• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người đương thời thơ mới bàn về thơ Huy Thông

28/05/2012 18:10

(Toquoc)- So với nhiều tác gia đương thời Thơ mới, Huy Thông (sinh 1916; sách Thi nhân Việt Nam ghi 1918) là người có học vấn cao và sớm thành đạt.

(Toquoc)- So với nhiều tác gia đương thời Thơ mới, Huy Thông (sinh 1916; sách Thi nhân Việt Nam ghi 1918) là người có học vấn cao và sớm thành đạt.

 

Nhà thơ Huy Thông (họ tên đầy đủ là Phạm Huy Thông) thuộc thế hệ thứ 48 thượng tổ võ tướng Phạm Tu (476-547), đời thứ 24 tướng quân Phạm Ngũ Lão (1255-1320), quê gốc làng Đào Xá (xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi - Hưng Yên), sinh tại Hà Nội. Ở trong nước, ông từng theo học trường Thầy dòng, trường Anbe Xarô (Albert Sarraut) và trường Luật. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, ông sang du học ở Pháp rồi đậu Tiến sĩ luật, Tiến sĩ văn chương và Thạc sĩ sử địa.



Huy Thông sáng tác chủ yếu vào giai đoạn đầu phong trào Thơ mới, từ 1932-1937, in thơ trên các báo Phong hóa, Ngày nay, Đông Dương tạp chí, Tân thiếu niên, Hà Nội báo… đồng thời đã in các tập: Yêu đương (1934), Anh Nga (1934), Tiếng địch sông Ô (1935) và Tần Ngọc (1936; Thi nhân Việt Nam ghi 1937)… Trong giai đoạn 1932-1945 đã có nhiều trang bình luận thơ Huy Thông của Nguyễn Xuân Huy và T.K, Lê Ta (Thế Lữ), Hà Nhân, Lê Tràng Kiều, Hán Quỳ (Huy Cận), P.T.T, Trương Tửu, Lam Giang, Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế), Lê Thanh, Phạm Mạnh Phan, Hoài Thanh - Hoài Chân…



Xuất hiện vào giai đoạn khởi đầu phong trào Thơ mới nên thơ Huy Thông cũng sớm được dẫn dụng minh chứng cho cả khuôn khổ hình thức và nội dung tinh thần của “lối thơ mới”. Trong bài khái luận Hình thức và nội dung ngắn gọn đứng tên bản báo Phụ nữ tân văn (số 217, ra ngày 21-9-1933) đã bao quát từ những vấn đề chung đến tác phẩm cụ thể của Huy Thông và xác định:

“Vấn đề thơ mới, xét cho tới nơi rồi, là vấn đề sự quan hệ của hình thứcnội dung. Cái khuôn khổ thơ (luật bằng trắc, vần) là hình thức; cái tình tứ của thơ là nội dung. Ở các xứ Âu châu, như ở Pháp, đã có nhiều phen vấn đề nầy xuất hiện trong văn học. Khi nào có dịp, chúng tôi sẽ bàn đến vấn đề này. Mặc dầu ai không đồng ý về ngày sinh của thơ mới ở xứ ta, về cái tên đặt của nó (từ khúc, thơ mới, lối thơ mới), ta chỉ nên chú ý ở sự cốt yếu này: cái ruột đã đập vỡ cái vỏ rồi. Nói trắng ra, cái tinh thần của thi sĩ An Nam (hạng tân học) không thể chịu nghẹt ở trong khuôn khổ Đường luật nữa: nhân đó mà sinh ra cái vấn đề thơ mới, rút lại chỉ là vấn đề khuôn khổ. Đừng có ai bảo rằng: nên đổi là đổi cái tinh thần, cần chi thay cái hình thức! Vì tinh thần tức là cái nội dung (le contenu) phải tùy cái đồ chứa (le contenant) là cái hình thức. Không nói dông dài làm chi, cứ xét về cái bài thơ đề là Sống của ông Huy Thông. Ông bà nào hay thơ lối Đường luật, hay là lối lục bát và lục bát song thất, thử lấy những tình tứ tư tưởng của Huy Thông mà diễn đạt ra trong khuôn khổ cũ xem nào? Bất quá thì các ngài chỉ hát lên được những giọng buồn bã âm thầm của Chinh phụ ngâm là đã tài lắm rồi! Nếu các ngài e sợ câu thơ buồn mà ráng làm cho nó thành ra mạnh bạo thì giọng thơ sẽ như điệu “anh hùng” trong tuồng hát bội, khác hẳn với thơ mới của Huy Thông. Tóm lại, cần phải đập vỡ khuôn khổ cũ mà làm lại cả. Rồi đây người có thi tài sẽ nhờ đó mà tả diễn sự sinh hoạt cùng lẽ phân tranh trong thời đại ngày nay”…

