(Tổ Quốc) -Ngay sau khi biết thông tin 16 ý kiến của các nhà quản lý, nhà văn hóa đồng thuận tiếp tục tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, nhiều người dân Đồ Sơn đã rất vui mừng.
Lễ hội Chọi trâu đã ăn sâu vào tâm thức người dân Hải Phòng
Theo những người dân tại Đồ Sơn, Hải Phòng thì Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn có từ đời Lý. Trong giai đoạn chiến tranh, vì nhiều lý do khác nhau, lễ hội có bị gián đoạn và đến năm 1990 Lễ hội được tổ chức trở lại.
Chị Nguyễn Thị Xuân ở Đồ Sơn, Hải Phòng cho biết Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn rất quan trọng đối với cá nhân, vì đây là lễ hội truyền thống có từ rất lâu rồi. Mỗi dịp Lễ hội Chọi trâu diễn ra cả làng đi xem chọi trâu, rồi mời cả khách thập phương về. Sau đó mỗi nhà đều làm cỗ và trong mâm cỗ cúng kiểu gì cũng phải có món thịt trâu. Nhà có điều kiện thì ăn thịt trâu nhiều, nhà không có điều kiện thì ăn thịt trâu ít chứ không thể không có thịt trâu trong những ngày diễn ra Lễ hội Chọi trâu.
Là một người dân được sinh ra và lớn lên tại đất Đồ Sơn, anh Lê Văn Chung bày tỏ, đây là một lễ hội có từ thời cha ông và có ý nghĩa, cũng như ảnh hưởng lớn đến người dân Đồ Sơn. Sự cố ngày 1/7 vừa rồi xảy ra là hi hữu và không ai mong muốn. Nếu vì sự cố này mà Lễ hội Chọi trâu năm nay không được diễn ra thì cá nhân tôi và có lẽ nhiều người dân Đồ Sơn rất tiếc.
Buổi tọa đàm quy tụ các nhà quản lý, nhà văn hóa bàn về Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. Ảnh; Hà Anh |
Nói về Lễ hội Chọi trâu tại quê hương mình, ông Lưu Đình Đức (phường Ngọc Hải, Đồ Sơn, Hải Phòng) cho biết: Cha ông chúng tôi để lại cho nhân dân quận Đồ Sơn một tài sản quý báu đó là Lễ hội Chọi trâu đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đó là một vinh dự và tự hào của Đảng bộ - chính quyền và nhân dân quận Đồ Sơn, lễ hội truyền thống đã ngấm vào máu, thịt của nhân dân Đồ Sơn, chúng tôi phải có trách nhiệm giữ gìn bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta ngày nay.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng – Đoàn Trường Sơn khẳng định Lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn đã tồn tại hàng trăm năm và mang nhiều dấu ấn tâm linh, thể hiện tín ngưỡng của người Việt từ xưa, nói rộng ra là của cả phương Đông. Dấu ấn tâm linh được thể hiện suốt từ việc hình thành tập tục đến mua, chăn dắt, huấn luyện, vào sới và kết thúc bằng nghi lễ hiến sinh.
Ảnh minh họa. Nguồn: baohaiphong.com.vn |
Cùng với đó, tục Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với văn hóa cư dân ven biển, có sắc thái riêng gắn với thờ cúng thủy thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu, thể hiện bản sắc văn hóa tinh thần cùng thể chất đặc biệt của người dân miền biển, hằng ngày đối diện với biển khơi, bão tố để mưu sinh. Tục này còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng, mọi thứ đều “Trống mọi làng cùng đánh, Thánh mọi làng cùng thờ”, không như “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ”. Do vậy, nhân dân tổng Đồ Sơn xưa, dù có nhiều dòng họ (Lục vị Tiên công), hội tụ từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng đều thống nhất thờ Thần Điểm tước, gắn với tục chọi trâu - đôi trâu chọi dưới ánh trăng bạc. Điều đó, cũng là góp phần vào sự duy trì kỷ cương làng xã, tinh thần cố kết và ý thức cộng đồng, cầu mong cho “Nhân khang, vật thịnh”; mong cho “mưa thuận gió hòa”, biển êm đầy tôm cá - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng cho biết thêm.
Thực tế, Lễ hội Chọi trâu đã bám rễ, ăn sâu vào đời sống người dân và trở thành câu ca dao truyền miệng: Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mồng 9 tháng 8 chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mồng 9 tháng 8 thì về chọi trâu.
Người dân Đồ Sơn đón nhận thông tin Lễ hội Chọi trâu vẫn tiếp tục diễn ra
Tại buổi tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng, ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Hải Phòng cho biết: “Toàn thể nhân dân Đồ Sơn trông ngóng tọa đàm này. Khi lễ hội bị tạm dừng, chúng tôi chứng kiến có những cháu thiếu nhi ôm mặt khóc”.
Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội truyền thống độc đáo có hàng nghìn năm lịch sử không thể bãi bỏ, chỉ vì một sự cố hy hữu ngàn năm có một – ý kiến của ông Ngô Đăng Lợi Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng.
Ảnh minh họa. Nguồn:baohaiphong.com.vn |
Còn ông Lưu Đình Đức bày tỏ, không chỉ cá nhân ông mà rất nhiều người dân Đồ Sơn khá lo lắng nếu Lễ hội Chọi trâu bị tạm dừng. Đồng quan điểm này, còn có nghệ nhân, đại diện chủ trâu – ông Phạm Văn Thức. Ông cũng nói thêm, quan điểm của tôi và nhiều người dân Đồ Sơn rất mong muốn Lễ hội Chọi trâu được tiếp tục diễn ra. Khi nghe các nhà quản lý, các nhà văn hóa đều đồng thuận tiếp tục tổ chức Lễ hội Chọi trâu cả ông Đức và ông Thức đều rất vui mừng.
Chị Xuân bày tỏ, hồi xảy ra sự cố ở vòng đấu loại, khi biết phải tạm dừng và nguy cơ lễ hội cũng có khi phải dừng, nhiều người dân Đồ Sơn buồn lắm. Nếu nay, các nhà quản lý đã thống nhất cho Lễ hội tiếp tục thì quá vui mừng.
Với anh Chung, ngoài niềm vui khi biết Lễ hội Chọi trâu được tiếp tục tổ chức, anh cũng mong muốn Bộ VHTTDL và UBND Quận Đồ Sơn phối hợp tổ chức để Lễ hội vui tươi, ý nghĩa và đảm bảo an toàn, không có những rủi ro đáng tiếc xảy ra.