• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Đoàn Phú Tứ

05/10/2012 10:40

(Toquoc)- Vào giai đoạn đương thời Thơ mới, Đoàn Phú Tứ hiện lên khá khiêm nhường trong tư thế tác giả một bài, nhà thơ một bài, nhưng đó lại là thi phẩm độc đáo, đặc sắc, có tầm ảnh hưởng sâu rộng.




(Toquoc)- Đoàn Phú Tứ vốn quê ở thôn Tử Nê (xã Minh Đạo, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) nhưng sinh tại Hà Nội và có bằng tú tài Tây. Ông viết từ khúc đăng trên báo Đông Pháp từ năm 1925. Đương thời phong trào Thơ mới, ông có thơ in trên các báo Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, Thanh nghị, Tinh hoa và tham gia chỉ đạo nhóm Xuân thu nhã tập… Trong Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942), Hoài Thanh - Hoài Chân chỉ tuyển duy nhất một bài Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ (in trên báo Ngày nay, số Tết 1940), đồng thời chính tác giả cũng đưa in lại trong Xuân thu nhã tập và được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc (Xuân Thu thư lâu xuất bản, H., 1942)… Nhìn rộng ra, ngoài Hoài Thanh - Hoài Chân, hiện tượng thơ Đoàn Phú Tứ còn được các nhà phê bình như Diệu Anh (Đinh Gia Trinh), Vũ Bội Liêu, Trúc Hà, Kiều Thanh Quế… cùng quan tâm tìm hiểu, luận bình.

Trong lời giới thiệu Một thời đại trong thi ca mở đầu sách Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân nêu ý kiến khái quát: “Cái kín đáo của thơ Pháp gần đây tôi còn thấy ở Đoàn Phú Tứ (…). Nói tóm lại, phong trào Thơ mới đã vứt đi nhiều khuôn phép xưa, song cũng nhiều khuôn phép nhân đó sẽ thêm bền vững. Hẳn tương lai còn dành nhiều vinh quang cho những khuôn phép này. Nó đã qua được một cơn sóng gió dữ dội trong khi các khuôn phép mới xuất hiện đều bị tiêu trầm như thơ tự do, thơ mười chữ, thơ mười hai chữ, hay đương sắp sửa tiêu trầm như những cách gieo vần phỏng theo thơ Pháp”, từ đó chú thích và chứng dẫn qua trường hợp thơ Đoàn Phú Tứ đặt trong tương quan so sánh với thơ Xuân Diệu:

Tiếng ta có bằng trắc rõ ràng. Nhiều khi chỉ đổi thanh cũng đủ không cần vần. Đọc mấy câu này của Đoàn Phú Tứ:

Duyên trăm năm đứt đoạn

Tình một thuở còn hương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát.

có ai ngờ là những câu không vần. Còn như trong mấy câu này của Xuân Diệu:

Đây, đây thơ e ấp đã lâu rồi

Chìm trong cỏ một vườn hoa bỏ vắng;

(Lòng tôi đó: một vườn hoa cháy nắng)

Xin lòng người mở cửa ngó lòng tôi...

giá thay chữ “tôi” cuối câu thứ tư bằng một chữ gì khác không dấu đọc lên vẫn êm. Đại khái gieo vần phỏng theo thơ Pháp đều thừa như thế, mà lắm khi lại còn làm mất cả âm điệu bài thơ”…

Trong phần bình luận về “tác giả một bài” Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ (đồng hạng số bài với Thúc Tề, Vân Đài, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Hằng Phương, Mộng Huyền), Hoài Thanh - Hoài Chân dẫn giải:

“Hẳn có kẻ ngạc nhiên thấy Đoàn Phú Tứ trong quyển này. Người ta vẫn nghĩ Đoàn Phú Tứ chỉ có tài viết kịch và diễn kịch. Nhưng thơ hay không cần nhiều. Đoàn Phú Tứ chỉ làm có dăm bảy bài mà hầu hết là những bài đặc sắc. Ấy là một lối thơ rất tinh tế và rất kín đáo. Thi nhân ghi lại bằng những nét mong manh những cảm giác rất nhẹ nhàng. Người xem thơ cũng biết rằng đây là hình ảnh một đôi mẩu đời, nhưng hình ảnh mờ quá không thể đoán những mẩu đời kia ra thế nào. Có khi, cả ý nghĩa bài thơ cũng không hiểu rõ.

Nhiều người khi làm thơ chỉ biết có mình, không giấu giếm gì hết; thơ làm ra in lên báo lên sách thì được, nhưng không thể đưa đọc trước người khác vì quá sỗ sàng. Đoàn Phú Tứ không thế. Tôi tưởng Đoàn Phú Tứ có thể đọc thơ mình trước mọi người mà không sợ ngượng”.

Từ đây hai nhà phê bình dẫn lại nguyên văn bài thơ, thực hiện chú giải và cẩn thận viết thêm lời bình như một biệt lệ:

Màu thời gian(1)

 

Sớm nay tiếng chim thanh

Trong gió xanh

Dìu vương hương(2) ấm thoảng xuân tình

                                     *

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần phi(3)

Ta lặng dâng nàng

Trời mây phảng phất nhuốm thời gian(4)

                                     *

Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngát(5)

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh(6)

                                     *

Tóc mây một món chiếc dao vàng(7)

Nghìn trùng e lệ phụng(8) quân vương

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng(9)

                                     *

Duyên trăm năm đứt đoạn

Tình một thủa còn hương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát(10)

(Ngày nay)

Chú:

(1) Không ai ngờ một cái đầu đề có tính cách triết học như thế lại dùng để nói một câu chuyện tâm tình.

(2) Hãy để ý cái âm điệu vương vấn của mấy chữ này.

(3) Thi nhân mượn sự tích người xưa để giữ vẻ kín đáo cho câu chuyện. Xưa có người cung phi, nàng Lý phu nhân, lúc gần mất nhất định không cho vua Hán Võ đế xem mặt, sợ trông thấy nét mặt tiều tụy vua sẽ hết yêu. Cái tên Tần phi thi nhân đặt ra vì một lẽ riêng.

Ngàn xưa không lạnh nữa: Chuyện xưa đã hầu quên nay nhớ lại lòng lại thấy nôn nao.

(4) Thi nhân muốn nói dâng hồn mình cho người yêu. Song nói như thế sẽ sỗ sàng quá. Và người thấy mình không có quyền nói thế, vì tình yêu ở đây chưa từng được san sẻ. Nên phải mượn cái hình ảnh “trời mây phảng phất nhuốm thời gian” để chỉ hồn mình. Chữ “nhuốm” có vẻ nhẹ nhàng không nặng nề như chữ “nhuộm”. Chữ “dâng” hơi kiểu cách.

(5) Người Pháp thường bảo thời gian màu xanh. Nhưng thi nhân nhớ lại thời xưa, hồi người đương yêu, cứ thấy màu thời gian tím ngắt vì người riêng thích một thứ hoa tím, và màu hoa lẫn với màu yêu.