Thế rồi đến Nguyễn Xuân Huy và T.K trong bài Một trào lưu mới trong thi ca: Thơ mới in trên báo Tân Thiếu niên (số 3, ra ngày 16-3-1933) đã ghi danh Huy Thông trong số chưa đầy mươi cây bút khởi đầu phong trào Thơ mới:

“... Thế là, trong số Phong hóa 31 ra ngày 14 Janvier 1933, cô Liên Hương có gửi một “bức thư ngỏ” cho ông Phan Khôi đại ý trách ông sao đã xướng xuất ra mà bấy lâu lại thờ ơ lãnh đạm với thơ mới, và khuyên ông “nên mạnh dạn một lần nữa mà tiến lên đường”. Phụ theo lá thư ấy lại có cả bài Tình già và nhiều bài nữa của Lưu Trọng Lư, Tân Việt, Thanh Tâm, có lẽ là những bài thơ mới thứ nhất, sau bài mẫu Tình già của ông Phan. Thế là trong ngày xuân xán lạn tươi cười năm 1933, thơ mới lại nối lại với thi nhân mối giây tình đứt đoạn đã hai năm! Mà lần tái hợp này tình duyên mới mặn mà đằm thắm biết bao!

Từ đó số nào của báo Phong hóa cũng có đăng một vài bài thơ mới của Thế Lữ, Huy Thông, Nguyễn Văn Kiện... Người ta có thể đếm được chừng mấy chục...

...Nhưng đến đầu năm 1933, khi người ta nhắc lại lối thơ mới đã hầu chìm trong sự quên, thì người ta còn muốn nó mới về tinh thần nữa. Mà lại chú trọng tinh thần hơn. Hình thức chỉ là cái khung để treo tranh tinh thần của bài thơ. Vì người ta đã thay tranh thì người ta cũng phải thay cái khung cho được xứng đáng với bức tranh luôn thể.

“Mới về văn thể, mới về ý tưởng”, đó là hai cái đặc sắc của lối thơ mới.

A/ Về văn thể (...).

B/ Về ý tưởng:

Trong các bài thơ mới đã đăng, ta nhận xét thấy:

a/ Những ý tưởng mà trong thơ cũ chưa từng thấy diễn đạt ra được (Sống, Huy Thông; Thi nhân và cuộc đời, Hồ Văn Hảo)...

Trong bài góp ý biên tập Cuộc điểm... mấy nàng thơ trên báo Phong hóa (số 132, ngày 11-1-1935), với bút danh Lê Ta, chủ tướng Thế Lữ sau khi có ý chê thơ của mấy người khác lại chuyển giọng phân tích những hay - dở mọi nhẽ ở tập Yêu đương của Huy Thông:

“... Tôi vừa nghĩ thế thì may ông Huy Thông gửi đến tòa soạn tập thơ đầu của ông. Nàng Thơ của Huy Thông là một người có nhiều tình cảm, nhiều tư tưởng hay. Nàng lại là người “mắn”, ta sẽ thấy nàng sinh sản được đông đàn. Vậy nàng có thể tự an ủi nàng rằng hỏng đứa này, còn đứa khác. Nói thế không phải có ý bảo tập Yêu đương - đứa con đầu lòng của Nàng Thơ Huy Thông - là một tập thơ dở cả. Những ý tưởng mạnh mẽ, những tình tứ không thường, những hình sắc lộng lẫy hay dịu dàng với những vẻ đẹp trong trẻo, ngây thơ, mong manh, tôi thấy đầy dẫy trong tập sách trên một trăm trang giấy tốt. Người thiêu niên thi sĩ của tôi biết cảm xúc vì cái vẻ hùng vĩ, mênh mông của bể cả, biết mong gửi tiếng lòng “thì thầm lời nước mây kiều diễm” theo tiếng sóng, biết cùng tiếng sóng ca ngợi:

Lòng kiêu căng không bờ bến

với:

Nỗi buồn gớm ghê, niềm ngao ngán

Của một trái tim đau đớn bởi điên cuồng.

