(Tổ Quốc) - Chợ gắn với đời sống của mỗi vùng, mỗi miền, mỗi gia đình và mỗi người. Chợ không chỉ là nơi trao đổi, mua bán hàng hoá để duy trì cuộc sống hàng ngày và còn là nơi hội tụ nhiều nét văn hoá của cộng đồng dân cư.
Ở Hà Nội nói riêng cũng như các địa phương các nói chung, chợ được hình thành từ rất sớm gắn với đời sống của người dân. Tuy nhiên theo dòng chảy thời gian và sự phát triển của một đô thị lớn, chợ đã và đang có những thay đổi. Để nhìn lại sự thay đổi này báo Tổ Quốc có loạt bài "Người Hà Nội và văn hóa chợ" để chúng ta hiểu hơn về nét văn hóa thú vị này và làm thế nào để giữ gìn, thích ứng, có sự điều chỉnh phù hợp giữa chợ xưa và nay.
Đa dạng và phong phú
Với Hà Nội, là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước thì chợ cũng rất đa dạng với quy mô, hình thức. Chợ có thể là nơi buôn bán tấp nập của cả một con phố với cùng một mặt hàng hay khác mặt hàng. Với sự hình thành các mặt hàng giống nhau không chỉ tạo nên sự cạnh tranh về giá cả, chất lượng mà tạo nên đặc sản, thương hiệu, thói quen như một sự ghi nhận của nơi đó. Và mỗi khi người dân có nhu cầu về mặt hàng đó thì "từ khoá, chợ nào, ở đâu" sẽ như một phản xạ tự nhiên, người mua sẽ đến đúng nơi.
Nhiều con phố của Hà Nội gắn với buôn bán, kinh doanh một mặt hàng nào đó thành phố hàng với 36 phố phường gắn với các cái tên từng đi vào thơ ca nhạc họa như: Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai…, thành ngõ chợ, phố chợ… và đến một cái tên có ý nghĩa rộng hơn là Kẻ Chợ.
Hà Nội có nhiều chợ nổi tiếng như chợ Đồng Xuân, chợ Mơ, chợ Hàng Lược, chợ Hàng Bè, chợ hoa Quảng An… được nhiều người biết đến. Những "tên hàng", tên chợ gắn với chính mặt hàng buôn bán hoặc một sản phẩm đặc trưng nào đó đủ để thấy nơi đây sầm uất và đa dạng các mặt hàng buôn bán. Chợ ở phố hàng thì duy trì đều đặn ngày này qua tháng khác khá ổn định các mặt hàng cũng như tần suất mở cửa.
Lại có những chợ dân sinh chỉ gắn với khu dân cư gần đó mà chẳng cần đến tên. Chợ có thể chỉ là một nơi tụ họp để mua bán lương thực thực phẩm, các nhu cầu thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày. Chợ dân sinh mùa nào thức ấy, chỉ cần nhìn vào các mặt hàng của chợ là biết đang mùa nào trong năm. Cũng có khi nắng, mưa hay ngày lễ tết thì chợ dân sinh đông hoặc vắng hơn.
Chợ phiên cũng là một loại hình khá phổ biến ở Hà Nội, nhất là các huyện ngoại thành. Chợ phiên thì chỉ đúng ngày đến phiên mới họp. Tần suất mỗi chợ phiên là khác nhau, có khi một tuần 1,2 lần, có khi một tháng 4 lần… Ngày họp chợ phiên thú vị ở chỗ phần lớn được tính bằng ngày âm theo quan niệm của lớp người xa xưa truyền lại, có khi bằng câu thơ, câu nói có vần cho dễ thuộc và dễ nhớ. Nhiều người chưa rõ vì sao các cụ ngày xưa lại truyền lại việc ấn định các ngày đó là chợ phiên, bất kể vào ngày thường hay ngày nghỉ. Lại có người cho rằng vì đó là khoảng cách thời gian hợp lý để người dân ở khu vực đó có nhu cầu tới chợ mua bán, trao đổi các mặt hàng.
Lại có những chợ một năm chỉ đến dịp mới diễn ra như chợ hoa tết thì dịp cuối năm mới thấy bày bán các loại hoa tết, cây cảnh như quất, đào, mai, thủy tiên... Chợ rằm tháng bảy thì bán đồ hàng mã. Chợ bán đồ Trung thu thì gần dịp rằm tháng 8 mới diễn ra, chợ bán đồ cổ thì gần Tết mới diễn ra.
Văn hóa chợ
Chợ là một trong những địa chỉ khá thân thuộc gần gũi với mỗi người. Hầu như trong đời người, bằng cách này hay cách khác thì ai cũng phải ra chợ, cũng được trải nghiệm hoạt động mua bán ở chợ.
Nếu tạm bỏ đi những mặt còn hạn chế diễn ra ở chợ như việc nói thách, bán hàng kém chất lượng… thì ở khía cạnh khác, chợ là sự biểu thị của sự sống, giao thương buôn bán và phát triển. Nhìn vào quy mô chợ người ta ngoài đoán định được không gian và thời gian, đang mùa gì, ở vùng miền nào thì còn có thể nhận ra sự phát triển của khu vực đó ra sao. Làng quê nghèo thì chợ cũng đơn giản, ít mặt hàng hơn. Phố xá sầm uất thì chợ đa dạng, nhiều mặt hàng, quy mô lớn.
Chợ cũng là không gian để giao lưu giữa người với người thông qua hoạt động mua bán. Nhiều mối quan hệ được thiết lập từ người bán với người mua, người bán với người bán ở chợ. Sự đa dạng từ sở thích, tính cách của mỗi người cũng tạo những nét riêng biệt cho chợ.
Chợ còn là nơi lưu giữ những ký ức đẹp của mỗi người. Tuổi thơ hẳn ai cũng từng hạnh phúc, vui sướng khi được mẹ cho ra chợ mua một vài món đồ yêu thích. Là cảm giác "mong như mong mẹ đi chợ về", vì thế nào mẹ đi chợ về cũng đầy ắp đồ ăn, quà bánh dành riêng cho trẻ con. Mỗi lần mẹ đi chợ về là gia đình có một bữa cơm sum vầy. Nhìn thấy mẹ đi chợ mua hàng là thấy niềm vui, trong đó có cả sự ấm no, đủ đầy. Và nếu có những ngày mẹ ra chợ để bán hàng thì thường gắn với hình ảnh người phụ nữ tần tảo, chăm lo cho gia đình.
Có thể nói, ở Hà Nội, từ xưa đến nay chợ không chỉ là nơi mua bán thông thường mà nó còn là nơi có những nét văn hóa thú vị, tạo nên những ký ức đẹp, giống như nhiều nhà văn hóa nhận định rằng văn hóa Kẻ Chợ là một phần của văn hóa Thăng Long.