• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Đỗ Huy Nhiệm

18/09/2012 11:37

(Toquoc)- Người đương thời Thơ mới đã khách quan ghi nhận Đỗ Huy Nhiệm như một tiếng thơ sâu lắng, khơi nguồn cảm xúc mới bằng những vần thơ truyền thống, cốt cách ở ý thức cá nhân và dung dị trong câu chữ, trần tục ở đề tài và cao sang trong mộng tưởng hồn yêu.

(Toquoc)- Nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm sinh ngày 16-3-1915 ở Nam Định nhưng quê gốc ở Phú Yên; nguyên họ Hồ, sau đổi ra họ Đỗ; khi viết báo còn ký các bút danh Đỗ Phủ, Thiếu Lăng. Thuở nhỏ học ở Nam Định, sau khi đậu thành chung lên Hà Nội học xong tú tài rồi vào làm việc ở Sở Trước bạ Hà Nội. Đương thời ông từng cộng tác với các báo Phụ nữ thời đàm, Tân thiếu niên, Tiến hóa, Văn học tạp chí, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Trào phúng, Đông thanh, Đông Á, Đông Tây, Tin mới văn chương… và xuất bản hai tập thơ: Khúc Ly tao (1931), Thiên diễm tuyệt (1936)… Trong thời gian này thơ ông từng được P. T. T, Lê Tràng Kiều, Quỳnh Dao, Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế), Vũ Bội Liêu, Hoài Thanh - Hoài Chân cùng quan tâm nhận xét, luận bình. Chúng tôi chủ ý chỉ tìm hiểu ý kiến của những người sống đồng thời với thời Thơ mới (1932-1945) bàn về thơ Đỗ Huy Nhiệm bởi thấy rằng đó là nhận xét của người trong cuộc, trong không khí đương thời, khi mà những đánh giá của họ còn trực diện, trực giác, tươi mới, chưa bị pha phách bởi những quan niệm thiên kiến ngoài văn chương hoặc do sự gián cách bởi thời gian như không ít trang bình luận, đánh giá ở giai đoạn sau này.

Không rõ khi Khúc Ly tao ra đời vào năm 1931 liệu đã có bài phê bình, điểm sách nào không nhưng phải đến Thiên diễm tuyệt xuất bản năm 1936 thì tên tuổi Đỗ Huy Nhiệm mới thật sự được ghi nhận trong làng thơ. Ngay sau năm Thiên diễm tuyệt đến với bạn đọc, tác giả P. T. T trong bài viết Ngoảnh nhìn văn học năm vừa qua in trên Sông Hương (số 26, ra ngày 30-1-1937) đã nhấn mạnh vị trí tác phẩm trong nền thơ đương thời: “Về thơ, năm 1936 đã bày ra một cảnh tượng rời rạc, nếu không là buồn tẻ. Cái không khí bồng bột về thơ mới hai năm trên đã qua rồi. Những tên Thế Lữ, Huy Thông, người ta không nhắc đến một cách sốt sắng nữa. Mà giữa Nàng Thơ với các thi sĩ, hình như chữ tình cũng không còn được mặn nồng như mấy năm xưa. Huy Thông thì còn cho ra được một tác phẩm có giá trị là quyển Tiếng địch sông Ô, và thỉnh thoảng có thơ đăng trên một vài tờ báo chứ Thế Lữ thì như đã chìm hẳn đi rồi: với tác phẩm Bên đường Thiên lôi mà ông vừa cho xuất bản, người ta thấy rõ như ông muốn từ nay đi hẳn về bên tiểu thuyết. Những quyển Gái quê của Hàn Mặc Tử, Thiên diễm tuyệt của Đỗ Huy Nhiệm ra đời vào cuối năm như đã đem lại cho nàng thơ một cái không khí ấm áp”...

Hai năm sau, Lê Tràng Kiều trong bài viết Hoàng hoa in trên Tiểu thuyết thứ Năm (số 30, ra ngày 11-5-1939) khi giới thiệu cho việc chuẩn bị in bài thơ Hoàng hoa của Bích Khê đã vinh danh thơ của Quỳnh Dao, Anh Thơ và Đỗ Huy Nhiệm… trong trào lưu Thơ mới đương thời:

“Chưa bao giờ, các bạn mến thơ yêu thơ đã được vừa lòng, đã được say sưa như bây giờ, khi giở những trang thân yêu của tờ báo thân yêu này, nó đã lần lượt trình bầy không biết bao nhiêu là tác phẩm giá trị:

Những vần mơ màng của Quỳnh Dao, những vần nhẹ nhàng của Anh Thơ, những vần trong sáng của Đỗ Huy Nhiệm”...

