(Tổ Quốc) -Trước những băn khoăn, thắc mắc của cử tri và đại biểu về việc các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đang hoạt động chỉ cách nước ta từ 50 đến 200km, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời người dân "hoàn toàn có thể yên tâm với vân đề này" .
Ba nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam) đều chỉ cách Việt Nam từ 50 đến 200km .
Tại phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội đã thay mặt cử tri đặt câu hỏi rằng hiện nay Trung Quốc đang vận hành ba nhà máy điện hạt nhân, đều đặt khá gần Việt Nam, với khoảng cách từ 50 đến 200km, vậy có những nguy cơ, tác hại nào tới sức khỏe người dân, đồng thời các giải pháp khắc phục ra sao?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Ảnh internet |
Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Không chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường mà bản thân thành phố Hà Nội vừa rồi cũng đã đưa ra một kế hoạch rất cụ thể về việc phòng, tránh ô nhiễm hạt nhân khi nó xảy ra sự cố, đối với thành phố Hà Nội, Bộ trưởng cho biết thêm.
Theo Bộ trưởng thì các nhà máy điện hạt nhân không chỉ được sự quan tâm của Việt Nam mà cộng đồng thế giới, tổ chức hạt nhân thế giới cũng có trách nhiệm kiểm soát.
"Tôi cho rằng với những công nghệ hiện đại và phối hợp quốc tế để giám sát, kiểm soát cũng như chúng ta có trách nhiệm với người dân trong vấn đề thường xuyên theo dõi, giám sát thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với vấn đề này", Bộ trưởng khẳng định.
Mới đây, đề án “Quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với TP Hà Nội” vừa được UBND TP phê duyệt.
Đề án được thực hiện nhằm đánh giá các rủi ro có thể trở thành thảm hoạ của Hà Nội, xác định các giải pháp, tổ chức thực hiện để giảm thiểu tối đa và xử lý khi có rủi ro trở thành thảm hoạ.
Hà Nội cho rằng, rủi ro do rò rỉ phóng xạ có thể thành thảm hoạ nếu có sự cố từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc.
"Theo đánh giá, Hà Nội là một trong số các tỉnh phía Bắc nước ta sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu 3 nhà máy này của Trung Quốc có sự cố, do bụi phóng xạ có khả năng phát tán rộng làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước", đề án nêu.
Phản hồi về thông tin này, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, xác suất rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến Việt Nam là quá nhỏ so với các hiểm hoạ khác.
Cử tri lo ngại với thực trạng 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc nằm sát biên giới. Ảnh minh họa/Internet
|
Sau sự cố Fukushima tại Nhật Bản, các quốc gia đều rất chú trọng đến công nghệ và an toàn điện hạt nhân. Trung Quốc cũng vậy, họ bỏ ra khoản tiền lớn để nâng cấp, đảm bảo an toàn và hoàn toàn kiểm soát được khi có sự cố xảy ra. "Trong tình huống xấu nhất thì phóng xạ sẽ phát tán ở mức thấp và không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người", tiến sĩ Thành nói.
Trong khi đó, Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế như Công ước thông báo sớm, nghĩa là bất kỳ sự cố hạt nhân nào đều được mạng lưới quốc tế thông báo.
Theo nhận định của các chuyên gia, dần dần trên thế giới người ta cũng nhận ra rằng các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng theo công nghệ mới sẽ an toàn hơn rất nhiều so với xây dựng trước 2011. Vấn đề thứ hai cũng đã được các chuyên gia khuyến nghị như một điều kiện quan trọng để triển khai các nhà máy điện hạt nhân mới là không nên xây dựng chúng ở những nơi nguy hiểm về thiên tai và ở những vùng không ổn định của vỏ trái đất.
Vấn đề xử lý chất thải của nhà máy điện hạt nhân và đóng cửa các lò phản ứng: Đây là vấn đề khó xử lý về mặt kỹ thuật, nhưng lại liên quan đến tính khả thi về kinh tế và về môi trường của nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này cũng đã được giảm nhẹ cơ bản vì, Nhìn chung, tuổi thọ của các lò phản ứng hiện đại đã tăng lên đáng kể, có thể đạt tới trên 50 năm; và, Phương pháp tối ưu để giải quyết vấn đề này là xây dựng các lò phản ứng nơtron nhanh cho phép sử dụng plutoni làm nhiên liệu.
Vi Phong (t/h)