Người H're bảo tồn chiêng Ba, nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Thực hiện: Hương An | 12/11/2022
(Tổ Quốc) - Nghề dệt thổ cẩm truyền thống và chiêng Ba – nhạc cụ tiêu biểu của người H’re (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) được các gia đình gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào H’re ở làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2019. Đây được xem là mốc hồi sinh cho nghề dệt thổ cẩm làng Teng.
Nghề dệt thổ cẩm khẳng định sắc thái văn hóa truyền thống độc đáo của tộc người H’re, được lưu truyền từ lâu đời và được bảo tồn, phát triển, thể hiện qua cách tạo hình hoa văn trên sản phẩm dệt thổ cẩm và trang phục truyền thống.
Theo các già làng, nguyên liệu chủ yếu dùng trong nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng là bông. Bông sau khi được thu hoạch từ rẫy, được mang về phơi khô tách hạt, nhồi mịn, kéo thành sợi, sau đó đem nhuộm thành nhiều màu khác nhau, rồi đưa vào dệt.
Thổ cẩm làng Teng được dệt bằng tay. Để tạo ra các sản phẩm cần nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, tỉ mỉ...
Mỗi sản phẩm thổ cẩm của đồng bào H're không chỉ là một sản phẩm hàng hóa thông thường mà còn là sản phẩm tinh thần để người thợ dệt gửi gắm tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình.
Đến nay, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm nhưng nghề dệt thổ cẩm truyền thống vẫn được đồng bào nơi đây nỗ lực, quyết tâm gìn giữ. “Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của làng, được trao truyền qua nhiều thế hệ. Lớp trẻ bây giờ khéo tay, mắt cũng tinh hơn nên dệt vải đẹp hơn lớp già như chúng tôi. Thổ cẩm của làng không còn lo thất truyền nữa”, nghệ nhân Phạm Thị Thiều (79 tuổi) chia sẻ.
Màu chủ đạo trong trang phục thổ cẩm làng Teng là đen và đỏ. Người H’re quan niệm, màu đen trên tấm thổ cẩm tượng trưng cho nước và đất là âm tính, nữ tính, còn màu đỏ là thế giới vô hình, tượng trưng cho thần linh, là dương tính, thuộc về nam giới.
Hoa văn trên đồ dệt thổ cẩm là những họa tiết gắn liền với thiên nhiên núi rừng, sông nước, cây cối, hoa lá và các hoa văn hình học cách điệu như những đường viền màu song song, hình tam giác cân, các hình vuông xếp cạnh nhau.
Theo lãnh đạo huyện Ba Tơ, để làng nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng tiếp tục phát triển, ngoài mặt hàng thổ cẩm du lịch, người dệt thổ cẩm còn phải tập trung theo hướng sản xuất các loại vải dùng để may áo dài, may túi xách thời trang, đồng phục... với nhiều hoa văn đa dạng, đậm nét văn hóa của người H’re nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của đông đảo khách hàng.
Để phát triển nghề, từ năm 2021, HTX dịch vụ nông - lâm - du lịch - văn hóa làng Teng được thành lập với 19 thành viên với mục đích hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thành viên, nhất là các thành viên trong Tổ dệt thổ cẩm làng Teng phát triển nghề dệt truyền thống, quảng bá sản phẩm thổ cẩm, mở hướng phát triển mạnh du lịch. Từ đó, góp phần tiêu thụ sản phẩm, đưa nghề dệt thổ cẩm phát triển và giúp người dân gắn bó với nghề này nâng cao đời sống.
Người H’re ở Quảng Ngãi sinh sống chủ yếu ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long. Tuy nhiên, chỉ có người H’re ở huyện Ba Tơ, mới biết trình diễn chiêng Ba và trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống.
Chiêng Ba là nhạc cụ phổ biến nhất của người H’re và mang tính đặc trưng tiêu biểu của người H’re ở huyện Ba Tơ. Theo dân làng, gọi là chiêng Ba bởi lẽ bộ chiêng này có 3 chiếc. Ba chiếc chiêng (còn gọi là chinh) có kích cỡ không bằng nhau. Chiếc lớn có tên là chiêng Vông, chiếc nhỏ hơn là chiêng Tum, chiếc nhỏ nhất là chiêng Túc. Đánh chiêng thì gọi là túc chinh.
Khi trình diễn, chiêng Vông được để nghiêng, chiêng Tum để nằm, chiêngTúc treo trên dây. Khi đánh thì chiêng Tum đóng vai trò giữ nhịp, chiêng Vông và chiêng Túc theo giai điệu. Chiêng Vông và chiêng Tum đánh bằng nắm tay trần, chiêng Túc đánh bằng nắm tay có quấn khăn để tiếng chiêng được ấm.
“Chiêng Ba ra đời từ rất lâu rồi, từ lúc sinh ra đã thấy. Chiêng Ba là độc nhất vô nhị của người H’re là vì nó đắt tiền, nó đổi được bằng tiền, bạc, trâu, bò rồi tiếng chiêng được dùng trong dịp tết, cúng, dịp lễ tết, nói chung là ngày vui là đều dùng. Cha mẹ đều biết đánh chiêng. Khi cha mất có để lại cho 5 anh em mỗi người mỗi bộ chiêng, trai hay gái đều có. Con gái nếu không chơi thì để lại cho chồng, con, không được bán”, ông Phạm Văn Rôm (xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ) cho biết.
Tuyệt đại đa số chiêng của người H’re là dàn chiêng Ba chiếc được các gia đình lưu truyền, gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác như báu vật của gia đình. Trải qua hàng trăm năm, tiếng chiêng Ba trở thành âm thanh quen thuộc và gắn bó với lớp lớp người H’re. Chiêng ba có âm thanh hoang sơ rất lạ, rất riêng. Từ tiết tấu, nhịp điệu đến sự phối âm, phối bè, sử dụng công phu tài tình, tinh tế của người đánh chiêng, có khởi đầu, có cao trào, có kết thúc, khi trầm hùng khi náo nức khi rạo rực thổn thức, lúc cao trào mạnh mẽ, dồn dập, thôi thúc.
Chiêng được đúc bằng đồng và khá nặng, nên việc đánh chiêng thường do đàn ông đảm nhận. Nhưng vì say mê thứ âm thanh huyền bí và gắn bó máu thịt với dân tộc mình, nhiều người phụ nữ H’re vẫn tìm tòi, học cách sử dụng. “Ngay từ nhỏ đã thuộc lòng nhiều làn điệu ta lêu, ca choi của người H’re. Cứ mỗi dịp lễ hội, đám cưới…, hòa cùng tiếng chiêng Ba và các nhạc khí khác, dân làng lại cùng nhau ca múa. Chiêng Ba làm nhiều người say mê lắm, cả người đánh lẫn người nghe. Khi đánh chiêng thấy lòng vui sướng, quên hết mệt nhọc, lo âu. Ông chồng lúc còn sống cũng biết đánh chiêng”, bà Phạm Thị Sỹ (xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ) chia sẻ.
Người H’re huyện Ba Tơ rất coi trọng bộ chiêng Ba và cất giữ như tài sản quý. Hiện trên địa bàn có 890 hộ gia đình có chiêng, với trên 900 bộ chiêng Ba và 740 người biết sử dụng. Năm 2021, nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người H’re ở Ba Tơ được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.