(6) Hương thời gian là hương thứ hoa kia mà cũng là hương yêu, một thứ tình yêu qua đã lâu rồi, nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng.

(7) Nàng Dương Quý Phi lúc mới vào cung, tính hay ghen, bị Đường Minh Hoàng đưa giam một nơi. Nhưng nhà vua nhớ quá sai Cao lực sĩ ra thăm. Dương Quý Phi cắt tóc gửi vào dâng vua. Vua trông thấy tóc, thương quá, lại vời nàng vào cung.

Đoàn Phú Tứ hợp chuyện này và chuyện Lý phu nhân làm một và tưởng tượng một người cung phi gần mất không chịu để vua xem mặt chỉ cắt tóc dâng, gọi là đáp lại trong muôn một mối tình trìu mến của đấng quân vương.

Ở đây không có chuyện cắt tóc nhưng có chuyện khác cũng tương tự như vậy.

(8) Chữ “phụng” rất kín đáo, chữ “dâng” sẽ quá xa vời, chữ “tặng” quá suồng sã.

(9) Ý nói: thà phụ lòng mong mỏi của chàng, còn hơn gặp chàng trong lúc dung nhan tiều tụy để di hận về sau.

(10) Tím ngát tả đúng mối tình dìu dịu. Tím “ngắt” sẽ đau đớn quá.

Bình:

Nói về toàn thể nên chú ý đến điệu thơ. Bài thơ bắt đầu bằng những câu dài ngắn không đều: âm điệu hoàn toàn mới. Kế đến bốn câu ngũ ngôn cổ phong, một lối thơ cũ mà các thi nhân gần đây cũng thường dùng. Bỗng chuyển sang thất ngôn: điệu thơ hoàn toàn xưa. Lời thơ cũng xưa với những chữ “phụng quân vương” và những chữ láy lại ở câu Kiều: “Tóc mây một món dao vàng chia hai”. Nhưng với hai câu thất ngôn dưới thi nhân đã từ chuyện người xưa trở về chuyện mình. Những chữ “thiếp phụ chàng” đưa dần về hiện tại. Rồi điệu thơ lại trở lại ngũ ngôn với hương màu trên kia.

Thành ra ý thơ, lời thơ, điệu thơ cùng với hồn thi nhân đi từ hiện tại về quá khứ, từ quá khứ gần đến quá khứ xa, rồi lại dần dần trở về hiện tại. Hiện tại chỉ mờ mờ nhạt nhạt, nhưng càng đi xa về quá khứ, câu thơ càng thiết tha, càng rực rỡ. Nhất là chỗ từ ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn câu thơ đẹp vô cùng. Tôi tưởng dầu không hiểu ý nghĩa bài thơ người ta cũng không thể không nhận thấy cái vẻ huy hoàng, trang trọng của câu thơ (Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có đưa phổ bài thơ này vào đàn. Đoạn đầu bài nhạc đi rất mau, rồi chậm dần. Đến đoạn thất ngôn nhạc lên giọng majestuoso. Cuối cùng còn thêm một đoạn láy lại âm điệu mấy câu đầu).

Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế”…

Cũng chính trong năm này, Đoàn Phú Tứ với vai trò “chủ biên” trong nhóm sáu nhà nghệ sĩ cùng tham gia viết XuânThu nhã tập (1942) với tôn chỉ: “Dưới bóng Xuân Thu sẽ thực hiện Trí thức, Sáng tạo, Đạo lý"; cùng Phạm Văn Hạnh và Nguyễn Xuân Sanh viết mục Thơ; cùng Phạm Văn Hạnh và Nguyễn Lương Ngọc viết mục bài Trí thức; lại cùng Phạm Văn Hạnh viết bài Nhạc điệu… Riêng một mình Đoàn Phú Tứ đã viết mục bài Thanh khí với ý nguyện mong tìm sự đồng cảm, hòa hợp giữa những tấm lòng thi sĩ:

“Một điều nghĩ đã ghi trên một mẩu giấy: “Cái lầm lỡ nhất của loài người, tai hại nhất và bi thảm nhất, có lẽ là cuộc đi tìm hạnh phúc” - André Gide cũng lầm nốt: “Que l’homme est né pour le bonheur, certes toute la nature l’enseigue” (Les Nouvelles Nouritures). Cái lầm ấy đã làm bao nhiêu cuộc đời trở nên bao nhiêu tấn thảm kịch. Người ta cuồng dại xô nhau đi tìm hạnh phúc, cái mầm đau khổ.

“Ta muốn quan niệm một cuộc sống không lấy hạnh phúc làm đích.

“Sống, đó là một sự đương nhiên. Kẻ hiền giả phải tìm cách sống cho xứng đáng, phong phú, nhịp nhàng với cuộc sống lớn của vũ trụ, cao quí và đường bệ.

“Không còn chút trang trọng gì nữa, không còn vẻ vang thanh quý gì nữa, cái cảnh một con người, đáng lẽ đường bệ xiết bao! quỳ, khóc, kêu, gào, van xin hạnh phúc ở những đấng chí cao mù mịt nào trong tâm hồn.

“Trong cuộc sống của hiền giả trong trẻo, nhịp nhàng và sáng sủa, tất nhiên lấp lánh bao nhiêu hạnh phúc, như sao trên trời quang. Mà hạnh phúc, thực chỉ nên và chỉ có thể quan niệm như những đốm sao lấp lánh. Tìm một cõi phúc sáng lộng như mặt trời, ôi ảo tưởng!

“Sống, đó là tất cả bí quyết của cuộc sống. Đạt được, an nhàn bao nhiêu!”.

Một điều nghĩ đã bao lâu nay gieo âm thầm trong tâm tưởng, và đã giục tôi tìm người đồng điệu, để cùng dắt tay nhau tìm một nguồn sống “trong trẻo, nhịp nhàng và sáng sủa”.

Tôi đã cùng các bạn tìm thấy con đường tốt đẹp. Đã tan rồi, những niềm khắc khoải. Chung nhau cùng một lỗi băn khoăn: xây đền Thơ Nhạc để điều hòa nhịp sống của tâm hồn.

Tôi và các bạn,- đã bao lâu rồi!- tay cầm tay, cùng tha thiết một điều nguyện, cùng ấp ủ một tâm thành.

Đền đã xây, “Thơ” đã bao trùm Vũ trụ, “Đàn” đã văng vẳng xuân thu.

Còn những bạn nào nữa ở đây, ở những bến trời xa lạ, cùng chúng ta “giũ áo lên Đền”, trong một điệu đàn thanh khí”…

Tiếp theo là mục bài Thiên chức kèm theo lời đề từ “Tự giác nhi giác tha” (Phật) nhằm tôn vinh cái đẹp và năng lực truyền cảm của nghệ thuật:

“TÔI là gì?

Tôi biết gì?      

Trời đất bao la, con người chẳng qua như “cỏ nội hoa hèn”. Từ thuở mịt mù nào cho đến ngày không bao giờ sẽ tới, sóng gió không ngừng trong vũ trụ, mà ta chỉ là hình bóng mập mờ của một mảy cát bụi mong manh tan biến trong một khoảnh khắc thoảng như không.

