• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người giữ nghề làm lọng cung đình trong dân gian xứ Huế

Văn hoá 19/11/2022 11:55

(Tổ Quốc) - Từ xa xưa chiếc lọng đã xuất hiện trong nhiều lễ nghi cung đình Huế, trong dân gian người dân Cố đô cũng sử dụng chiếc lọng trong các nghi lễ cúng bái. Lọng đóng vai trò che nắng che mưa xong chiếc lọng cũng thể hiện lên danh phận của người được nó che chắn.

Nghề làm lọng ở nước ta bắt đầu từ thời Lê – Mạc, ông tổ nghề làm Lọng là Lê Quang Hành. Lọng được gọi là dù thần hay dù quan, bởi thời xưa việc đi lại hàng ngày của vua quan đều sử dụng lọng. Tùy theo cấp bậc và danh phận sẽ được bố trí bao nhiêu lọng và có màu sắc nào cho phù hợp lễ nghi.

Vua thì đi 4 lọng vàng, hoàng tử đi 4 lọng đỏ hay tía, các quan từ tuần phủ, đề phủ trở lên được đi 4 lọng xanh…mỗi cây lọng còn có chất liệu và trang trí họa tiết khác nhau tùy theo chức vị.

Người giữ nghề làm lọng cuối cùng ở Cố đô Huế

Nghề làm lọng không phổ biến bởi chiếc lọng chỉ được sử dụng trong những nghi lễ quan trọng chứ không phải là đồ vật sử dụng hàng ngày. Vì thế hiện nay ở Cố đô chỉ có duy nhất cơ sở của ông Hoàng Ngọc Tuyên (SN 1945, trú tại Phường Đúc, Thủy Xuân, TP Huế) đang sản xuất mặt hàng này.

Để cho ra chiếc lọng hoàn chỉnh thì phải mất ít nhất nửa tháng. Tre được chặt thành khúc có chiều dài theo quy định, đem tre ngâm trong nước một thời gian rồi vớt lên phơi khô, sau đó chẻ thành từng nan tre nhỏ, những chiếc nan tre này dùng để kết nối tạo thành bộ sườn cơ bản của chiếc lọng.

Để lắp các nan tre thành một bộ sườn phải có những chiếc gù, gù được làm từ gỗ của cây mít, loại gỗ này dễ đục đẽo và bền. Mỗi chiếc gù là sự kết nối của 34 thanh lạc ngắn và 34 thanh lạc dài, để mỗi khi xòe ra tạo thành một bộ sườn mềm mại và chiếc lọng có thể bung ra gập vào một cách linh hoạt, dễ dàng.

Ông Tuyên nhấn mạnh thêm, để làm thành chiếc lọng thì không thể bỏ qua một công đoạn nào, thiếu một nan tre hay chiếc gù bị trật khớp thì lọng sẽ không bung ra được. Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng như một chiếc ô, tiếp đó là thân lọng và bộ áo.

Sau khi bộ sườn đã được ráp hoàn chỉnh, người thợ phải quét qua 3 nước sơn để màu sắc lên đều và bền qua năm tháng. Cán lọng thường được làm từ thân tre già hoặc từ gỗ. Một chiếc cán đẹp sẽ được điêu khắc hình rồng phượng dọc theo thân cán, sau đó thì sơn son thếp vàng kỹ lưỡng.

Lọng được trang trí nhiều màu sắc hoa văn, phía bên trong lọng chỗ các nếp gấp của nan tre sẽ dùng chỉ hoặc sợi len đan thành 5-6 tầng với 7 màu sắc khác nhau, đôi tay khéo léo của người thợ sẽ đan lên đan xuống theo quy luật được đặt ra để tạo thành hình, nhìn từ xa trông khá giống với chiếc màng nhện rực rỡ, sau đó thì kết các tua rua để thêm phần bắt mắt, vừa cầu kỳ mà vẫn giữ sắc thái trang trọng.

Tiếp đến là phần "áo" của chiếc lọng cũng được thêu tay các họa tiết. Tất cả công đoạn "làm đẹp" cho chiếc lọng lần lượt phải kể đến là đan, móc, may, thêu. Sau khi hoàn tất thì mới mặc áo cho lọng.

Ngày nay, trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở Huế, lọng sử dụng trong nghi thức cưới, hỏi thì phần áo sẽ thêu hình rồng và phượng kèm theo chữ song hỷ. Nếu lọng đặt trong các nhà thờ dòng tộc thì sẽ có họa tiết 2 con rồng, ở giữa thêu hình mặt trăng và mặt trời tượng trưng cho trời đất.

Truyền lửa cho thế hệ sau

Mỗi chiếc lọng đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu nên phải trải qua hàng chục công đoạn mới hoàn thành, cũng vì sự khó khăn trong nghề mà rất hiếm người có thể bám trụ.

Nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề, cũng vì lo lắng nghề truyền thống bị mai một nên từ lâu ông đã truyền nghề lại cho con trai và nhận đào tạo cho một số lao động giúp họ có thu nhập và để truyền lửa đến thế hệ sau.

Khi được hỏi vì sao ngày đó ông lại chọn nghề này mà không phải là bất cứ một nghề nào khác, ông suy nghĩ trầm ngâm rồi kể: "Tôi từng công tác tại Sở lương thực Bình Trị Thiên và cũng thử qua nhiều việc chân tay cực nhọc khác nhau… về sau tôi nhận thấy nơi mình sinh ra và lớn lên là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và nhiều lễ nghi. Nơi đây đã trải qua 13 đời vua Nguyễn trị vì nên con người Huế cũng giàu tín ngưỡng dân gian, lại sẵn có năng khiếu, hoa tay và có người chỉ điểm mách bảo thế là tôi tìm tòi và tự học làm lọng."

Từ một người chưa biết gì về lọng, chỗ nào có người làm thì ông sẽ tìm đến để quan sát, xem từng bước làm thật kỹ lưỡng rồi về nhà học theo. Những chiếc lọng trong nhà thờ dòng họ hay chùa chiền ông đều đến xem một lượt để mày mò, lâu dần ông bắt đầu say mê và làm nghề. Các loại công cụ như cưa, đục đẽo và mũi khoan… ông cũng tự tìm hiểu rồi chế lại chứ không thể sử dụng những công cụ của các thợ làm đồ mỹ nghệ vì mỗi loại sẽ có kích thước khác nhau.

Hơn 30 năm trước, những ngày đầu làm nghề, ông phải vay tiền để mua từng cây tre, sợi chỉ, mảnh vải… bán được cái nào thì ông thì ông liền trích ra để trả nợ, phần còn lại để dành mua nguyên liệu và chi tiêu sinh hoạt, thời điểm đó vô cùng vất vả vì ông phải chật vật lo cho gia đình và phải cố gắng để xoay vong vốn.

Ông Tuyên cho biết, ngày nay trong các ngôi chùa thì lọng thường sẽ được dùng màu vàng, trong dân gian thì dùng màu đỏ, ngay cả bên công giáo người ta cũng dùng lọng và thường họ sẽ đặt riêng lọng màu trắng hoặc màu xanh.

Hiện nay vật đổi sao dời, nhưng trong cuộc sống của người dân Huế và một số tỉnh thành miền Trung, chiếc lọng là vật không thể thiếu trong mỗi nghi lễ quan trọng từ đám rước thần linh, lễ tế đàn Xã Tắc, đám tang, lễ cưới, hỏi…

Phùng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