Người dân Cửa Đại ở khu sơ tán tránh bão NORU: "Không biết khi về mình còn nhà không?!"
(Tổ Quốc) - Trường tiểu học Cẩm An 1 đang là điểm sơ tán tập trung của hơn 130 người dân trên địa bàn phường Cửa Đại, TP. Hội An.
“Bão này lớn lắm đó mi, mười năm rồi chừ mới sơ tán đây, đài hắn báo giật cấp 17, khủng khiếp”, suốt hành trình về tâm bão từ thành phố Đà Nẵng qua đến biển Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam, đây có lẽ là thời điểm chúng tôi cảm nhận rõ rệt nhất “bão” không chỉ là từ mô tả trạng thái thời tiết nguy hiểm, mà nó còn hiện hữu trước mắt là sự lo lắng đến mất ăn mất ngủ của bà con xứ Quảng.
Không biết khi về mình còn nhà không?!
Có mặt tại trường tiểu học Cẩm An 1 (TP. Hội An, Quảng Nam) vào tối ngày 27/09, nơi đang có hơn 120 người dân Cửa Đại đang sơ tán tránh bão số 4, chúng tôi được biết, không khí này đã kéo dài suốt hơn 24 tiếng đồng hồ. Trong phòng học rộng hơn trăm mét vuông, nơi vốn dĩ chỉ có bục giảng, bàn ghế, giờ đây người ta chỉ nhìn thấy chiếu manh xếp xen kẽ nhau, người già, trẻ nhỏ mệt mỏi thay nhau nằm dài, hồi hộp chờ từng giờ trôi qua.
Người dân Cửa Đại được vận động sơ tán
“Tôi nghe ti vi ở nhà phát tin bão, tới chừng nghe đài họ nói gió cấp 14 tôi run tay, bỏ theo cái mền, tính tôi hay lên huyết áp, nghe bão lớn cũng sợ tuột huyết áp” , cô Phan Thị Hơn (76 tuổi, người dân phường Cửa Đại) kể lại khoảnh khắc nghe tin bão.
Chưa kịp nhớ tên bão, chỉ nghe vỏn vẹn cụm từ "gió giật cấp 17", trong ký ức của người dân Cửa Đại hơn chục năm trước đó chính là sự tàn phá kinh hoàng của giông lốc, kèm theo cơn mưa dai dẳng kéo dài suốt hơn 10 ngày liền nhấn chìm hoa màu, ruộng vừa trong biển nước. Ngoài sức khoẻ ổn định, tinh thần minh mẫn, họ không mang theo được thêm bất kỳ thứ gì khác.
Bà Nhớ (áo xanh), bà Sáu (áo ca rô) đều là người sống lâu năm ở phường Cửa Đại
"10 người đều sợ hết cả 10, bởi vì lâu rồi không có cơn bão như ni, bão gì mà giật 13, 14 cấp độ", ông Phạm Ngạnh (70 tuổi, người dân phường Cửa Đại) nói.
Khi được hỏi, điều khiến họ bận tâm nhất vào lúc này, hầu hết đều có cùng một đáp án là "nhà": "Lo nhiều lắm con ơi, lo cho bản thân của mình rồi nhà cửa của mình. Mình đi bỏ nhà bỏ cửa đi, về không biết con nhà để ở không. Không biết nhà của mình khi về có còn là nhà không?", bà Lê Thị Nhớ thở dài.
Dù trong thế khó nhưng không khí nơi này cũng chẳng vì vậy mà trùng xuống, trong lời than thở của vợ ông Bùi Hùng (78 tuổi) lạc quan: "Trong khi mình sống đã mấy chục năm, khó một ngày nên chẳng có chi".
Dân Cửa Đại nhiều năm liền chấp nhận thiên tai như một lẽ thường ở nơi chôn nhau cắt rốn, cuộc đời của mỗi người trong số họ dù nhỏ tuổi nhất cũng đều trải qua ít nhất 1 lần sơ tán vì bão, nhưng nếu hỏi họ có muốn sống ở nơi khác không thì có lẽ câu trả lời chính xác nhất là: "Nhà mình, mình ở, đi nơi khác là nơi nào?".
Ông Bùi Hùng (78 tuổi) tâm sự,
Sơ tán hơn 130 người trong vòng 2 giờ
Hầu hết các hộ dân đến sơ tán tại trường Cẩm An 1 đều là những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương.
Công tác sơ tán người dân tại phường Cửa Đại, TP. Hội An diễn ra trong vòng chưa đầy 2 giờ, tính từ trưa ngày 26/9, do bà Phan Thị Thái Hoà - Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại chỉ đạo. Toàn bộ quá trình sơ tán có sự phối hợp của các cán bộ UBND, lực lượng y tế, dân quân tự vệ phường Cửa Đại hỗ trợ sát sao.
Các lớp học của trường Cẩm An 1 được trưng dụng làm nơi tập kết người dân sơ tán, tránh bão số 4
"Hiện tại tại trường Cẩm An 1 có tổng cộng 128 người dân, người đến sơ tán chủ yếu là dân cư ở phường Cửa Đại, một số ở Hội An. Năm nay, họ ý thức được cơ bão này lớn nên cũng chủ động phối hợp với lực lượng chức năng di chuyển về nơi cư trú", một cán bộ UBND phường Cửa Đại thông tin.
Hơn 100 bộ mền, chiếu, gối, nhu yếu phẩm trong chiều cùng ngày cũng được thành phố đưa về trường tiểu học Cẩm An 1, phường Cửa Đại hỗ trợ người dân tránh bão.
"May mắn là năm nay người dân chủ động sơ tán, không phải nhắc hoặc làm công tác dân vận quá nhiều", cán bộ UBND phường Cửa Đại nói.