Huy Thông biết ghi cái vẻ mơ hồ của:

Ngàn liễu nơi xa trong sương hồng chìm đắm

biết thổi khúc tiêu êm ái để buồn ca những lời tự tình của người tiên bất tử thiết tha khuyên nhủ chàng mục đồng. Những nỗi niềm âu yếm, nồng nàn và lòng yêu đương đằm thắm của một trái tim sớm đắm đuối vì tình, ông Huy Thông biết đem thả vào tiếng rộng rãi của gió trên bể bạc, và thu vào trong vỏ hến nhỏ để người yêu nghe. Nhưng bao cái hay cái đẹp kia, tiếc thay, chỉ là những hạt trai lóng lánh lẫn vào trong đống đá sỏi sù sì. Nếu ví thơ ông là bát chè thì người ăn chè là chúng ta đến thành móm hết. Nên những lời văn đẹp đẽ, những ý tưởng chân thực kia lại có biết bao lời, biết bao ý nôm na, mờ tối, và kiểu cách. Ông dùng chữ không phải là bạo. Chữ dùng bạo mà đúng thì còn gì hay bằng. Đằng này ông dùng chữ một cách quá vội vàng, quá cẩu thả. Những đợt sóng “tuyệt vời” không đời nào “du dương gảy những dịp đàn êm ái trên bể xanh như bọn nhạc công miền tiên giới” được.

Lại còn những câu như:

Mỗi khi “gió bất thình lình” bay qua…

Xin cô dừng bước xuống thuyền ngủ trưa…

Chúm môi thổi sáo với ca vui…

Vì tình quân tấc dạ ngất ngây…

Đó là những câu trong biết bao câu thơ ở tập Yêu đương mà tôi nhặt được. Nếu ý tưởng dồi dào và mấy đoạn chứa chan thi vị trong cuốn sách của ông làm cho tôi có hy vọng về con đường thi văn của ông, thì tôi chắc giận ông không biết chừng nào mà kể.

Tôi đọc Yêu đương trong một nơi tĩnh mịch, bên những người bạn làm việc yên lặng ở gần mình… Họ thấy tôi là một người kỳ dị nhất trên đời, đang thích chí vui cười bỗng sinh ra bực tức, rồi một lúc thấy vui cười, nhưng rồi lại thấy bực tức nữa. Đó là lỗi ở ông Huy Thông. Sao ông chẳng làm thơ dở từ đầu chí cuối để tôi vứt ngay sách ông đi có được không. Ông lại lỡm tôi, len vào đó những cái hay làm tôi không nỡ bỏ”...

Tiếp đến Hà Nhân với bài viết Phong trào thi ca mới: Khuynh hướng - Hiện trạng - Đặc sắc - Đặc điểm in trên báo Sống (Sài Gòn, số 28, ra ngày 7-9-1935) đã xác định nguồn cảm xúc mới, hệ thống chủ đề mới và nhấn mạnh việc mở rộng dung lượng ở thơ Huy Thông đã không còn đủ năng lực truyền cảm nghệ thuật ở một thời kỳ mới:

“Ta có thể bảo rằng thi liệu của phái thi mới bây giờ chỉ là ái tình và mộng cảnh. Vâng, cũng có vài thi sĩ đang tìm cảm hứng ở nơi khác…

…Huy Thông cố tả những cảnh cao rộng nhưng nghệ thuật của Huy Thông còn kém. Nên người ta chỉ thấy cái cảnh cao rộng nhơn tạo mà thôi. Nó không đủ làm cho người đọc cảm phục. Cho nên, cứ như hiện trạng của nó, thơ mới chỉ hay ở trong vòng yêu đương, mơ mộng. Bước ra khỏi hai đầu đề ấy, ngọn bút của nhà thơ mới đã mất lực.