Nhưng khoảnh khắc đã thành, và trong mảy may cát bụi đã có muôn đời sóng gió. Sức sống dào dạt không cùng đã toàn hiện trong thân hình bé mọn; muôn ngàn số kiếp luân hồi, trong giây phút đã tụ lại để thành ta.

Phút giây đã gồm thâu vĩnh viễn.

Và, trong (phút giây vĩnh viễn) TA đã là TẤT CẢ, và Tất cả đã bừng sáng hoang toang trong Ta.

Nhưng, tôi là gì? Và tôi biết gì?

Từ cái “tôi” dày đặc, tối tăm biến trong khảnh khắc đến cái “ta”sáng suốt, không cùng, đã làm một cuộc giải phóng, một sự giác ngộ.

Trước khi sinh, ta đã có tự bao giờ, trong sức sống vô cùng tận của tạo vật, - và ta vô hình tức là ta vô hạn. Từ lúc có hình thể con người, ta đã bắt đầu nằm thu trong cái vỏ nhất thời, mỗi ngày một dày đặc, cách biệt ta với vạn vật. Và ta đã thành tôi riêng chiếm một khu đời chật hẹp, đối phó với những cái tôi khác, với sự vật bên ngoài. Bao nhiêu nhu cầu, bao nhiêu cá tính đã làm cho những cái tôi khác nhau ngày càng cách biệt. Một dòng khí huyết đã tách ra từng giọt riêng và những anh em cùng cha mẹ đã biệt lập, mỗi người một cảnh đời một cõi sống. Mỗi người một bổn phận, không còn chung lẫn như hồi ngây dại.

Từ cái thế duy nhất đã chuyển sang cái thế song lập: tôi với đối phương là vạn vật, là tất cả những cái gì không phải tôi. Tôi đã tự xây dựng một bức thành bao kín, mỗi ngày một dày, một kiên cố, bưng bít mịt mùng như dinh cơ một nhà phú hộ quê, như một nhà hầm chôn của, ai có nhớ chuyện người hà tiện trong tiểu thuyết Pháp, một đêm kia chết thảm trong hầm đá tự xây?

Tôi đã thu tròn trong kén, như con tằm tự vương mãi dây oan.

Ôi! hẻo lánh là chừng nào! Hiu quạnh là chừng nào! Mịt mù thảm thiết!

Song con tằm vẫn nhớ ngàn dâu, đã tìm đường thoát kén.

Và trong vòng lao túng, ta vẫn nhớ cõi Vô Cùng, và đã tìm cách cảm thông với nguồn Đời Vô Tận. Cái tôi trần tục, cái tôi nặng duyên kiếp, còn nằm trong vỏ kín, mà ta đã giác ngộ, đã giải thoát, hòa lẫn với khinh thanh, rung động nhịp nhàng với Nhạc Thiên thu, theo Điệu tuyệt vời và tuyệt đối.

Thoát cái tôi dày đặc tối tăm, ta đã sáng suốt vươn tới cõi vô cùng bằng Tinh yêu, bằng Thơ, bằng Tin tưởng.

Trí khôn vụn vặt, lòng vụ lợi, tính vị kỷ của cái tôi ti tiểu và ô trọc đã tan trong phút giây; toàn thân ta chỉ còn là rung động, như chiếc đàn muôn dây và vô vàn cung bậc.

Trên cặp môi bỡ ngỡ, trong đôi mắt lặng lờ chứa cả một trời gió sương; trong áng tóc não nùng trút muôn đời thương nhớ. Tâm hồn ta đã cảm thấy Cao Siêu, và đã thấm thía được chân lý của Số Mệnh.

“Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời”

muôn đời đã gồm trong một phút nghẹn ngào, thổn thức.

“Một phút hương lộng”.

 Cảnh với tình đã hợp một, Ta với sự vật đã cảm thông trong một làn rung động. Ta đã tan trong Trời Đất, Trời Đất đã nằm trong Ta.

Không lý luận, không dò xét, không ngờ vực, không dụng tâm gì cả. Ta chỉ đi thẳng tới lẽ thật bằng con đường nhịp điệu: Tình yêu, Thơ và Tin tưởng.

Ta là gì?

Ta biết gì?

- Ta là chiếc đàn muôn dây, rung theo nhịp điệu của Vô Cùng; và trên cánh Nhạc ta cảm thông với Sự thật của Trời Đất, Sự thật tuyệt đối.

Ta không là gì riêng biệt. Ta là Tất cả.

Tất Cả đã rung động trong Ta.

Ta đã là chiếc đàn văng vẳng Nhạc muôn đời. Ta cũng là cánh hoa ngoài đồng nội, nở theo nhịp sống tuyệt vời.

Và ta đã tự nhiên có một thiên chức:

Thiên Chức của cây đàn. Thiên chức của đóa hoa”...

Ngay sau khi Xuân thu nhã tập được xuất bản, Diệu Anh Đinh Gia Trinh kịp thời có ngay bài Đọc Xuân thu nhã tập trên báo Thanh nghị (số 22, ra ngày 1-10-1942), trong đó nhấn mạnh ý kiến của Đoàn Phú Tứ ở quan niệm về đạo sống và thi ca:

“… Nhóm thanh niên cùng chung một lý tưởng ấy, kẻ văn sĩ, người nghệ sĩ, cùng nhau hợp tác tạo nên một quyển sách đặc biệt. Các bạn thanh niên ấy say sưa trong một tin tưởng và con đường mới. Ta thấy tất cả cái vui sướng, hăng hái và nhiệt thành của những tâm hồn đã tìm thấy đạo sống. Họ muốn sống “trong trẻo, nhịp nhàng và sáng sủa, sống một đời sống thơ, đẹp, cũng là nhạc” (Đoàn Phú Tứ - Thanh khí: xây đền thơ nhạc để điều hòa sự sống của tâm hồn). Họ vứt những gai góc xưa nay đã trùm vây những cuộc đời yên lặng, những ràng buộc, để “nhìn cao bốn phương trời” (Nguyễn Lương Ngọc - Thanh khí). Đạo sống mới là gì? Là sáng tác trong mọi phạm vi nghệ thuật, là với tới những cái cao, trong, là đi hàng tiên phong để tìm cái Đẹp...

… Bài tiểu luận “Thơ” ký tên Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh là một trong những bài có giá trị trong Xuân Thu nhã tập, có thể nói là một công trình tư tưởng có ý vị bậc nhất trong thời đại. Bài tiểu luận “Thơ” phát biểu những quan niệm, những phương pháp để thực hành cái phần “tiểu thừa” trong chương trình của nhóm thanh niên nghệ sĩ tác giả Xuân Thu nhã tập: gây một nghệ thuật thơ thích hợp cho Việt Nam, “tìm con đường thực nối liền nguồn gốc xưa với những ước vọng nay. Gọi về những tính cách riêng của ta, để có thể xuôi chảy trong cái giòng sống thực của ta” (Quan niệm, tr.12).

