Ứng).
Còn nếu trường hợp tòa chấp thuận yêu cầu khởi kiện của ông Ứng, buộc vợ chồng bà phải trả đất, bà yêu cầu anh trai phải trả lại giá trị tài sản mà vợ chồng bà đã xây dựng trên thửa đất đó.
Trong khi đó, theo kết quả kiểm tra, xác minh của UBND thị xã Chí Linh (nay là TP Chí Linh) cho thấy, hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng bà Thi chưa đảm bảo về trình tự, thủ tục khi trong hồ sơ chỉ có Đơn xin đăng ký và đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở có chữ ký của bà Thi và Biên bản xác minh hiện trạng nhà đất, không có tài liệu gì khác kể cả tài liệu chứng minh về nguồn gốc đất.
Theo đó, sở dĩ vợ chồng bà Cao Thị Thi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất này là do vợ chồng ông bà tự kê khai, UBND thị trấn Sao Đỏ (nay là UBND phường Sao Đỏ) trong quá trình cấp đã không thẩm tra kỹ hồ sơ dẫn đến sai sót. Vì vậy, theo quy định, đủ điều kiện kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng bà Cao Thị Thi.
Về phần ông Ứng, trong sổ mục kê kèm theo bản đồ đo đạc năm 1993 lưu giữ tại UBND phường Sao Đỏ có thể hiện thửa đất trên mang tên người đăng ký là Nguyễn Văn Ứng. Tuy nhiên, việc ghi họ, tên đệm không chính xác như vậy là do thời điểm đó, ông đang ở Bungari và không có giấy tờ tùy thân ở nhà. Vì vậy, UBND thị xã Chí Linh đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Ứng về việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng bà Cao Thị Thi.
Về hướng giải quyết vụ án, đại diện VKSND tỉnh Hải Dương cũng nhất trí yêu cầu khởi kiện của ông Ứng. Đối với các tài sản trên đất, giữa ông Ứng với vợ chồng bà Cao Thị Thi, con gái bà Thi đều không có hợp đồng xây móng nhà và xây ki-ốt nên ông không phải trả giá trị tài sản trên đất.
Sau đó, tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã quyết định chấp nhận yêu cầu của ông Ứng. Cụ thể, buộc bà Cao Thị Thi trả lại đất cho ông Ứng và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho vợ chồng bà; Giao ông Ứng và vợ 5 gian ki-ốt, một móng nhà hiện đang có trên thửa đất. Khi UBND phường Sao Đỏ có yêu cầu, ông bà phải có trách nhiệm tháo dỡ phần ki-ốt đã xây dựng lấn ra vỉa hè đường Hữu Nghị; ông Ứng phải trả cho vợ chồng con gái số tiền 304.484.000đ giá trị 5 ki-ốt và 5.926.000 đồng giá trị móng nhà (xây từ năm 1993).
Không đồng ý với phán quyết này, ông Ứng tiếp tục kháng cáo, vì cho rằng, "Gần 10 năm qua, tôi không làm ra kinh tế, vì phải về nước để đòi lại đất từ em gái. Tôi bị nhiễm chất độc da cam nên con trai thứ hai của vợ chồng tôi cũng bị ảnh hưởng. Gần 10 năm qua tôi về nước, để một mình vợ lam lũ, kiếm tiền, chăm sóc con bệnh tật nơi đất khách quê người. Vợ chồng tôi nay cũng đều đã có tuổi, không còn nhiều khả năng lao động nên muốn về nước để sống. Nhưng đất chưa lấy lại được, chúng tôi biết phải đi đâu, về đâu. Vợ chồng tôi giờ chỉ muốn lấy lại đất rồi sử dụng nó ra sao là do chúng tôi quyết định chứ không có nhu cầu lấy mấy ki-ốt hay cái móng nhà kia. Vợ chồng cô Thi đã tự ý xây dựng, cho thuê ki-ốt và hưởng lợi ở trên mảnh đất của tôi suốt bao năm qua, tôi không tố cáo, bắt đền hay đòi hỏi gì từ họ thì thôi. Tại sao tòa án không yêu cầu họ phải tháo dỡ hết, trả lại mặt bằng đất cho tôi mà lại bắt tôi phải lấy các công trình đó rồi có trách nhiệm tháo dỡ phần họ xây lấy chiếm".
Và một lần nữa ông Ứng lại cảm thấy hụt hẫng và thất vọng tràn trề bởi ở bản án số 38/2019/DS-PT ngày 9/4/2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vẫn quyết định giao cho vợ chồng ông Ứng 5 ki-ốt và một móng nhà đã xây dựng trên thửa đất số 185, đồng thời buộc vợ chồng ông phải trả cho vợ chồng bà Cao Thị Thi số tiền 304.484.000 đồng giá trị 5 ki-ốt và 5.926.000 đồng giá trị móng nhà mà họ đã xây dựng.
Được biết, suốt gần 10 năm qua về nước để đòi lại đất từ vợ chồng em gái (bà Cao Thị Thi), ông Ứng phải sống nhờ nhà của một người em gái khác. Và chưa biết đến ngày nào thì ông mới được về để sinh sống tuổi già trên chính mảnh đất của mình./.