Tìm trong thơ mới cái chân tướng của cá nhân, ta chỉ thấy một hạng người trai trẻ, lanh lợi xinh đẹp, khi thì vui vẻ đùa bỡn với ái tình, khi thì mơ mộng tiêu dao chốn Bồng Lai mộng cảnh. Bởi vậy, có người đã lấy làm phàn nàn cho phái thơ mới. Vì họ đã cố sức phá bỏ cái lề lối bó buộc của thơ cũ, và đạp đổ cái phạm vi chật hẹp của nó, nhà thơ mới nên có một tâm hồn khoáng đạt, cao siêu hơn nữa mới được. Nếu không vậy thì sau cuộc mới cũ xung đột, sự thắng lợi chưa chắc đã về phái thơ mới. Bọn cựu học, khi đem thơ mới so sánh với thơ cũ, tất họ sẽ bảo rằng trong thơ cũ, cá nhân có cái trạng thái đáng tôn kính và mến phục hơn nhiều lắm”…

Từ sáu năm trước khi xuất bản Thi nhân Việt Nam (1942), Hoài Thanh đã có bài điểm sách Nhân xem Anh Nga (Thơ của Huy Thông) trên báo Tràng An (số 97, ra ngày 11-1-1936):

“Văn thơ của Huy Thông bao giờ cũng có vẻ lạ. Anh Nga cũng là một bài thơ của Huy Thông nhưng không giống nhiều bài thơ khác của Huy Thông ở chỗ nó vừa lạ vừa hay. Trong văn thơ xưa nay của ta, Anh Nga biệt ra một lối riêng và trong lối ấy, tác giả của nó đã đạt được ý muốn một cách chắc chắn. Anh Nga viết theo lối kịch. Ban đêm một chàng thiếu niên, Ngân Sinh, lững thững đi bước một trong vườn hoa. Làn gió nhẹ sẽ đưa qua. Giời trong suốt, ánh trăng êm đềm vờn trên những vừng cây khuya nhẹ nhàng lay động. Cảnh gợi tình, Ngân Sinh thấy lòng say sưa khao khát tình yêu. Chàng bồi hồi nhớ người yêu đã khuất. Văng vẳng nghe tiếng tỳ bà, thỉnh thoảng một tiếng ca nơi xa đưa lại. Bài ca có bốn câu mà lần nào hai câu sau cũng là:

Nhưng đêm biếc rồi tàn giăng xuân biến

Và vừng hồng sẽ tắm nắng chân mây xa.

Ta chớ nên hỏi thi sĩ tiếng ca lạ lùng ấy ở đâu đưa lại. Ta hãy dẹp một bên cái lý trí của ta để cùng đi với thi sĩ vào một thế giới mơ hồ mộng ảo. Vì ở đây toàn mộng ảo. Giữa lúc Ngân Sinh đương bồi hồi nhớ tưởng thì thoảng bên cành phù dung, chàng thấy bóng ai tha thướt và tiếng ai cũng thổn thức những nỗi nhớ mong. Chàng không ngờ đó là vong hồn của Anh Nga, người chàng yêu. Ngân Sinh còn phân vân thì tiếng ca lại luôn luôn giục chàng cùng người yêu tình tự.Vong hồn người đã khuất cũng năn nỉ chàng nhìn nhận lấy người xưa. Ngân Sinh vẫn lưỡng lự, mãi đến lúc Anh Nga xưng tên, chàng mới tin và mới biết rằng Anh Nga là một vong hồn dưới Suối Vàng, mặt trời mọc lại phải trở về Suối Vàng. Ngân Sinh như điên như dại kêu:

Đêm giăng!Hãy đứng lại trong vườn hoa

Và, ô kìa vùng ô khe khắt!

Chớ vội vàng tắm nắng chân mây xa!

Lời ái ân trao đổi chưa được mấy chốc thì lại nghe tiếng ca:

Nhưng đêm biếc đã tàn, giăng xuân biến

Và vừng hồng đã tắm nắng chân mây xa.