Thơ là “cái gì siêu thoát, ra ngoài ước lệ, ở trên lý trí, nó rung động ta theo nhịp vũ trụ, hồn nhiên, nó hòa hợp ta trong cái Đẹp và ấp ta nằm trong Sự thật. Thơ là cái gì trong trẻo, thuần túy”. Ảnh hưởng của Thơ với tâm hồn người đọc? Nó “Chiếm đoạt ta tất nhiên, hoàn toàn, tức khắc”, nó cảm ta trực tiếp, theo con đường thẳng, không qua cái quanh co phiền phức của thông hiểu lý trí. Cái rung động trong Thơ làm ta rung động đột nhiên trước khi não ta tìm hiểu xem xem thơ nói gì, kể gì... Bởi nhạc điệu, bởi sự hòa hợp âm thanh, bởi màu sắc của hình ảnh, tức khắc lời thơ đọc lên “mê hoặc” ta, làm ta đắm say. Cốt thơ chính là có cái năng lực cảm hóa ấy, cái năng lực làm người ta rung động bằng “nhạc”, bằng “nhịp nhàng”; không cần phải nhờ những lợi khí của trí não (intelligence) để giúp đỡ. Văn ưa giãi bày xếp đặt, kể lể rõ rệt, có đầu mối để làm hài lòng trí não. Thơ vụ thuần túy, dùng con đường trực giác, đánh thẳng vào những dây tế nhị của con tim. Tính chất “văn” vụ ích lợi, tính chất “thơ” vụ đẹp. Thơ là “tính chất hàm súc, tiềm thức, thuần thúy”. Thơ có thể thấy trong tất cả các ngành nghệ thuật, thơ tiềm tàng, tản mác trong vũ trụ: thơ trú ngụ bất cứ ở đâu, khi có trong trẻo, nhịp nhàng, rung động. Thi sĩ là người “khơi nguồn lưu thông cái run rẩy huyền diệu của Thơ”, mình cảm, mình rung động, rồi lựa lời, lựa âm thanh, điều hòa mầu sắc làm người ta cảm, người ta rung động, đem cái “run rẩy huyền diệu” làm tràn sóng sang người đọc.

Vậy thì kẻ đọc thơ muốn tận hưởng cái đẹp của thơ trước hết phải có năng lực thụ cảm để đón cái rung động cho tràn lan vào tâm hồn mình, “Người đọc muốn biết cái đầy đủ trác tuyệt do một bài thơ dội vào tâm hồn... ít ra cũng phải được lên dây cùng cung bậc với cây đàn, với thi sĩ, với tình nhân. Người đọc cũng phải có chất thơ, có cốt đàn, có nòi tình”. Nhưng muốn đón cái rung động ấy thì chớ có mở những cửa không giao thông. Chớ hỏi một bài thơ trước khi đọc: “Người kể gì đấy? Để tâm hồn ta “cảm thông bằng tuệ giác, để các giác quan ta tự phóng trong cảm giác, và để cảm giác xâm chiếm tâm hồn, đột gây rung động”, “Độc giả phải theo con đường thẳng của thi sĩ, sẽ thấy được thơ, cái gì thật là thơ, sẽ thấy trong tuệ giác cái đầy đủ tuyệt vời” (Thơ, tr.32). Không cần phải tìm nghĩa xuôi của câu thơ trước hết (tuy cái nghĩa xuôi đó ta vẫn có thể tìm sau khi cảm). Thơ không cần phải sáng sủa dễ hiểu (hiểu bằng lý trí), vì sáng sủa là một bước tính cần phải có khi giảng giải, kể lể, mà thơ không muốn kể lể, dẫn giải chi cả.

Có rung động là có thơ. Cái gì gợi sự rung động ấy, truyền lan nó, là bài thơ. Nàng Thôi Oanh Oanh để ngụ cái tình của nàng với Trương Quân Thụy trong những vết chân trên cát. Những vết chân ấy là một bài thơ. Người rung động trước những vết chân ấy Quân Thụy là thi nhân, kẻ đã tạo nên “bài thơ cát” (Nàng Thôi) là thi sĩ. Thi sĩ truyền lan, thi nhân hấp thụ...

Thơ hiểu theo nghĩa cao đẳng không phải chỉ ở trong địa hạt thơ theo nghĩa hẹp, thơ bằng lời có vần, có điệu. Ta có thể tìm thấy thơ ở bất cứ thể văn chương nào, khi ta thấy “hàm súc cái rung động siêu thoát”. Duy thơ (theo nghĩa hẹp) dùng vần, điệu, có lợi khí tốt hơn để ghi, để truyền cái chất của thơ.

Tính chất của thơ, là tính cách hàm súc, tổng hợp. Thơ cổ của Á Đông vẫn có những tính cách ấy. Ngôn ngữ, cú pháp Á Đông lại thích hợp để làm thực hiện những tính cách ấy. Thơ ấy “gợi” hơn là “tả”. Trong lịch sử thơ Pháp, sau cái sáng sủa của thơ cổ điển, thơ lãng mạn, dần dần người ta đạt tới cái uẩn súc, cái huyền bí trong thơ tượng trưng, người ta đã gặp Á Đông. “Cái mà thời nhân có thể cho là hấp thụ của phương Tây, thì người Á Đông ta có cái trí cổ sơ, trực giác ngay từ lúc đầu, nhờ một ngôn ngữ từ đặc biệt” (Thơ, tr.34).

Vậy nhà thơ Việt Nam chỉ cần “trở lại nguồn ta”, đó là chính đạo.

Đó là cả một luận thuyết về thơ mà ta đã tóm tắt lại. Đó là một quan niệm về thơ tuy muốn ta tin rằng chỉ làm cho rõ rệt một quan niệm xưa, nhưng rất đặc biệt ở trường lý thuyết văn học Việt Nam, vì nó chống đỡ, bênh vực cho một nghệ thuật thơ không vụ sáng sủa, chỉ vụ nhịp nhàng và khêu gợi theo những con đường mà trí não không quen dùng. Nó đem vào trường bàn luận vấn đề một nền thơ thuần túy, nó muốn cứu thi nghệ khỏi những xâm chiếm của óc “văn”, chia “văn” và “thơ” không những bằng hình thể khác nhau, nội dung khác nhau, bằng những con đường của linh hồn khác nhau để thông hiểu và cảm xúc. Verlaine đã dành cho văn cái phần hữu thức sáng suốt của tâm hồn (le conscient), giữ cho thơ cái phần tiềm thức, u huyền (le subsconscient, l’ inconscient). Thơ sẽ diễn đạt những cái gì văn không diễn đạt nổi.

