(Tổ Quốc) - Tết Nguyên Đán cận kề, người dân làng Kim Long, TP. Huế lại tất bật đỏ lửa để cho ra những mẻ gừng cay nồng, thơm ngon.
Người Huế nổi lửa làm mứt gừng dịp Tết Nguyên Đánâm
Hàng năm cứ đến độ tháng Chạp, người dân Huế lại rộn ràng chuẩn bị các nguyên liệu để làm mứt gừng. Đặc biệt là bà con vùng Kim Long, TP. Huế bởi nơi đây vốn nổi tiếng với đặc sản là mứt gừng có cách làm truyền thống hơn 200 trăm năm được ông cha lưu giữ truyền lại cho con cháu qua từng thế hệ.
Những dịp như thế này mùi mứt gừng từ những bếp củi quyện mùi khói phảng phất từ đầu ngõ đến cuối xóm làm vương vấn những người qua lại, báo hiệu sắp đến thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới.
Mứt gừng làng Kim Long "nức tiếng" cố đô
Gừng tươi được lấy từ ngôi làng có tên là Bằng Lãng, ngã ba Tuần, xã Thuỷ Bằng. Nơi đây đặc trưng là vùng đất đồi pha sỏi, nơi hai nhánh tả và hữu của sông Hương gặp nhau nên gừng có vị đậm đà, thơm hơn so với gừng được trồng ở những nơi khác.
Mứt gừng phải được chọn từ những củ gừng vừa phải, không quá già cũng không quá non, gừng già quá khi làm mứt sẽ có xơ, còn dùng gừng non thì sẽ không đủ độ thơm.
Muốn làm được mẻ mứt gừng thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn, củ gừng được làm sạch, cạo vỏ rồi bào thành từng lát mỏng vừa tay, sau đó mang đi ngâm với nước vo gạo để giảm bớt độ cay của gừng, sau khi ngâm đủ giờ thì vớt ra rửa lại với nước sạch để ráo, bà con sẽ cân đo đong đếm lượng đường vừa đủ bỏ vào gừng. Tiếp đó lại đun sôi nước luộc gừng rồi thêm một ít chanh tươi vào.
Nổi lửa lên rồi rim gừng với đường trên chảo lớn, ngào mứt gừng là công đoạn tốn nhiều công sức bởi người thợ phải canh rồi đảo gừng liên tục để gừng không bị cháy, rim trong lửa nhỏ trong khoảng 20 phút là mứt đã đạt. Sau đó để mứt ráo khô một cách tự nhiên rồi đóng gói thành phẩm.
Ông Nguyễn Văn Dân (SN 1958, trú tại 67 Phạm Thị Liên, phường Kim Long, TP. Huế) là một trong những hộ gia đình còn gắn bó về nghề cho biết, công đoạn khó nhất để một mẻ mứt gừng đạt chuẩn đó là rim gừng liu riu trên lửa củi và phải đứng canh, đảo liên tục để nước đường chảy vàng óng ánh thấm dần vị ngọt vào từng lát gừng, khi ngào gừng xong thì sản phẩm sẽ không bị cháy hay bị khét.
Đặc biệt khi chế biến mứt gừng thì bà con sẽ không dùng chất tạo màu, tạo mùi hay chất bảo quản nhưng mứt vẫn có thể để được lâu không hư hỏng và hương vị bao đời nay vẫn vậy, cay nồng, ngọt thanh quyến luyến đầu môi.
Nỗi lo mai một nghề truyền thống
Tuy mứt gừng làng Kim Long nổi tiếng là thế nhưng người dân ở nơi đây đã không còn mấy mặn mà với nghề, từ một vùng có hơn 100 trăm hộ làm nghề, nay chỉ còn lác đác hơn chục hộ gia đình còn làm mứt gừng.
Ông Nguyễn Văn Dân đã có hơn 30 năm làm mứt gừng, tuy nhiều kỹ thuật hiện đại đã xuất hiện nhưng ông vẫn giữ cách làm thủ công đã được ông cha truyền lại, cứ đến độ xuân về là gia đình ông lại nổi lửa từ sáng cho đến tối muộn để cho ra những mẻ mứt cay mồng.
Lửa củi tí tách, tiếng nói cười râm ran và những chuyến xe chở gừng ra vào đầu ngõ, những âm thanh sống động rộn ràng ấy chỉ có ở làng mứt gừng Kim Long vào những ngày giáp tết.
Ông Dân chia sẻ, bởi công đoạn làm mứt cầu kỳ và tốn nhiều công sức nên nhiều nhà đã bỏ nghề, đây cũng là điều khiến ông nuối tiếc bởi làng nghề đã có từ lâu.
Vất vả là thế nhưng ông Dân vẫn luôn nhủ lòng bám trụ bởi đây là nghề mà ông được cha mẹ chỉ dạy lại, con cháu trong nhà ai cũng biết làm và cứ độ vào mùa là lại phụ gia đình làm mứt, đóng gói bán ra nhiều tỉnh thành.
Dù phương pháp chế biến hoàn toàn thủ công và sử dụng nhiên liệu củi theo truyền thống tốn nhiều thời gian, công sức nhưng ông Dân và một số người làm mứt làng Kim Long vẫn "sắc son" với cách làm này để lưu giữ hương vị đặc trưng của sản phẩm địa phương.
Tết đến xuân về làm mứt là nét đẹp không chỉ riêng bà con làng Kim Long mà còn là truyền thống của người Huế. Cũng chính vì thế mà trên mâm bánh kẹo của người dân trong những ngày Tết không thể thiếu mứt gừng, chén trà đầu môi với lát mứt gừng trong tiết trời đầu xuân se lạnh chính là nét đặc trưng ngày tết của Huế.