Thế là phút phân ly đến. Anh Nga đi không bao giờ giở lại.

Trở lên tôi chỉ thuật đại lược bài Anh Nga. Thuật một bài thơ ra văn xuôi khó lòng lột được cái tinh thần của bài thơ, nhất là lúc ngòi bút của thi sĩ mềm mại, uyển chuyển như ngòi bút của Huy Thông. Huy Thông trong bài Anh Nga đã cho câu văn quốc ngữ một cách dàn xếp, một cái dáng điệu không ngờ như những câu:

Hỡi giai nhân!

Nàng là ai mà diễm lệ, thanh tân

Nàng là ai mà âm thầm huyền ảo.

Để, xuyên qua liên tiền thảo,

Áng giăng xuân

Nhẹ nhàng vờn trên dung nhan kín đáo?

Huy Thông cũng đã diễn dịch được những tình tứ rất bóng bẩy mà thường chúng ta tưởng chỉ có thể nói ra bằng tiếng Pháp:

Bên vành giăng, lóng lánh, áng mây vần,

Và cỏ mềm bâng khuâng bên cát bạc;

Vườn ướp trong hương thơm như man mác,

Biết bao lời mây nước đắm say lòng...

Nàng bâng khuâng dần lùi trên cát trắng,

Êm như hơi và chậm tựa mây chiều.

Phải đọc cả bài thơ mới thấy rõ cái hay (xem Tràng An số trước) nhà phê bình không sao nói hết được. Nhưng xem lược thuật trên này cũng đủ biết Anh Nga là một bài thơ lạ. Bài thơ ấy là một cái kịch, kịch chỉ có một vai: Ngân Sinh. Ngoài ra các vai khác chỉ là một tiếng đàn, một tiếng ca và một cái bóng. Cái bóng của Anh Nga, thi sĩ đã vẽ nên một cách rất tài tình. Trong văn thơ thường vẫn hay gợi hình những ma quái, ban đêm đi vơ vất nơi xó chợ đầu đường, đến gần sáng nghe tiếng gà gáy lại trở về địa ngục. (Xem Hamlet của Shakespeare và Văn chiêu hồn của Nguyễn Du). Trong Văn chiêu hồn có mấy câu như vầy:

Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn,

Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra.

Lôi thôi bồng trẻ dắt già”…

Sau những so sánh trên đây, Hoài Thanh cũng có góp thêm ý kiến về những điều khiến có thể làm giảm bớt giá trị thơ Huy Thông và đi đến lời kết:

“… Huy Thông đã cho ta những phút mơ mộng ít có. Không phải là những cái mộng cố tình của ít nhà văn lãng mạn ngày xưa mà cái mộng có ý vị của một thi sĩ có chân tài, có tinh thần tỉnh táo… Vì tôi thấy ở đầu bài Anh Nga có đề mấy câu như vầy:

Niềm ái ân chưa biết đến bao giờ,

Ta vừa biết phút giây trong giấc mộng,

Mà mộng nọ, than ôi! còn đâu bóng!

Ta gục đầu thổn thức nhớ điệu đàn

Và âm thầm tưởng tiếc bóng đêm tan.

Phải chăng Huy Thông đã mượn giấc mộng tưởng tượng của nhà thơ để ghi lấy giấc mộng có thực của người niên thiếu? Giấc mộng thực đi qua một lần không trở lại, giấc mộng văn chương vẫn còn mãi mãi trao lạc thú cho nhà văn”.

Đặt trong tương quan chung và so sánh với một số tác gia Thơ mới khác, các nhà phê bình đã nhấn mạnh những đóng góp riêng của Huy Thông. Lê Tràng Kiều trong bài Một nhà thơ mới rất chú trọng về âm điệu: Lưu Trọng Lư, in lần đầu trên cả Văn học tạp chí Ngày nay (1935), in lại trên Hà Nội báo (số 30-1936) đã mở rộng liên hệ đến đặc điểm thơ Huy Thông:

