• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người Hội An bảo vệ di tích trong mùa mưa bão

Thời sự 12/10/2022 09:48

(Tổ Quốc) - Mỗi đợt mưa bão, nhiều tuyến đường ở Hội An (tỉnh Quảng Nam) thường ngập nước, người dân nơi đây và du khách lại chung tay dọn dẹp rác, quét bùn, khơi thông dòng chảy, nhằm giữ gìn mỹ quan cho thành phố.

Với người dân Hội An, Di sản văn hóa thế giới này là tài sản lớn nhất. Họ ý thức rõ trách nhiệm phải bảo vệ di sản nhằm phát huy những giá trị văn hóa và đem lại kinh tế cho địa phương.

Tất bật chạy lụt

Mưa lớn trong những ngày qua khiến nhiều tuyến đường ở Hội An ngập nước. Tại phố cổ, nước bắt đầu dâng lên từ 20 giờ ngày 10/10. Một số tuyến đường bị ngập nặng như Bạch Đằng, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi…, có đoạn ngập sâu hơn 2m, người dân phải dùng ghe để đi lại.

Chị Lê Thị Oanh, chủ một quầy lưu niệm trên đường Nguyễn Thái Học cho hay, nước tràn qua đường Bạch Đằng và ngập đường Nguyễn Thái Học vào tối 10/10.

"Nước lũ lên rất nhanh, may mà bà con trong khu phố cổ chuẩn bị từ trước nên hàng lưu niệm, đồ đạc đã được kê lên cao", chị Oanh chia sẻ.

Người Hội An bảo vệ di tích trong mùa mưa bão  - Ảnh 1.

Nước lũ dâng mấp mé Chùa Cầu, chiều 11/10.

Ở những vùng trũng như khu An Hội, nhiều du khách trả khách sạn, homestay..., thuê ghe để sơ tán. Một nhóm du khách Hàn Quốc và Thái Lan bày tỏ xúc động khi được hỗ trợ rời khu vực nước ngập bằng ghe. "Tôi đến Hội An nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tôi thấy cảnh nước ngập. Các nhân viên khách sạn đã nhiệt tình giúp chúng tôi di chuyển vào khu vực trung tâm", ông Anutin nói.

Chị Phạm Thị Huế (26 tuổi, nhân viên cửa hàng áo quần và đồ lưu niệm trên đường Bạch Đằng) cho biết, mỗi khi có dự báo xảy ra bão lụt, cửa hàng nơi chị làm việc và nhiều tiệm khác đều tổ chức dọn hàng lên tầng hai để tránh thiệt hại.

"Khi nước rút, không ai bảo ai, chúng tôi dọn dẹp bùn non, lau chùi nhà cửa. Năm nào cũng có mưa lụt, chúng tôi cứ di dời và dọn vệ sinh đường phố như thế, riết rồi quen", chị Huế kể.

Hồi cuối tháng 9, bão số 4 Noru gây mưa lớn. Sau khi bão tan, nước từ thượng nguồn đổ về khiến sông Hoài tràn bờ làm ngập phố cổ. Chiều 28/9, người dân phố Hội và nhiều du khách nước ngoài đi sơ tán trở về đã cùng nhau dọn rác, làm sạch đường phố, khơi thông dòng chảy.

Phân loại di tích xuống cấp để chằng chống phù hợp

Theo ông Tống Quốc Hưng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Hội An, người dân phố Hội đã quen với lũ lụt vì nơi đây là hạ nguồn của sông Thu Bồn.

Ông Hưng cho biết: "Khi có cảnh báo mưa bão, lũ lụt, người dân Hội An chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để có phương án chằng chống nhà cửa, bởi đa số những ngôi nhà trong khu phố cổ đã tồn tại từ rất lâu".

Hằng năm, trước mùa bão lũ, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An phối hợp với các địa phương tập trung nhiều di tích như phường Minh An, phường Cẩm Phô… khảo sát về mức độ hư hỏng của các di tích để có phương án chống đỡ.

Ông Hưng cho hay, với 13 di tích trong khu phố cổ có dấu hiệu xuống cấp, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đã kịp thời phối hợp cùng chính quyền địa phương để có giải pháp chống đỡ.