Giữa lúc người ta chỉ biết, chỉ thưởng thức thơ sáng sủa, một lý thuyết bênh vực thơ “tối nghĩa” thực có dáng điệu một cuộc cách mạng về nghệ thuật. Nhưng bài luận về “Thơ” đã phô bày trong một thể mãnh liệt và khéo léo những tư tưởng mà người ta phải công nhận là có giá trị. Ý tưởng chính của bài ấy là: nhà thi sĩ sẽ dùng lời thơ gợi, truyền lan cái rung động mà ý cảm thấy bằng một cách trực tiếp, đi thẳng đến tuệ giác (l’ intuition, la connaissance immédiate). Thường thường thì một câu thơ thường kể một cái gì: một tình, một ý. Musset giãi bày cái thất vọng của chàng trong tập Les Nuits. Đọc những thơ tả nỗi đau thương ấy ta hiểu căn nguyên của nỗi đau, độ sâu xa của khổ sở. Lòng ta rung động. Giá nếu thi sĩ tả một niềm vui thì ta lại rung động cái vui ấy. Nhưng ta chớ tưởng thơ chỉ có thể cảm ta khi nào ta hiểu những tình hình diễn ra trong thơ. Hãy lấy thí dụ trong âm nhạc. Mỗi cây đàn (không phải một câu hát) mang một ý nghĩa, chỉ là sự liên tiếp phối hợp của một chuỗi âm thanh. Những âm thanh ấy nó có “nói” một ý, một tình gì đâu? Thế mà khi một nhạc sĩ dạo nó lên (nhạc sĩ tựa thi sĩ), ta rung cảm (người nghe tựa thi nhân). Và mỗi thính giả sống một bầu trời mộng của họ. Lời thơ tuy không giống hẳn lời đàn (mỗi tiếng mang một ý nghĩa của nó), nhưng suy như trên ta có thể nói rằng thuyết lấy âm thanh của tiếng, âm điệu của câu để làm rung động người ta, không cần kể lể một điều gì rõ rệt không phải là vô lý”...

Từ đây Diệu Anh Đinh Gia Trinh khơi gợi ý nghĩa bản nhạc Nguyễn Xuân Khoát phổ thơ bài Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ và nhấn mạnh vị thế của cả tập sách:

“Ta đã nói về thơ trong Xuân thu nhã tập, tập Xuân thu còn có một bản nhạc của ông Nguyễn Xuân Khoát, một bức họa của ông Nguyễn Đỗ Cung. Bản nhạc Mầu thời gian, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã soạn dựa vào lời thơ của ông Đoàn Phú Tứ. Tôi đã được nghe dạo bản đó và nhận rằng nó là một công trình biên soạn có giá trị. Ở những nhịp đầu, đàn êm, mát, nhẹ nhàng, vương vấn. Tới nhịp 37, đàn mạnh tiếng lên Majestuoso, tiếng nóng “ấm, diệu huy hoàng”. Rồi đến nhịp 50, đàn đổi độ chuyển vận, tiếng đàn nhỏ dần dần, làm truyền lan cái “ngát” của thời gian, cái mông lung bát ngát của thi sĩ cảm. Điệu đàn có tính cách Á Đông. Bức họa của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung chẳng tả một vật gì rõ rệt cả. Mầu dịu hòa hợp với nhau, cho ta cảm thấy như một cái gì nhịp nhàng, êm ái phảng phất, như một bông sen tỏa hương, như một ý cầu nguyện.

Trừ công trình của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, tuy trong cái quan niệm đại cương về sáng tác, về nhạc điệu, diễn trong Xuân thu nhã tập đàn gợi nhiều tả ít - nhạc cách có nhiễm vị Á Đông nhưng không hẳn là một công trình tượng trưng về phương diện kiến trúc), thì các tác phẩm trong tập Xuân Thu đều được tạo trên những quan niệm mà các ông Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh và Phạm Văn Hạnh đã diễn trong bài luận về Thơ. Các tác giả Xuân thu nhã tập cùng chung một tín ngưỡng, cùng thờ một đạo sáng tác

… Có một phần tư tưởng trong Xuân thu nhã tập đáng coi là phần siêu lý thuyết. Về những chi tiết: sống đời của hiền giả, xứng đáng phong phú và trong trẻo, cũng không vụ lợi để đời mình cũng như một bài thơ (Thanh khí - Đoàn Phú Tứ). Sống để sáng tác để làm trí giả. Luôn luôn ở hàng tiên phong (Trí thức - Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc). Để đạt tới trí thức, để tiến bộ ta hãy “tĩnh tụ”, “nhập thiền” (Tĩnh tụ - Nguyễn Lương Ngọc)…

Xuân thu nhã tập viết với rất nhiều tâm thành và nhiều nghệ thuật, là một quyển sách sẽ khiến kẻ đọc suy nghĩ nhiều. Nay giở mấy trang, mai giở mấy trang, đọc đi đọc lại mỗi bài hai ba lượt, mỗi lượt đọc lại thấy thêm ý vị của một vài tư tưởng. Gấp cuốn sách lại ta thấy kính trọng nó và tự nhiên ta để nó vào một chỗ danh dự trong tủ sách hứa rồi đọc lại. Quyển sách như đựng tinh hoa của một ít tâm hồn, có người ưa đọc nó (vì nó không hiến món văn chương dễ dãi), nhưng đã đọc nó cũng thấy yêu nó dù có phải e dè trước một vài táo bạo của tác giả”...

Rồi trong bài Mỹ từ pháp trong văn chương Pháp và Việt Nam cũng in trên tạp chí Thanh nghị (số 24, ra ngày 1-11-1942), Vũ Bội Liêu triển khai và minh chứng rõ thêm lời bàn của Đoàn Phú Tứ về vấn đề “Nhạc điệu trong thơ”:

“Ông Đoàn Phú Tứ trong bài Âm thanh (Thanh nghị ler Juin 1942) bày tỏ rằng trong tiếng nói Việt Nam, một số gần nửa đã được kết tạo theo định luật rất rõ rệt này: “Âm thanh vốn có năng lực diễn tả tình ý”. A. de Piris (1785) bên Pháp trong quyển Harmonie imitative de la langue francaise cũng biện chứng rằng tiếng Pháp có năng lực tượng thanh và tượng hình rất lạ lùng. Theo tác giả, không có tiếng gì mà không miêu tả được bằng âm thanh. Đây là tiếng rắn phun:

“Pour qui sonl ces serpents qui sifllent sur vos te’es” (Racine).

Tiếng thác chẩy trong một bài văn của Chateaubriand:

“On entendait les sourds mugissements de la cataracte du Niagara qui se prolongeaient de déseri en déseri et se perdaient à travers les forêts solitaires”.

La Fontaine và cụ Nguyễn Du đã dùng cùng một lối để tả cái xe ngựa khó nhọc, nặng nề tiến trên con đường gồ ghề, khúc khuỷu:

… Le coche arrive au haut

Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh.

Hai câu sau này cho ta nghe tiếng một cái xe đang tung bụi ầm ầm chạy như bay:

Đùng đùng gió giục mây vần,

Một xe trong cõi hồng trần như bay.