“Lưu Trọng Lư chính là một người đầu tiên gieo hạt thơ mới vào đất Bắc. Trong một số mùa xuân của báo Phong hóa, lần đầu Lưu quân cho đăng mấy bài thơ của mình... rồi từ đó, mỗi kỳ luôn luôn trên mặt báo ấy người ta thấy đăng những bài của Nguyễn Thế Lữ, của Tân Việt và của Vũ Đình Liên. Độc giả làm quen với Thế Lữ dần dần quên lãng Trọng Lư. Điều ấy rất dễ hiểu, vì bao giờ người ta cũng thích những cái thái quá hơn là những cái vừa chừng... Người ta ưa thơ mới, người ta lại ưa thơ thật “mới”. Cứ bình tĩnh mà xét, thơ Trọng Lư không phải là không mới, nhưng cái “mới” ở trong thơ Lưu Trọng Lư rất khó nhận vì nó mới ở tình cảm, ở âm điệu, ở hình ảnh (images). Thơ Thế Lữ, thơ Huy Thông thì phần nhiều “mới” ở tư tưởng, ở ý tứ, “mới” một cách rõ ràng hơn, “mới” một cách táo bạo…

… Thế Lữ và Huy Thông thường ngẩng lên trời nhìn núi sông cao rộng mà ca những bài ca hùng tráng... Trọng Lư chỉ cúi đầu xuống đất, bước từng bước, sợ sệt, ngại ngùng như bao giờ cũng lo đạp phải những cái linh thiêng của trời đất rơi rác xuống”...

Đương thời nhà thơ Huy Cận với bút danh Hán Quỳ đã có bài viết ngợi ca ba nhà thơ lớp trước (Thế Lữ, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp) trên báo Tràng An số 108 (ra ngày 24-3-1936) mà ông coi có vị thế giống như A. Lamartine, V. Hugo và A. Musset:

… "Những cuộc cãi nhau về thơ cũthơ mới đã qua. Nay chúng ta chỉ biết có thơ. "Thơ mới" chỉ là một hình thức của thơ để diễn tả những tính tình và cảm giác của tâm hồn người ta ở thời đại mới. Thơ mới đã đứng vững với tác phẩm giá trị của những thi sĩ có tài: Thế Lữ, Huy Thông, Nhược Pháp. Cũng ba tên ấy gợi cho tôi ý viết bài này. Đây tôi không phê bình. Tôi chỉ là một người yêu thơ, ham đọc thơ nói chuyện cùng các bạn những điều hay hay mình đã thấy. Xem thơ của ba thi sĩ trên kia, trong trí tôi nẩy ra một sự so sánh: Thi ca Việt Nam vào hồi này cũng tựa như thi ca nước Pháp vào khoảng 1830. Tôi không nói Thế Lữ, Huy Thông, Nhược Pháp giống đủ phương diện những thi sĩ Pháp hồi đó. Nhưng phong trào thơ bên Pháp hồi 1830 và thơ ta …

…Nếu thơ Thế Lữ "ru" người ta thì thơ Huy Thông mạnh mẽ và mới lạ hơn. Ông Lê Tràng Kiều đã ví Huy Thông nhà thơ Ly tao và hùng tráng với V. Hugo. Sự so sánh ấy tôi tưởng đúng lắm từ cái tuổi cho đến cái tài và nàng thơ "siêng năng " của thi sĩ Phạm Huy Thông. Như Alfred de Musset, Nguyễn Nhược Pháp đã dám cười khi người ta đang mơ màng theo Thế Lữ hay hậm hực như mang hận chiến sĩ theo Huy Thông. Musset nói truyện Y Pha Nho, Ý Đại Lợi thì Nhược Pháp kéo chúng ta về "ngày xưa", ngày xưa cũng là một xứ lạ đối với hiện tại của nước ta. Trong cảnh lạ và khác ấy, thi sĩ Nhược Pháp ấy xen lẫn nụ cười của ông, nụ cười "hóm hỉnh" và có duyên rồi ông giục chúng ta cười theo...