Một tháng sau, nhà thơ Quỳnh Dao khi giới thiệu tập Tuổi thơ của nhà thơ gốc Hoa Liêu Kỳ Lộc trên báo Tiểu thuyết thứ Năm (số 35, ra ngày 15-6-1939) cũng trân trọng nhắc đến Đỗ Huy Nhiệm cùng nhiều tên tuổi Thơ mới khác: “Tôi không dám nói, bên tai người quen nghe tên Hàn Mặc Tử, Xuân Khai, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, nhưng người ta đã nghe đến Lan Viên, Đông Hồ, Xuân Diệu, Đỗ Huy Nhiệm, Thái Can, Vũ Đình Liên, Lan Sơn v.v... thì người ta cũng nên nghe thêm tên: Liêu Kỳ Lộc!”…

Rồi đến Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế) trong công trình tổng kết Ba mươi năm văn học (NXB Tân Việt, H., 1941) cũng tiếp tục ghi nhận tác phẩm và vị thế Đỗ Huy Nhiệm cùng nhiều cây bút khác:

Làng thơ mới (mới lẫn cũ) của văn học quốc ngữ trong vòng mười năm nay đếm được:

- Đông Hồ, sau những vần Thơ Đông Hồ (1932) cũ kỹ, ca ngợi Cô gái xuân (1935).

- Lan Sơn thi vị hóa mối tình giữa Anh với em (1934).

- Phạm Huy Thông, trong Yêu đương (1933) cô Anh Nga (1934) và cô Tần Ngọc (1937), trầm hùng cao đưa Tiếng địch sông Ô (1935).

- Nguyễn Vỹ trong Tập thơ đầu (1934) có hơi thơ dài như gió lướt.

- Đỗ Huy Nhiệm sau Khúc Ly tao (1931) dệt Thiên diễm tuyệt (1936)”…

Hai ông Hoài Thanh - Hoài Chân trong lời giới thiệu tổng quát Một thời đại trong thi ca ở sách Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942) đã có ý nhấn mạnh vị thế Đỗ Huy Nhiệm trong trào lưu Thơ mới và đặt trong dòng thơ Đường truyền thống:

“Chung quanh ngôi sao Thế Lữ châu tuần bao nhiêu hành tinh có tên và không tên, hầu hết các thi sĩ lớn nhỏ hồi bấy giờ: Nguyễn Văn Kiện, Vũ Đình Liên, Đỗ Huy Nhiệm, Tường Bách, Lan Sơn, Việt Nữ Hoàng Hương Bình, Thụy An, Nguyễn Nhuệ Thủy, Thanh Tịnh, Thúc Tề, Phi Yến, Lư Khê… Cả những vì sao vốn ở một trời khác: Vân Đài, Đông Hồ, Mộng Tuyết, cũng ghé về châu tuần một lúc…

Hồn thơ Đường vắng đã lâu, nay lại trở về trong thơ Việt. Lần đầu tiên (1934) nó đi theo J. Leiba. Leiba giao lại cho Thái Can. Thái Can giàu, Leiba sang. Ở Thái Can cũng như ở Leiba hồn thơ Đường có cái cốt cách đời thịnh. Với Đỗ Huy Nhiệm, Vân Đài, Lưu Kỳ Linh, Phan Khắc Khoan (trong tập Xa xa), Thâm Tâm, hoặc nó kín đáo tinh vi hơn, hoặc nó rắn rỏi chắc chắn hơn, nhưng cũng nghèo hơn”...

Rồi đến khi trực diện tiếp cận gia sản thơ Đỗ Huy Nhiệm, Hoài Thanh - Hoài Chân đã tuyển của ông ba bài (Đìu hiu, Hoa tủi, Say), đồng hạng số bài với Lan Sơn, Thu Hồng, Lưu Kỳ Linh, Nguyễn Giang, Phan Văn Dật...; từ đó đi sâu phân tích, bình phẩm:

“Đỗ Huy Nhiệm kể:

Lắm khi đứng tựa bên cây,

Thẫn thờ đôi mắt đắm say nhìn trời.

Nhưng đến lúc cất lời để gọi,

Thì nàng như làn khói thoảng tan.

Mặc tôi đứng sững mơ màng,

Một mình với một chiếc đàn chùng dây.

