(Tổ Quốc) - Hiểu sâu sắc về lịch sử của ngôi làng hàng trăm năm tuổi nằm bên vịnh Đà Nẵng, dưới chân đèo Hải Vân, ông Đặng Dùng đã miệt mài góp nhặt những câu chuyện của làng mình để lưu lại cho thế hệ mai sau. Người dân nơi đây gọi ông là “Sử gia làng Nam Ô”, “nhà Nam Ô học”.
Nhắc đến cái tên "Sử gia làng Nam Ô" hay "nhà Nam Ô học", ông Đặng Dùng lắc đầu, tự nhận mình đơn thuần là người kể chuyện làng. "Tôi chỉ là người quan tâm "quá đáng" về quê xứ mình đang sống, lại mang nỗi lo bao đồng, hay ghi nhớ những chuyện của các bô lão trong làng nhiều thời, nhiều lớp tuổi kể lại…"- ông Đặng Dùng nói.
Chỉ vì yêu làng
Sinh ra và lớn lên ở làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), ông Đặng Dùng nói rằng, hồn cốt muối mặn ông cha cùng những câu chuyện về các di tích, di chỉ văn hóa, lịch sử Việt - Chăm đã ngấm vào người ông từ lúc nào chẳng hay.
Ông chỉ học trường làng, điều kiện học hành có hạn, không học qua bất kỳ trường lớp Sử nào. Thuở nhỏ, ông thường nghe các bậc cao niên trong làng kể chuyện. Ngày qua ngày, những câu chuyện phủ bóng thời gian đó gieo vào ông tình yêu làng, yêu văn hóa làng, hiểu về ý thức cố kết cộng đồng rất cao của người Việt, hiểu sự cần thiết phải bảo tồn những "di sản" vật thể và phi vật thể vô giá của Nam Ô - ngôi làng chài cổ bậc nhất xứ Đàng Trong.
Thói quen ghi chép và ham đọc sách được hình thành trong cậu bé Đặng Dùng. Lớn lên, hễ tìm được cuốn sách nào nói về làng Nam Ô, ông đem ra đối chiếu với những gì mà mình đã ghi lại.
Càng tìm hiểu về làng, ông càng tự hào về ngôi làng có phong cảnh hữu tình, lại nổi tiếng với nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản, làm nước mắm và làm pháo.
Ông nhắc đến nghề làm nước mắm Nam Ô thơm ngon nức tiếng; nghề làm pháo nổ, pháo hoa cho ngày Tết cổ truyền thêm rộn ràng; nghề làm guốc mộc có từ cách đây cả trăm năm, từng nuôi sống nhiều gia đình của hai làng Nam Ô và Xuân Dương; rồi cả món gỏi cá trứ danh được làm từ cá ve, cá trích hay cá cơm, ăn chỉ biết no chứ không biết ngán…
Người kể chuyện làng Nam Ô luôn nói về ngôi làng của mình một cách say sưa, ánh mắt rạng rỡ khi đọc câu ca dao xưa: "Nam Ô không ở là quê/ Sông sau biển trước núi kề một bên".
Nhiều người vẫn cắt nghĩa Nam Ô là cửa ngõ phía Nam của Châu Ô. Ông Đặng Dùng lý giải không phải "cửa ngõ" hay "cửa ô" gì cả. Tên xa xưa là Hoa Ổ, tức cồn đất có nhiều hoa. Cuốn "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn có đoạn ghi địa danh "Chân Sảng Tây thôn, giang niêm Hoa Ổ xã".
Mẹ vua Thiệu Trị đã đổi tên Hoa Ổ thành Hóa Ổ. Dưới thời Minh Mạng, Hóa Ổ được đổi thành Nam Ổ. Người Pháp đọc không dấu thanh, đọc trại thành Nam Ô, cứ thế lâu ngày thành quen.
Trăn trở mai một "những người muôn năm cũ"
Trong căn nhà nhỏ cách biển Nam Ô chỉ mấy bước chân, ông Đặng Dùng vẫn đau đáu nỗi lo của "những người muôn năm cũ" bởi ngôi làng cổ đang dần hiện đại và đổi thay theo nhịp thời gian.