Chỗ giống nhau giữa thi ca nước Pháp một trăm năm về trước và vần thơ ta hiện giờ không làm tôi ngạc nhiên. Văn chương lãng mạn Pháp ảnh hưởng sâu xa đến văn chương hiện đại của ta. Vả lại thi ca ta cũng ở vào một trường hợp giống như thi ca Pháp vào hồi 1820-1830. Thế Lữ, Huy Thông... cũng là những nhà thơ lãng mạn, thành thử đối với Pháp về thi ca ta sống thụt lùi một thế kỷ. Sự chậm trễ đó không có gì đáng trách vì ta theo gót người - nếu có thể nói được như thế. Mà trách sao được? Chúng ta không có quyền kết án thơ lãng mạn. Tuy thế, xã hội ta ngày nay không phải là xã hội Pháp hồi năm 1830. Ta không thể cấm đoán thi sĩ lãng mạn, mơ màng, song ta có quyền mơ ước: ngoài những giờ mơ màng đắm say trong giấc mộng, các thi sĩ nên nhìn cảnh đời xung quanh mình mà ca lên cho ta nghe những bài ca nói đến người nghèo, đứa con ghẻ xã hội, một thi sĩ có chân tài thì dù trong giấc mộng đẹp đẽ hay trước một cảnh thực tế thảm khốc dơ dáy, cũng tìm được những vần hay ý mới. Cuộc đời hàng ngày là một kho tài liệu cho thi ca, cho thi ca lãng mạn nữa”...

Tiếp theo, một người ký tên P.T.T viết bài có ý nghĩa quan sát, tổng thuật Ngoảnh nhìn văn học năm vừa qua đăng trên báo Sông Hương (số 26, ra ngày 30-1-1937) đã phân tích và xác định:

“Trên con đường trường, kẻ bộ hành lo lắng, chốc chốc ngoái cổ nhìn lại quãng đường bỏ sau mình, như để tính xem còn phải đi bao xa nữa thì đến đích: nếu quãng đường ấy đã được khá dài, người không khỏi lộ vẻ vui mừng. Bước sang đầu năm 1937, chúng ta cũng nên làm như kẻ đi đường kia, thử ngoảnh nhìn lại năm vừa qua, xem về văn học, chúng ta đã tiến đến bực nào.

Nhớ trong số đặc biệt mùa xuân năm 1934 của một tờ hằng ngày xuất bản trong Nam, có bài nói về nền văn học Việt Nam năm 1933, đại ý cho rằng nước ta có văn học họa chăng bắt đầu từ năm ấy, còn trước kia dù có, kể cũng như không, vì nó bạc nhược, sơ sài, rời rạc quá; năm ấy là năm người ta đầu tiên thấy xuất hiện, về tiểu thuyết cũng như về thi ca, nhiều tác phẩm có giá trị hẳn hoi về nghệ thuật, như quyển Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Người sơn nhân của Lưu Trọng Lư, thơ của Thế Lữ, của Huy Thông, của Nguyễn Xuân Huy v.v...

Đến nay đã ba năm qua. Trong khoảng ba năm, sự tiến bộ rất rõ rệt về đằng phẩm cũng như về đằng lượng của nghề trứ thuật trong nước, khiến chúng ta, dù đến những kẻ hoài nghi, cũng phải nhìn nhận rằng nền văn học Việt Nam đương bước vào một kỷ nguyên mới, nó là điểm đầu của một cái tương lai rực rỡ, xán lạn. Và lời phỏng đoán trên kia, do thế, có thể nói được là xác đáng vậy.

Sự thịnh vượng của năm 1936 vừa qua là ở cái đà của ba năm trước mà có. Những kết quả tốt đẹp, những sự thành công vẻ vang đã làm cho người ta càng thêm hăng hái và phụng sự văn nghệ một cách chắc chắn và đắc lực. Thực ra, sự thịnh vượng ấy, nói đến có lẽ hơi buồn, chỉ ở trong phạm vi tiểu thuyết, chứ ngoài ra, về các môn khác, vẫn còn là cái cảnh tượng những đám đất hoang. Thành thử hai chữ văn học vốn nghĩa rộng là dường nào, thế mà ở nước ta, nó như phải thu nhỏ hình lại: đó là một điều kém sút có lẽ còn lâu lắm chúng ta mới bồi bổ được…

