• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người dành trọn tâm huyết gìn giữ nghề làm nhạc cụ dân tộc

Văn hoá 23/09/2022 19:34

(Tổ Quốc) - Kế thừa nghề truyền thống gia đình, anh Đào Văn Tuấn ngày ngày miệt mài với những chiếc đàn để âm nhạc dân tộc còn mãi.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km, làng Đào Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) nổi tiếng là nơi chế tác ra các loại nhạc cụ dân tộc suốt nhiều thế kỷ. Rất nhiều loại đàn dân tộc độc đáo ra đời từ ngôi làng này như đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tỳ bà,... 

Đứng trước nguy cơ mai một của làng nghề làm nhạc cụ dân tộc, anh Đào Văn Tuấn - con trai của nghệ nhân ưu tú Đào Xuân Soạn vẫn ngày đêm miệt mài với những cây đàn dân tộc, quyết tâm giữ nghề truyền thống của gia đình, quê hương.        

Mang âm hưởng dân tộc qua từng cây đàn

Làng Đào Xá lịch sử hơn 200 năm tuổi với nghề làm các loại đàn dân tộc. Nghề làm đàn bắt đầu có từ cụ Đào Xuân Lan, sau được truyền lại cho con cháu, rồi nghề phát triển khắp làng, giao thương khắp mọi miền đất nước. Từ đó, hễ nhắc tới làm đàn dân tộc truyền thống là người ta nhắc ngay tới làng Đào Xá.

Nghề làm đàn đối với làng Đào Xá không chỉ đem lại miếng cơm manh áo mà còn là một nét đẹp văn hóa truyền thống. Bằng tài hoa, sự khéo léo, tỉ mỉ, những người "nghệ sĩ nông dân" đã tạo ra những chiếc đàn mang âm hưởng dân tộc truyền đời.

Người dành trọn tâm huyết gìn giữ nghề làm nhạc cụ dân tộc - Ảnh 1.

Anh Đào Văn Tuấn miệt mài bên những chiếc đàn dân tộc

Anh Đào Văn Tuấn chia sẻ: "Nghề làm đàn rất nhiều công đoạn, người thợ phải tỉ mỉ và kiên trì mới có sản phẩm. Người làm đàn có thể không biết nhạc nhưng phải thạo nghề mộc và có khả năng thẩm âm tốt".

Các sản phẩm anh Tuấn sản xuất rất đa dạng: đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn đáy, đàn bầu,...Mỗi chiếc đàn có mỗi hình dáng kích thước khác nhau. Theo anh Đào Văn Tuấn, để chế tạo được cây đàn âm thanh hay, chất lượng phải tìm và chọn được nguyên liệu tốt. Theo quan niệm xưa "thành trắc mặt vuông" nên 2 loại gỗ tốt nhất để làm đàn là gỗ trắc và gỗ ngô đồng.

"Gỗ phải để đủ khô, ít nhất là 2 năm mới đưa vào sản xuất được. Từ khâu chọn gỗ, phơi gỗ, đục bào đến căng dây, căng mặt đàn, trang trí đều làm thủ công. Chiếc đàn có đẹp hay không đều nhờ vào đôi tay khéo léo, tỉ mỉ kiên trì của người làm đàn. Không chỉ gỗ, nhiều loại đàn còn cần phải dùng da trăn để chế tạo. Do đó, để làm ra một cây đàn tốn khá nhiều thời gian và công sức", anh Tuấn chia sẻ thêm.

Người dành trọn tâm huyết gìn giữ nghề làm nhạc cụ dân tộc - Ảnh 2.

Gỗ trắc và gỗ ngô đồng được phơi khô để chống mối mọt, cong vênh rồi mới được đưa vào sử dụng

Xưởng gỗ của gia đình anh Tuấn có 4 người làm. Mỗi người đảm nhiệm một công đoạn khác nhau và để có một chiếc đàn hoàn chỉnh mất khoảng 3 tới 4 ngày. Giá bán của mỗi loại đàn khác nhau tùy theo nhu cầu, số lượng của người mua.

Với anh Tuấn, công đoạn khó nhất là công đoạn xử lý âm thanh. Mặc dù không học về nhạc lý, không biết chơi đàn nhưng âm sắc của những chiếc đàn anh chế tác đều rất chuẩn mực, đáp ứng nhu cầu khắt khe của nhiều nghệ sĩ. Từ những mảnh gỗ sần sùi, thô sơ qua bàn tay của người thợ tài hoa đã trở thành những chiếc đàn mang âm thanh, hơi thở của dân tộc.

Người dành trọn tâm huyết gìn giữ nghề làm nhạc cụ dân tộc - Ảnh 3.

Để có được những chiếc đàn tốt không chỉ đòi hỏi sự khéo tay mà còn đòi khỏi người làm đàn phải có khả năng thẩm âm tốt

Trăn trở kế thừa

Thời gian qua đi, nghề làm đàn ở Đào Xá bị mai một do nhu cầu tiêu dùng ít hơn và không có người truyền nối. Lớp trẻ trong làng thích tìm tới những công việc hiện đại, nhẹ nhàng hơn là quay về với nghề truyền thống. Cho đến những năm 90, khi nhà nước khôi phục và phát triển lại làng nghề truyền thống, thì nghề làm đàn ở Đào Xá mới "sống" trở lại.

"Lớp trẻ trong làng bây giờ cũng dành tình yêu cho nghề truyền thống nhưng không mấy ai đủ kiên nhẫn học nghề, theo nghề. Để học được nghề, hiểu và thuần thục các kỹ thuật cũng phải mất đến 2 năm. Không những nghề này còn đòi hỏi sự khéo tay, khả năng thẩm âm nên rất ít người theo được. Tôi cũng chỉ mong lớp trẻ có thể dành nhiều thời gian quan tâm đến nghề truyền thống để nghề không bị mai một", anh Tuấn bộc bạch.

Là một nét đẹp truyền thống, nghề làm đàn Đào Xá như mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với các thế hệ sau. Những chiếc đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tranh vang lên âm hưởng, giai điệu ca trù, hát văn, cải lương,...Dẫu vậy, để có đam mê và theo đuổi con đường làm đàn dân tộc không hề dễ dàng. 

Người dành trọn tâm huyết gìn giữ nghề làm nhạc cụ dân tộc - Ảnh 4.

Người dành trọn tâm huyết gìn giữ nghề làm nhạc cụ dân tộc - Ảnh 5.

Theo anh Tuấn nghề làm đàn rất công phu và đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn

"Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cầm tay chỉ việc mới có thành phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu người dùng. Sau cụ Đoàn Xuân Soạn chỉ còn mỗi tôi theo nghề này. Vì vậy, điều trăn trở nhất hiện tại là không tìm được người truyền dạy, làm thế nào để giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống", anh Tuấn trăn trở.

Với người Đào Xá, nghề làm đàn gắn với họ trong nhiều thập kỷ qua. Nghề không chỉ là kế sinh nhai mà nó còn là nét đẹp văn hóa truyền thống. Nhưng đứng trước sự phát triển của thị trường việc làm, việc truyền nghề cho các thế hệ trẻ không hề dễ dàng. Vì vậy việc duy trì, bảo tồn và phục dựng sự hưng thịnh của làng Đào Xá cần rất nhiều sự nỗ lực.

Phương Thảo

NỔI BẬT TRANG CHỦ