(Kiều)

Và sau cùng, đây là tiếng gáy buổi sớm của chim sơn ca:

“La gentille alouette avec son tire - lire, tire l’ire à l iré, et tire - liranl lire vers la voule duciel; puis son vol vers ce lieu Vire el dèsire dire: Adicu, Dieu adieu, Dieu”…

Lối “nghĩ âm hòa điệu” bằng tượng thanh chỉ là một cái tiểu xảo trong văn chương. Nhạc điệu thường tạo nên do cách khéo lựa chọn âm thanh và tiết điệu.

Vì đã thoát khỏi những khuôn phép trật trội và nghiêm khắc trói buộc tư tưởng nên các nhà thơ mới có thể chọn được âm thanh để tả hình, tả tiếng. Họ đã biết dùng những tiếng mạnh mẽ để tả những “cảnh vĩ đại sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ”, những tiếng nhẹ nhàng êm ái để vẽ “nét mong manh, thấp thoáng cánh hoa bay”…

Từ phương Nam, nhà phê bình Trúc Hà cũng mau chóng cập nhật đời sống văn chương với bài Giới thiệu sách Xuân thu nhã tập trên Nam Kỳ tuần báo (số 11, ra ngày 12-11-1942) và xác định những đóng góp của Đoàn Phú Tứ trong dàn đồng ca nghệ sĩ:

“Nếu ai có để ý đến tình trạng văn giới nước nhà gần đây, tất nhận thấy một sự thay đổi mới mẻ. Loại sách khảo cứu rất được hoan nghênh. Sách khảo cứu bán chạy hơn tiểu thuyết. Nguyên nhân gì tạo nên sự thay đổi đó? Ở đây, tôi không cố ý xem xét vấn đề ấy. Tôi chỉ đưa ra một điều nhận xét. Và thêm một điều này nữa: nhiều nhà xuất bản và nhà văn lo cống hiến cho độc giả loại sách khảo cứu. Theo tôi, đó là một chuyện đáng mừng cho sự gây dựng nền học thuật Việt Nam. Nhưng, trước khi được mừng trọn, tôi thấy có chỗ đáng tiếc. Là phần nhiều sách khảo cứu vừa “mới ra lò” kia mách cho độc giả biết rằng tác giả không được kỹ lưỡng trong việc biên soạn.

Quyển sách, giống như món hàng, chỉ cần phải có để cung cho sự cầu. Độc giả lắm lúc bực mình trong khi hăm hở lật những trương lầm lạc.

Cho nên, nếu may mà gặp được một quyển sách nào tỏ ra một công phu dày dặn trong việc nghiên cứu, thật là một thú vị nồng nàn cho độc giả. Thú vị đó, tôi được nếm qua khi xem đến Xuân Thu nhã tập.

Tuy không phải là sách khảo cứu, nhưng Xuân Thu nhã tập phô bày cho chúng ta một công trình đáng khen ngợi của một nhóm nghệ sĩ tài hoa, trang trọng, có một quan niệm kỳ đặc về nghệ thuật. Nhóm người ấy là Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ cùng hợp tác tạo nên một mỹ phẩm khác thường là quyển Xuân thu nhã tập. Tại sao sách gọi là “Xuân thu”? Vì “Xuân thu” theo cổ tự: cỏ hoa nẩy nở dưới mặt trời, và bông lúa chín... Một biểu tượng đương nhiên, cái nhịp của cuộc sống vô cùng. Sắc xuân và hương thu. Hai mùa quá độ, uyển chuyển trong khoảng cao, trong, nhẹ...

Nếu nhan sách với ý nghĩa như thế, nhóm nghệ sĩ Xuân thu nuôi một cao vọng là đặt mình vào chỗ “cao, trong, nhẹ” để hòa với “cái Nhịp của cuộc sống vô cùng”. Mà phương tiện để đạt vọng là Nhạc và Thơ, hai nguồn rung động có thể đưa tâm hồn người ta đi cùng một điệu với sự rung động trong trẻo bao la của Trời Đất.

Nhóm người ấy là những tay thợ rất tỉ mỉ, rất tinh tế, rất công phu. Họ gọt đẽo từ chữ, trau chuốt từ câu, săn sóc từ ý. Vẻ điêu luyện trùm mất nét tự nhiên. Có vẻ vì thế mà lắm khi độc giả phải đụng đầu với những câu gò gẫm, khó hiểu. Tuy nhiên, ta không thể không chú ý đến những mẩu tư tưởng tân kỳ, sâu sắc, hoặc những chỗ phân biệt tế nhị, tinh vi.

Ở bài Thiên chức, ông Đoàn Phú Tứ phân tách cái “TÔI” với cái “TA” một cách thâm trầm, thấu đáo. Muốn cho bạn đọc thưởng thức trước một chút ý vị, tôi xin trích ra đây một đoạn dài:

“Trời đất bao la, con người chẳng qua như “cỏ nội hoa hèn”. Từ thuở mịt mù nào cho đến ngày không bao giờ sẽ tới, sóng gió không ngừng trong vũ trụ, mà ta chỉ là hình bóng mập mờ của một mảy cát bụi mong manh, tan biến trong một khoảnh khắc thoảng như không.

Nhưng khoảnh khắc đã thành, và trong mảy may cát đã có muôn đời sóng gió. Sức sống dào dạt không cùng đã toàn hiện trong thân hình bé mọn; muôn ngàn số kiếp luân hồi, trong giây phút đã tụ lại để thành TA.

Phút giây đã gồm thân vĩnh viễn.

Và, trong “phút giây vĩnh viễn”, Ta đã là Tất cả, và Tất cả đã bừng sáng hoàn toàn trong Ta.

Nhưng, tôi là gì? và tôi biết gì?

Từ cái “TÔI” dày đặc, tối tăm, biến trong khoảnh khắc đến cái “ta” sáng suốt, không cùng, đã là một cuộc giải phóng, một sự giác ngộ.

Trước khi sinh, ta đã có tự bao giờ, trong sức sống vô cùng tận của Tạo vật - và ta vô hình tức là ta vô hạn. Từ lúc có hình thể con người, ta đã bắt đầu nằm thu trong cái vỏ nhất thời, mỗi ngày một dày đặc, cách biệt ta với vạn vật. Và ta đã thành tôi riêng chiếm một khu đời chật hẹp đối phó với những cái tôi khác, với sự vật bên ngoài. Bao nhiêu nhu cầu, bao nhiêu cá tính đã làm cho những cái tôi khác nhau càng ngày càng cách biệt. Một dòng khí huyết đã tách ra từng giọt riêng và những anh em cùng cha mẹ đã biệt lập, mỗi người một cảnh đời, một cõi sống. Mỗi người một phận, không còn chung lẫn như hồi còn ngây dại

Từ cái thế duy nhất đã chuyển sang cái thế song lập: tôi với đối phương là vạn vật, là tất cả những cái gì không phải tôi. Tôi đã tự xây dựng một bức thành bao kín, mỗi ngày một dày, một kiên cố, bưng bít mịt mùng, như dinh cơ một nhà phú hộ quê, như một nhà hầm chôn của, ai có nhớ chuyện người hà tiện trong tiểu thuyết Pháp, một đêm kia chết thảm trong hầm đã tự xây?

