Người cựu chiến binh bỏ tiền túi xây bảo tàng “thu nhỏ” về Bác Hồ
Thực hiện: Đức Thảo | 02/09/2024
(Tổ Quốc) - Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vùng ngoại ô Nha Trang do cựu chiến binh Bùi Xuân Phước xây dựng đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh do cựu chiến binh Bùi Xuân Phước, 89 tuổi, xây dựng trên mảnh đất của gia đình, tọa lạc tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Gần 30 năm qua, ông Phước đã dành toàn bộ công sức, tiền bạc xây dựng bảo tàng “thu nhỏ” về Bác. Qua đó trưng bày trên 100 hiện vật, hình ảnh, tư liệu liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành “địa chỉ đỏ” trong lòng người dân Khánh Hòa.
Trong khuôn viên bảo tàng “thu nhỏ” rộng khoảng 2.200 m2, lọt thỏm giữa những căn nhà, vườn cây ở thôn Phước Tân, nhâm nhi ly trà, ông Phước kể mình tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lòng kính trọng và cảm xúc thân thương với Bác Hồ đã thấm sâu vào máu thịt của ông từ lúc nào không biết.
Đất nước thống nhất, ông Phước về làm công tác bảo tàng tại tỉnh Phú Khánh (tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa bây giờ), rồi làm Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên (khi tách tỉnh) cho đến năm 1995. Khi nghỉ hưu, cảm thấy “đây là lúc để hiện thực hóa mong ước của cuộc đời”, người cựu chiến binh đi xe máy dọc đất nước trong 4 tháng ròng để thăm đồng đội xưa, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ.
Đến tháng 10/1997, ông Phước dồn số tiền dành dụm, mua đất tại xã Phước Đồng, bắt đầu xây dựng công trình. Tuy nhiên kinh phí xây dựng là “bài toán” thách thức người cựu chiến binh, đến mức “xin lại” mảnh đất đã cho con gái, dù vậy gia đình vẫn luôn ủng hộ bởi cảm phục trước tình yêu và tấm lòng thành kính của ông dành cho Bác. “Tôi luôn tự hào, biết ơn và kính trọng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Tôi tự coi đây là bổn phận phải làm, quyết tâm làm cho bằng được, xây dựng một nơi cho các thế hệ hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời Bác”, ông Phước nói.
Năm 2002, ông Phước hoàn thành hạng mục Khu đền thờ Bác Hồ. Song mãi đến năm 2010, sau khi sưu tầm cơ bản tư liệu, hình ảnh, hiện vật “cơ bản khái quát” những điểm son trong cuộc đời, sự nghiệp của Bác, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của người cựu chiến binh mới chính thức được khánh thành.
Tuổi đã cao nhưng hễ nghe đâu có Bảo tàng Hồ Chí Minh hoặc chi nhánh bảo tàng, ông Phước không ngại lặn lội từ nam ra bắc để nghiên cứu, học hỏi, sưu tầm tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Gần 30 năm qua được ông coi là “chặng đường đặc biệt” để hình thành nơi góp phần giúp các thế hệ "nhìn tận mắt, nghe tận tai", hiểu hơn trái tim thấm đẫm tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mong muốn cấp có thẩm quyền xem xét công nhận Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại gia đình ông là một trong những chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh do tư nhân thành lập và quản lý.
Từ cổng vào, khách sẽ nhìn thấy tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên đài hoa sen ở trước sân, đối diện là tượng đài chiến sĩ Sư đoàn 305 (Ba Tơ), tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Đặc biệt, trong đền thờ là khu vực trang nghiêm, gây xúc động cho những ai đến viếng với bức ảnh lồng kính khổ lớn ghi lại thời khắc Người lúc lâm chung.
Phía trên là tượng chân dung Bác Hồ bằng đồng nặng gần 100kg do Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng năm 2016.
Xung quanh trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ được đặt trang trọng trong khung kính, tủ kính có chú thích rõ ràng, theo từng chủ đề.
Trong hơn 100 hiện vật, hình ảnh, tư liệu liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được trưng bày tại gia đình ông Phước, có nhiều hình ảnh, hiện vật gây ấn tượng với mọi người như mô hình tàu Amiral Latouche Tréville mà người thanh niên yêu nước Văn Ba đã lên tàu ra đi tìm đường cứu nước; mô hình ngôi Nhà sàn, Bác đã sống và làm việc ở Phủ Chủ tịch sau năm 1954; bản sao viên gạch hồng Người dùng để sưởi ấm trong thời gian ở Pháp những năm 1919 - 1923; Bản sao micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình; ngôi nhà sàn, chiếc áo kaki, đôi dép cao su, chiếc mũ cát, chiếc vali dây da, viên gạch hồng… được phục chế nguyên bản tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Năm 2020, ông Phước vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong ảnh là hồ sen nằm phía sau khuôn viên bảo tàng, ngát xanh giúp mọi người cảm giác như đang ở Quê Bác.
Ông Bùi Cao Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) chia sẻ, không chỉ là điểm tham quan, dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đây đã trở thành địa chỉ sinh hoạt chính trị, tổ chức lễ kết nạp Đảng, giáo dục truyền thống của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tại tỉnh Khánh Hòa.
Bình luận