… Về thơ, năm 1936 đã bày ra một cảnh tượng rời rạc, nếu không là buồn tẻ. Cái không khí bồng bột về thơ mới hai năm trên đã qua rồi. Những tên Thế Lữ, Huy Thông, người ta không nhắc đến một cách sốt sắng nữa. Mà giữa Nàng Thơ với các thi sĩ, hình như chữ tình cũng không còn được mặn nồng như mấy năm xưa. Huy Thông thì còn cho ra được một tác phẩm có giá trị là quyển Tiếng địch sông Ô, và thỉnh thoảng có thơ đăng trên một vài tờ báo chứ Thế Lữ thì như đã chìm hẳn đi rồi: với tác phẩm Bên đường Thiên lôi mà ông vừa cho xuất bản, người ta thấy rõ như ông muốn từ nay đi hẳn về bên tiểu thuyết. Những quyển Gái quê của Hàn Mặc Tử, Thiên diễm tuyệt của Đỗ Huy Nhiệm ra đời vào cuối năm như đã đem lại cho nàng thơ một cái không khí ấm áp”...

Thế rồi đến lượt nhà phê bình Trương Tửu trong bài Một thi sĩ của điêu tàn giới thiệu thơ Chế Lan Viên in trên báo Ích hữu (số 101, ra ngày 26-1-1938) đã phấn khích ca ngọi Huy Thông trong dàn đồng ca Thơ mới:

… “Tôi đã được sung sướng đọc những bài thơ thâm trầm của Nguyễn Vỹ ca hát cảnh nhỡ nhàng đau xót của kẻ ăn mày trong đêm khuya, cảnh tan vỡ bi đát của giọt sương tình ái dưới sức tàn phá của hơi gió bấc, cảnh đổ nát của lâu đài thân hữu trên bờ bể. 

Tôi đã được sung sướng đọc những điệu hùng tráng lâm ly của Huy Thông hồi sinh một vài cảnh oanh linh vụn nát của những thời kỳ oanh liệt trong lịch sử, họa bản đờn ái ân đoạn tuyệt của Ngu Cơ vào tiếng địch ai hoài của Trương Lương réo rắt trong im lặng của đêm mờ.

Tôi đã được sung sướng đọc những vần thống thiết đẫm lệ của Mộng Sơn than khóc cho số kiếp đọa lạc phiêu linh của những cô hồn lang bạt bị định mệnh đánh ngã gục trên đường lữ thứ.

Tôi đã được sung sướng đọc những lời ca hùng võ của Phạm Ngọc Khuê, phát biểu một cách gần như tuyệt đối cái tinh hoa nhuần nhị của sức mạnh muôn loài, chủ ý lọc sạch cái bản năng thiên bẩm của giống nòi bị vẩn đục bởi những thế tình hỗn độn.

Mỗi lần những bài thơ ấy rơi đến trước mắt tôi, là cả tâm hồn tôi rung động một hoan lạc rồi. Tôi cảm thấy trong lọ mực của các thi nhân kia đang bồng bột những sóng gió phi thường. Rồi từ lọ mực ấy phát ra những luồng sống ạt ào trong trẻo, thổi lùa vào những kẽ ngạch tinh thần u ám của xã hội hiện thời. Các thi nhân ấy đã thấm nhập linh hồn vào linh hồn của đại thể, của xã hội đau khổ, của nhân loại tranh đấu, của tổ quốc điêu linh. Họ sống với những cái đang sống. Họ sống với những cái đang chết. Họ sống cả với những cái sắp sống. Nhưng trong cái sống rộng rãi và mãnh liệt này, tôi vẫn thấy thiếu một cái gì… Một cái gì nó không gợi trong lòng ta một cảm hoài, một thương xót, một phấn khích, một hy vọng. Một cái gì ấy chỉ gợi cho ta cái không và cái chết (le Néant et la Mort).

Cái không, cái chết này là hai phản hình của cái và cái sống. Vì cái không ấy đã , cái chết ấy đã sống. trong không gian, sống trong thời gian. Cái đã có và hiện giờ không có nữa, cái đã sống và hiện giờ không sống nữa, phải phục hưng nó lại để nó dự phần vào cái di sản tinh thần vĩnh viễn của loài người”...

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn

(Còn tiếp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