Tôi đã thu tròn trong kén, như con tằm tự vương mãi dây oan.

Ôi! hẻo lánh là chừng nào! hiu quạnh là chừng nào! mịt mù thắm thiết!” (Xuân thu nhã tập, tr.23, 24).

Xem qua đoạn văn đó, chắc bạn đọc đoán được định ý của nhóm Xuân Thu là muốn phá vỡ “cái tôi trần tục, cái tôi nặng duyên kiếp, còn nằm trong vỏ kínđể mà trở lại với cái ta vô hạn hầu “hò lẫn với khinh thanh, rung động nhịp nhàng với Nhạc thiên thu, theo điệu tuyệt vời và tuyệt đối”. Theo họ, sự “hòa lẫn” này có thể thực hiện được “bằng Tình yêu, bằng Thơ, bằng Tin tưởng”…

… Ta thường nói một bản nhạc có thi vị. Ấy là trong Nhạc có Thơ. Và cũng thường bảo rằng một bài thơ có âm hưởng rất tốt. Ấy là trong Thơ có Nhạc. Tuy vậy, Nhạc là Nhạc mà Thơ là Thơ, hai cái ấy có tính cách riêng của nó, không thể hỗn hợp làm một được. Nhạc gợi cảm, không cần hiểu. Thơ có hiểu rồi mới cảm. Trong Thanh nghị số 22, ông Diệu Anh có viết một bài phê bình rất xác đáng về cái quan niệm lầm lẫn ấy”...

Qua năm sau, Đoàn Phú Tứ viết bài Ý nghĩa Xuân Thu nhã tập in trên tạp chí Thanh nghị (số 35, ra ngày 16-4-1943) nhằm trao đổi, giải thích, bàn rộng, bàn sâu thêm về quan niệm nghệ thuật thi ca của mình và của cả nhóm:

Xuân Thu nhã tập ra đời được ít lâu thì ở trên báo Thanh nghị, ông Diệu Anh có nhã ý viết một bài tiểu luận khá dài đ ghi những cảm tưởng của ông khi đọc tập văn ấy.

Kẻ viết mấy dòng này nhân đọc bài văn của ông Diệu Anh cũng có một vài điều nghĩ. Song vốn cũng dự một phần biên tập quyển sách nói trên, nên bấy nay ngần ngại không dám nói những điều nghĩ của mình, chỉ mong có ai nói hộ. Cho đến nay vẫn chưa ai giải thích hộ mình mấy điều thắc mắc đó, nên bất đắc dĩ phải cầm bút viết vài lời. Âu cũng là một cái bổn phận đối với những ai tri kỷ.

Trong bài phê bình của ông Diệu Anh dài năm trang báo có đến hơn 3 trang nói về vấn đề thơ trong Xuân Thu nhã tập có thể làm cho người không đọc kỹ hiểu lầm rằng Xuân Thu nhã tập là một thiên lý thuyết của một thi phái nào, hoặc của một thi pháp nào riêng. Thực ra Xuân Thu nhã tập có dành cho Thơ một địa vị rất quan trọng trong cả một hệ tư tưởng (đi từ vấn đề Tri thức đến vấn đề Đạo lý), song quan niệm Thơ trên một vị trí cao siêu, vượt hẳn ra ngoài vòng văn pháp (chứ không hề bàn cãi đến những thi pháp vô cùng biến đổi của mọi thi gia). Trong Xuân Thu nhã tập có xen lẫn vào phần nghluận, vài bài thơ, một bản đàn, một bức họa, chẳng qua chỉ là để điểm khuyết cho tập văn, thực chẳng có ý gì định chứng minh cho một lý thuyết nào. Vả chăng đó là những công trình sang tạo vô cùng tự do, vượt lên trên tất cả mọi lý thuyết, - những dịp chân thành của riêng từng tâm hồn cá nhân. Có chăng tiêu biểu được của Xuân Thu nhã tập cái ý tưởng “chân thành”.

Cố gạn lấy, trong cái hỗn độn của ngôn ngữ và của tư tưởng đương thời, một quan niệm THƠ. Một ý tưởng NHẠC, để xây đắp, trong một ngôn từ trong trẻo, một nền Tư tưởng có thng hệ, khả dĩ vạch được con đường sáng, “XUÂN THU NHÃ TẠP” đã có một ý nghĩa rõ rệt, vượt hẳn câu chuyện văn chương. Ý nghĩa đó đã được định rõ ràng đầy đủ trong một bài Quan niệm và đã được giải trọn trong mấy bài Thanh k, Thiên chức, Tĩnh t, v.v…

Mấy dòng này chỉ cốt giải hết sự ngộ nhận để cởi được mối oan khiên cho một quyển sách, và mong rằng vì đó mở thêm được vài đường thông cho quyển sách được hưởng một chút gió mát, một chút giời xanh.

Vì đâu mà năm sáu người bạn đã cùng nhau xây đắp nên quyển sách nhỏ kia? Đó là chủ đề của mấy bài Thanh k (Xuân Thu nhã tập, tr.15-22) mà bất tất ta phải nhắc lại ở đây, song ta có thể tóm được bằng một câu: MỘT CUỘC CHÂN THÀNH ĐI TÌM ĐẠO SỐNG.

Con đường tốt đẹp đã tìm thấy, và đã được vạch rõ ràng trong một bài Quan niệm: “Ta gắng đạt đến TA theo những đường nhịp nhàng: Văn chương Nghệ thuật, và bao trùm hết cả, Thơ (- Lòng yêu - Lòng tin)… Tới cái Ta thuần túy: tri thức tuyệt vời và tuyệt đối (tr.11).

Sống theo cái Nhịp của Trời Đất, mà cái biểu tượng đương nhiên và tốt đẹp nhất, là hai mùa Xuân và Thu lan chuyền. Nên lấy hai chữ XUÂN THU làm biểu hiệu cho cái Nhạc của Vũ trụ.

Làm sao tới được cái Nhạc kia? - Bằng cách cảm thông với Trời Đất, bằng cách thoát ra ngoài cái vô nhất thời của mình để hòa lẫn với sức sống vô cùng tận của muôn loài, nghĩa là bằng Thơ (Lòng Yêu, - Lòng tin) (Thiên chức, tr. 23-26).

Nhân đó, mà có một quan niệm siêu việt về THƠ không quanh co lúng túng trong khuôn khổ của văn chương (Thơ, tr.27-39). Nhất là phân biệt “Văn” và “Thơ”: “Văn” nói chuyện đời, nhưng “Thơ” chính là tiếng đời u huyền, trực tiếp… “Thơ” chính là một cách tri thức cao cấp. Nó đã bắt gặp Hình Nhi Thượng, đưa đến Tôn giáo, và thực hiện Ái tình, nghĩa là Vô Biên.

Tới được Thơ, tới được sự Thật sáng suốt, bằng cách tĩnh tụ: Hãy tụ tinh thần về một phía, hãy tĩnh tâm để lửa Trời rọi tới cõi tinh vi (Tĩnh tụ, tr.60).