"Đó là quy luật tất yếu nhưng tôi cảm thấy tiếc về những cái có thể bị mất đi. Mất cái áo, cái quần thì sắm lại dễ, nhưng mất văn hóa là không còn. Vì vậy, tôi quan tâm đến làng trong nỗi buồn phiền. Tôi lo những cái xù xì đáng ra nên được giữ lại thì sẽ mất đi theo thời gian", ông Đặng Dùng bày tỏ.
Ông đưa chúng tôi đến những giếng cổ của làng. Giếng có 4 cạnh hình vuông được ghép bằng những tấm đá thanh dày trên 10cm, rộng 0,45cm, chồng ghép lên nhau từ mạch nước ngầm lên mặt đất. Các cạnh khớp chắc vào rãnh các trụ và tang giếng cũng bằng đá cùng loại.
Có 8 giếng như thế ở làng Nam Ô gồm: giếng Đình, giếng Thành Chung, giếng Lăng, giếng Chùa, giếng Cồn Trò, giếng Quán Hoa Ổ (bà Bang), giếng bến đò Cu Đê (ông Sõi) và giếng Tú Lâm.
"Các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm cho rằng, chẳng nơi nào có mật độ giếng cổ đông đúc như ở đây. Song, hiện chỉ còn 4 giếng thấy trên mặt đất, dưới mắt nhìn", ông Đặng Dùng nói, rồi cho biết thêm: Theo quan niệm văn hóa tâm linh xưa gắn với yếu tố phong thủy, giếng chứa đựng 3 yếu tố là đất, nước và không khí - một tổng hòa quan trọng trong không gian sống của người xưa.
Ở tuổi 74, ông Đặng Dùng lo rằng, thế hệ của ông mất đi thì lớp trẻ sau này còn ai quan tâm giếng cổ; ai quan tâm đình làng, lăng, miếu, hay các lễ hội của làng Nam Ô. Ông muốn lưu giữ những ký ức lịch sử, văn hóa tâm linh, những tín ngưỡng dân gian cựu truyền, những nghề nghiệp tạo ra sản phẩm từng vang danh…
Vì vậy, ông đem những hiểu biết của mình về dấu tích, di tích, nghề nghiệp, đặc sản, lời ăn tiếng nói… viết thành từng câu chuyện của quá khứ và hiện tại, tập hợp cả những bài viết từng đăng trên các báo vào cuốn sách "Nam Ô và những chuyện kể", vừa được NXB Đà Nẵng ra mắt trong những ngày cuối tháng 12/2022.
Cuốn sách minh chứng rằng, Nam Ô hội đủ đền thiêng, sông thiêng, núi thiêng, là tuyệt tác giữa sóng biển và mây ngàn, giữa rừng và bãi, tiếng chuông chùa hòa lẫn sóng ven sông… như vốn có từ ngàn năm trước, khi dấu chân của cư dân "Nam tiến" đầu tiên đặt đến xứ này.
Trong cuốn sách, ông ký bút danh là Đặng Phương Trứ, lấy tên của hai danh tướng mà ông ngưỡng mộ về khí phách: Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Công Trứ.
TS. Sử học Lưu Anh Rô cho rằng, ông Đặng Dùng (Đặng Phương Trứ) đã giới thiệu đến bạn đọc một Nam Ô của hư và thực, giữa cái hiện hữu và vô hình, giữa quá khứ và hiện tại đan xen, nơi là phố mà thực sự là làng, nơi là làng nhưng đang là phố, nơi giữ được sự mộc mạc, chân chất của thời Ô Lý nhưng vẫn dung hòa cái mới tân thời.
"Nam Ô trạm, Nam Ô cầu, Nam Ô đình, Nam Ô miếu, Nam Ô chợ, Nam Ô chùa, Nam Ô vịnh, Nam Ô pháo, Nam Ô mắm…, tất cả đều là những mảnh ghép bổ sung nhau làm nên một bức tranh Nam Ô hoàn chỉnh mà hồn cốt thì chẳng thể lẫn vào đâu được", TS. Lưu Anh Rô nhận định.
Những người chuyện trò với ông Đặng Dùng đều có chung cảm nhận rằng, chưa thấy ai yêu Nam Ô như "nhà Nam Ô học" này.
Còn với ông Đặng Dùng, những chia sẻ của ông là ký ức chân thành về một làng biển cổ hiếm hoi còn sót lại, mà mỗi con sóng, hòn đá, rừng cây, giếng nước, đình, lăng, chùa, miếu đều mang chút hồn văn hóa, đang kêu gọi mọi người đừng lãng quên.