"Đặc biệt, Chùa Cầu - biểu tượng của Hội An - luôn được ưu tiên chống đỡ, bảo vệ trước, và phải chống đỡ kỹ. Do chủ động phương án phòng chống bão lụt nên các khung gỗ chống đỡ đã được Trung tâm chuẩn bị sẵn, thợ chỉ việc lắp ráp. Vì vậy, trong bão số 4 Noru vừa qua, các di tích hầu như không bị hư hại", ông Hưng nói.

Người Hội An bảo vệ di tích trong mùa mưa bão  - Ảnh 2.

Khu phố cổ Hội An hiện có hơn 1.300 di tích, với nhiều loại hình như chùa, hội quán, công trình kiến trúc tín ngưỡng và nhiều nhất là nhà ở của dân.

Theo ông Võ Duy Trung - Trưởng phòng Quản lý trùng tu di tích khu phố cổ (Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An), tại khu vực 1 (các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong) khu phố cổ Hội An hiện có hơn 1.300 di tích, với nhiều loại hình như chùa, hội quán, công trình kiến trúc tín ngưỡng và nhiều nhất là nhà ở của dân. Các di tích phân bổ mật độ dày đặc, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ. Trong đó, 82% di tích thuộc sở hữu tư nhân.

Hằng năm, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tổ chức điều tra, khảo sát tất cả các di tích để phân loại mức độ xuống cấp, từ đó có biện pháp chằng chống phù hợp, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.

Trong đợt khảo sát vừa qua, có khoảng 45 di tích xuống cấp, gồm 3 mức độ: nhẹ, nặng và xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Trung cũng xác nhận có 13 di tích xuống cấp trầm trọng và đáng quan ngại. "Vì các di tích xuống cấp trầm trọng nên việc chằng chống gặp nhiều khó khăn. Nếu bão đổ bộ thì sẽ phải di dời dân ra khỏi các di tích xuống cấp này. Trường hợp nào không di dời, chúng tôi buộc phải có biện pháp cưỡng chế để bảo vệ tính mạng của người dân", ông Trung nói.

Trước mùa mưa bão, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An luôn gửi văn bản đến các phường hoặc gửi trực tiếp đến những ngôi nhà xuống cấp để người dân biết và phòng tránh. Với những hộ neo đơn, người già, Trung tâm sẽ hỗ trợ việc chằng chống nhà cửa. Thậm chí, Trung tâm còn cho mượn gỗ để chằng chống đối với những hộ không có điều kiện mua gỗ.

Người Hội An bảo vệ di tích trong mùa mưa bão  - Ảnh 3.

Sau khi nước lũ rút, người dân cùng du khách dọn dẹp hàng quán, đường phố, trả lại vẻ đẹp cho Hội An. Trong ảnh là người dân cùng du khách dọn dẹp sau khi lũ rút đợt bão số 4 Noru cuối tháng 9 vừa qua.

Thật vui khi du khách vẫn chọn điểm đến Hội An!

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP Hội An khẳng định: "Thành phố linh hoạt trong việc phòng chống, ứng phó với bão lụt. Vào mùa mưa bão, chúng tôi hầu như không tổ chức các hoạt động, sự kiện lớn; chỉ có một số hoạt động, sự kiện vừa và nhỏ trong khu phố cổ để phục vụ du khách. Việc hướng dẫn khách tham quan cũng được điều tiết phù hợp. Nếu có bão, lũ dâng, các hoạt động hướng dẫn tham quan tạm dừng để phục vụ công tác phòng chống bão lụt".

Bà Cẩm cho hay, có năm Hội An ngập lụt 8-9 lần với mức độ nặng nhẹ khác nhau. "Lần nào ngập lụt cũng có sự chung tay dọn dẹp của người dân cùng du khách trong và ngoài nước. Thật vui khi du khách vẫn chọn Hội An làm điểm đến trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào và chung tay cùng người dân phố Hội khắc phục bão lũ. Chính điều đó đã tiếp thêm động lực để chúng tôi xây dựng điểm đến Hội An ngày càng tốt hơn", bà Cẩm nói.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