• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người giữ hồn sử thi Raglai

25/01/2018 14:31

(Cinet) - Nghệ nhân Katơr Thị Xính là một trong những đại biểu được tuyên dương tại Lễ Tuyên dương Người có uy tín, Nhân sĩ trí thức, Doanh nhân tiêu biểu người dân tộc thiểu số năm 2017.

(Cinet) - Nghệ nhân Katơr Thị Xính là một trong những đại biểu được tuyên dương tại Lễ Tuyên dương Người có uy tín, Nhân sĩ trí thức, Doanh nhân tiêu biểu người dân tộc thiểu số năm 2017. Bà đã có đóng góp trong công tác lưu giữ và truyền dạy sử thi của người Raglai ở thôn Ma Tý, xã Phước Tân, huyện Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận), với những cống hiến đó bà vinh dự nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian và được người dân địa phương gọi bằng tên thân mật "Bà Xính sử thi"- người giữ hồn sử thi của Raglai. 

Nghệ nhân Katơr Thị Xính trong chiếc áo “kuang” (áo truyền thống của phụ nữ Raglai).

Nghệ nhân Katơr Thị Xính là một trong những người cuối cùng biết hát sử thi Raglai của dòng họ Katơr, vì thế khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về sử thi Raglai, nghệ nhân đã rất hồ hổi, vui vẻ, tỏ rõ niềm tự hào về kho tàng sử thi của người Raglai.

 “Nhờ có mẹ ruột là Katơr Thị Cuống- người hát bộ sử thi “Saer” hay nhất của đồng bào dân tộc Raglai vùng núi Bác Ái dạy hát, nên từ khi lên 9-10 tuổi mình đã nằm lòng rất nhiều đoạn sử thi Saer, Udai và nhiều câu hát dân gian của đồng bào Raglai. Mình nghe má mình hát, thấy nghe hát hay thì mình học lại, mình thích quá không ngủ được, rồi học miết đến khi thuộc. Hồi nhỏ mình ở nhà với cha mẹ miết, có trường như bây giờ đâu mà đi học, hát nhiều lâu ngày thì thấm”.

Nói xong, bà hát cho chúng tôi nghe một đoạn ngắn trong bộ sử thi Saer, đây là bộ sử thi đồ sộ của đồng bào Raglai. Qua lời dịch của bà, đoạn sử thi có câu “Ngày xửa ngày xưa/ Từ lúc còn đất mềm nước ngọt/ Bốn bể có bốn cây đa chống trời/ Và một con rắn có năm hồng mao, cái cằm chống trời...  Tuy không hiểu hết những lời bài hát, nhưng giọng hát thâm trầm, sâu lắng của bà Xính đã hút hồn chúng tôi. Bộ sử thi Saer kể lại công việc chế ngự thiên nhiên, bảo vệ xóm làng thuở khai sinh lập địa của đồng bào Raglai. Chỉ riêng bộ sử thi Saer, bà Xính có thể hát ròng rã 2- 3 tháng. Bà còn thuộc nằm lòng bộ sử thi Udai kể về tình yêu trai gái vượt qua thách thức, khó khăn để xây dựng cuộc sống hôn nhân bền vững.

Sử thi như dòng suối Chapơ trong vắt, ngọt ngào từ người mẹ Katơr Thị Cuống “chảy” qua bụng dạ bà Katơr Thị Xính. Cuối năm 2008, sau khi người mẹ Katơr Thị Cuống qua đời hưởng thọ gần một trăm mùa rẫy, nghệ nhân Katơr Thị Xính tiếp tục truyền dạy hát sử thi cho hai cháu là Katơr Thị Thấm và Katơr Thị Hương.

Nghệ nhân Katơr Thị Xính dạy hát sử thi cho con cháu trong nhà.

Theo nghệ nhân, cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, dân tộc Raglai có hệ thống sử thi phong phú. Sử thi Raglai là hình thức chuyện kể diễn xướng bằng thơ (văn vần) đã có từ lâu đời. Trong những đêm lễ hội, già trẻ trong Plây (buôn làng) thường ngồi quây quần bên ánh lửa trong nhà dài để nghe hát sử thi. Với người Raglai mà nói, sử thi như một kho báu trong đời sống tinh thần. Vì thế theo bà việc truyền dạy sử thi cho thế hệ trẻ không chỉ là trách nhiệm của bà, mà còn là chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy những nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Để bảo tồn, phát triển sử thi đến thế hệ trẻ vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần nghệ nhân thường đến những trường học trong huyện để dạy cho các em học sinh. Nghệ nhân chia sẻ, hiện nay có nhiều loại hình âm nhạc phù hợp với các em hơn, vì thế việc dạy sử thi đến các em cũng là một khó khăn, tuy nhiên trong số đó vẫn có nhiều em đam mê và chăm chỉ tập luyện, “đó là niềm an ủi lớn nhất với một người đã ngoài 60 tuổi như tôi” Nghệ nhân trầm giọng nói.

Với những đóng góp của mình, tháng 4 năm 2003, bà Xính là một trong 3 người của tỉnh Ninh Thuận được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian- một vinh dự mà không phải ai cũng có được. Bà được phong tặng danh hiệu trên vì bà là người hát sử thi Raglai hay nhất vùng Nam Trung bộ. Thế nhưng, bà nói rằng: “Mẹ tôi mới là người hát hay nhất, tôi chỉ hát lại những gì bà hát mà thôi. Phải phong nghệ nhân cho bà mới đúng”. Có thể nói, trên lĩnh vực hát sử thi của đồng bào Raglai huyện Bác Ái bà Katơr Thị Xính là linh hồn, là “kho tàng sống” cần được phát huy và bảo tồn, mãi góp phần vào sự đa dạng phong phú của kho tàng sử thi Việt Nam.

 

Lan Anh

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