Vấn đề THƠ đặt như vậy, tự nhiên nêu lên vấn đề Tri thức, bắt ta phải có một quan niệm về Trí thức (tr.63); và nêu lên vấn đề Sáng Tạo; “sáng-tạo” tức là đạt được cái Điệu tuyệt vời, trong đẹp, thật, để thấu được cái Nhạc của Trời Đất (Nhạc điệu, tr.50). Điệu Nhạc tương xứng. Như y phục với đức. Xe loan cùng ngọc nữ. Dòng sông và nguồn nước (tr.54).

TRÍ THỨC: gốc cây Ta, đầy nhựa Thơ, hút nhận Nhạc của Đất Trời, để trổ sinh bao Điệu thắm tươi những bông SÁNG TẠO dâng lên bàn thờ ĐẠO LÝ, - lẽ sống trong Đời (tr.67).

Bao nhiêu mối của một Tư Tưởng đều quy vào một hệ lớn, có ba mối chính: TRI THỨC, SÁNG TẠO và ĐẠO LÝ, mà quyển Xuân Thu nhã tập mới nêu lên trong một thể đại toàn.

Mối đầu tiên cần phải giải trước nhất là Tri thức, Tất cả cuộc sống (cuộc sống lộng lẫy) chỉ là một VẤN ĐỀ TRI THỨC (tr.68).

Ta hãy coi Xuân Thu nhã tập là một quyển sách đại toàn, nêu lên những đầu mối của tưởng Xuân Thu mà mỗi người đồng thanh khí (còn những ai nữa đây?) sẽ tìm phương tiện riêng mà giải thích cho đầy đủ trọn vẹn, ngõ hầu xây đắp được một chút gì trong cái nền tảng cần phải có cho cả một cuộc Văn Minh mai hậu.

(Xuân Thu nhã tập há có phải là một lý thuyết về một lối văn thơ của một vài thi gia nào đâu).

Riêng kẻ viết mấy dòng trên này sẽ có dịp gửi báo Thanh nghị những ý mọn về mọi vấn đề phụ thuộc tưởng Xuân Thu (Thơ, Trí thức, v.v)”...

Cuối cùng, nhà phê bình Kiều Thanh Quế trong bài viết thực sự công phu Nhân đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân trên tạp chí Tri tân (số 134, tháng 3-1944) đã nhấn mạnh ý nghĩa khơi dòng hiện đại hóa và khả năng tổng hợp của mối quan hệ Thơ - Nhạc - Họa mà họ Đoàn có tham dự:

“Trong hội họa, có một lúc ở Pháp nổi lên một cuộc phản động chống lại chủ nghĩa ấn tượng (impessionisme). Cuộc phản động ấy do phái lập thể (cubisme) chủ trương. Ấn tượng là cái gì mà thị giác thâu nhận được trong thoáng chốc. Ấn tượng là nét vẽ cái đột ngột (l’accidentel) còn lập thể là nét vẽ cái cốt yếu (l’essentiel).

Với phái lập thể, tấm tranh không những phải tiêu biểu vật kiểu mẫu mà còn phải gợi rõ sự vững chãi (Solidite) của vật kiểu mẫu ấy bằng cách trình bày đủ: bề cao, bề ngang, và bề dài của nó với cả thể tích (volume) và mật độ (densité) của vật ấy.

Xem một bức tranh của phái Lập thể, ta thấy rối ren như thời cuộc nước Tàu, chớ không có gì là giống với phong cảnh hay đồ vật ngoài đời cả.

Có một bức tranh của phái ấy vẽ: Một cái píp + một cây đờn guitare gãy + râu mép của anh thợ máy + một nửa bán diện ảnh tướng (moitie du profil) của một người đàn bà… Tất cả bị chằng chịt bởi một nùi dây điện thoại và những ánh tà huy. Đố ai biết họa sĩ muốn vẽ gì? Thế mà xem dòng chữ dưới bức tranh lại thấy biên: Buổi tà huy ở Auteuil (!).

Nếu ta nhìn tấm tranh ấy mà không nghĩ tới chuyện tìm hiểu nó, ta tất tầm ra được một vẻ đẹp truyền cảm và lạ lùng, đôi khi từ bức tranh kỳ dị ấy thoát ra.

Đôi khi “buổi tà huy” tổng hợp ấy rồi đem đến dưới mắt ta một tánh cách đẹp và thật còn hơn là buổi tà huy và ánh tịch dương lần lần khuất dạng sau lần cây lá xa xanh…

Dầu sao, trong đó cũng có một lối thẩm mỹ mới lạ mà các nhà thơ rồi sẽ “cóp” của các họa sĩ phái Lập thể.

Thơ Lập thể cũng như tranh Lập thể cốt truyền cảm cái cốt yếu (l’essentiel), cái toàn thể (totalité).

Người ta làm thơ lập thể cũng bằng cách nhét vào trong một câu thơ “hàm râu ngạnh trê của anh thợ máy với chiếc píp của thi nhân”.

Trong phái Lập thể, thi sĩ nào có phương pháp thì dùng phép phân tích chia một phong cảnh ra làm nhiều thành phần (éléments com - posants) rồi gộp những thành phần ấy lại theo những qui tắc riêng của lối vẽ viễn thị (perspective) lạ lùng. Còn thi sĩ nào không theo phép phân tích thì do theo nguồn cảm hứng mà sắp các giác cảm của mình ngay hàng thẳng lối tuần tự trước sau.

Do những định nghĩa, những điều dẫn giải trên, thử hỏi ta nên đặt thơ Xuân thu (thơ của nhóm Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Xuân Sanh) vào loại nào: Vào thơ Đa - đa hay thơ Lập thể?

Thơ nhóm Xuân thu, phải bảo là lối thơ có chịu ảnh hưởng nhiều của thơ lập thể ở Pháp mới đúng”...

Vào giai đoạn đương thời Thơ mới, Đoàn Phú Tứ hiện lên khá khiêm nhường trong tư thế tác giả một bài, nhà thơ một bài, nhưng đó lại là thi phẩm độc đáo, đặc sắc, có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Bài thơ không chỉ được chọn tuyển vào Thi nhân Việt Nam mà còn được in trong Xuân thu nhã tập và được phổ nhạc, trở thành hiện tượng của một dòng thơ, một lối thơ, một trào lưu, một trường phái thi ca. Trên mọi phương diện, từ tứ thơ “có tính cách triết học” đến “một câu chuyện tâm tình”, từ nội dung đến hình thức nghệ thuật, từ mối quan hệ giữa vần thơ với điệu thơ, từ biểu trưng truyền thống thi ca phương Đông - Trung Hoa đến âm hưởng tư duy trường phái Lập thể Pháp hiện đại… đều đã được giới phê bình xem xét, luận giải, so sánh kỹ lưỡng. Điều này cho thấy mối quan hệ cơ hữu, dân chủ và bình đẳng trong mọi mặt hoạt động sáng tác và phê bình thi ca giai đoạn đương thời Thơ mới.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn

NỔI BẬT TRANG CHỦ