Nàng đây là Nàng Thơ và câu này là một câu tâm sự. Quả Đỗ Huy Nhiệm đã ôm một mối tình lãng mạn đi theo dõi Nàng Thơ luôn trong bảy tám năm trời từ Khúc Ly tao đến Thiên diễm tuyệt, từ Phụ nữ thời đàm hồi Ô. Phan Khôi chủ trương đến Tân thiếu niên, Tiến hóa, Văn học tạp chí 1935, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ năm, Trào phúng, Đông thanh, Đông Á, Tin mới hầu khắp trên các báo chí Bắc Nam. Nàng thơ có lẽ không nỡ phụ người có công. Một đôi lần Nàng đã gặp con người tình cờ trở nên người họ Đỗ và cố ý mạo danh Đỗ Phủ, Thiếu Lăng. Các cuộc gặp gỡ ấy đều ghi lại bằng những vần thơ phảng phất giọng Đường với một chút xôn xao mới”…

Trong mục bài Mỹ từ pháp trong văn chương Pháp và Việt Nam - Những “hình ảnh” trong văn thơ pháp và Việt Nam in trên Tạp chí Thanh nghị (số 20, ra ngày 1-9-1942), Vũ Bội Liêu khi xác định “Người ta nhân cách hóa cả đến gió trăng, cây cỏ, cùng các vật vô tri vô giác”, “Cây cối, hoa cỏ, mây nước, trăng gió, các vật vô tri vô giác đều được thi sĩ đem ra nhân cách hóa. Những vô sinh vật trở nên có linh hồn, có tư tưởng và biết hành động như người”…; và đi sâu phân tích dòng cảm xúc: “Gió lặng thổi, mây ngừng trôi, sóng im tiếng vỗ để lắng tai nghe nhời nói của nữ nhân hay “tiếng trúc tuyệt vời” thổn thức với lòng thổn thức của người thiếu nữ” kèm theo chứng dẫn thơ Bà Huyện Thanh Quan, Lamartine, Thế Lữ và chính thơ Đỗ Huy Nhiệm:

Cơn gió đìu hiu lướt mặt hồ,

Thổi rơi xuống nước chiếc hoa khô;

Giật mình, làn nước cau mày giận,

Tan cả vừng trăng tỏa lững lờ”...

Nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm (nguyên họ Hồ) quê gốc ở Phú Yên nhưng không rõ ở làng xã nào? Gia tộc ông, cha mẹ ông ra sao mà sinh ông trên đất Nam Định và đủ điều kiện cho ông ăn học? Có cách nào truy tìm trong hồ sơ lưu trữ Sở Trước bạ Hà Nội năm xưa mà xác định nhân thân Đỗ Huy Nhiệm? Ông có gia đình không, có người đồng nhiệm và bạn văn nào mà sao chẳng thấy ai nhắc nhớ đến ông? Chẳng biết ông sương gió phương nào nhưng vẫn còn đây trong Thi nhân Việt Nam hai bài thơ theo lối thất ngôn tứ tuyệt và một bài thơ dài lối bảy chữ. Bài Đìu hiu đã từng in trên Hà Nội báo:

Cơn gió đìu hiu lướt mặt hồ,

Thổi rơi xuống nước chiếc hoa khô.

Giật mình, làn nước cau mày giận,

Tan cả vừng trăng tỏa lững lờ.

Bài Hoa tủi tuyển in lại từ tập thơ Thiên diễm tuyệt:

Vườn xuân, nắng mới, mai đương đẹp.

Em lạnh lùng qua, chẳng đoái hoài.

Em hỡi! Vô tri hoa biết tủi:

Đầm đìa châu lệ, hạt sương mai.

Còn lại bài thơ Say đã in trên Tiểu thuyết thứ Năm gồm 10 khổ thơ, ở đây xin dẫn đoạn kết:

Trăng đã lên cao. Rượu cạn rồi,

Cả nàng đã đẫm cả hồn tôi.

Ngày mai rượu hết nghiêng hồ rỗng,

Vét chút hương còn ép sát môi.

Người đương thời Thơ mới đã khách quan ghi nhận Đỗ Huy Nhiệm như một tiếng thơ sâu lắng, khơi nguồn cảm xúc mới bằng những vần thơ truyền thống, cốt cách ở ý thức cá nhân và dung dị trong câu chữ, trần tục ở đề tài và cao sang trong mộng tưởng hồn yêu. Qua trường hợp Đỗ Huy Nhiệm có thể nói đã có “Một thời đại trong thi ca” và cũng có “Một thời đại trong phê bình thi ca” xuất hiện ngay giữa đương thời phong trào Thơ mới.

 

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn

NỔI BẬT TRANG CHỦ