• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người lao động làm việc tại nước ngoài: Không đi theo con đường bất hợp pháp

Thời sự 05/11/2019 19:52

(Tổ Quốc) - Tối 5/11, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, các Bộ trưởng đã trả lời thông tin liên quan tới vụ việc 39 người tử vong trong container ở Anh.

Bài học sâu sắc trong quản lý lao động

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, liên quan đến vụ việc 39 người tử vong ở Anh, mở đầu phiên họp Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin được gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình nạn nhân.

"Đây là sự việc gây bàng hoàng cho người dân và gia đình các nạn nhân"- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Ngay sau sự việc xảy ra, ngày 25/10, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan (Bộ Công an, Bộ Ngoại giao) yêu cầu làm rõ nguyên nhân và có biện pháp phối hợp với cơ quan chức năng của Anh để xử lý vụ việc.

Người lao động làm việc tại nước ngoài: Không đi theo con đường bất hợp pháp  - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Minh Khánh

"Đến thời điểm này, công tác xác định danh tính các nạn nhân đang được tiến hành khẩn trương, thận trọng và yêu cầu thật chính xác. Danh tính các nạn nhân sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất, khi phía cơ quan của Anh công bố thì chúng ta cũng công bố", ông Mai Tiến Dũng nói.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong chỉ đạo Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương (Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình...) hết sức động viên thân nhân nạn nhân, bằng các biện pháp thích hợp nhất để bù đắp nỗi đau của các gia đình nạn nhân. Đồng thời đưa ra các biện pháp hỗ trợ trong khả năng của địa phương.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng Việt Nam được yêu cầu xác minh danh tính người thiệt mạng, đưa họ về quê hương sớm nhất. Đồng thời hoàn tất thủ tục điều tra, nghiêm trị người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đây là bài học sâu sắc trong công tác quản lý, bởi đây là vụ việc di cư bất hợp pháp. Việt Nam luôn luôn lên án mạnh mẽ tội phạm đưa người di cư bất hợp pháp, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc phòng chống loại tội phạm này.

Không đi theo con đường bất hợp pháp

Liên quan tới quản lý lao động, là người chịu trách nhiệm quản lý ngành, tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã gửi lời chia buồn tới thân nhân các gia đình có người bị nạn.

Về quản lý lao động ngoài nước, Bộ trưởng cho hay cần phân biệt rõ loại hình tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác với việc chúng ta đang tổ chức cho lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài.

Người lao động làm việc tại nước ngoài: Không đi theo con đường bất hợp pháp  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung. Ảnh: Minh Khánh

Riêng việc tổ chức lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài chúng ta tuân thủ theo pháp luật, với các quốc gia chúng ta đưa lao động tới làm việc đều có các bản ghi nhớ về lao động giữa 2 quốc gia.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 3 năm qua, mỗi năm chúng ta đưa khoảng trên 100.000  người đi lao động các nước, riêng khu vực châu Âu chúng ta ký hợp tác với 2 nước là Rumani khoảng 3.000 người và mới đây đã ký đưa điều dưỡng viên đi lao động tại Đức với hơn 1.000 điều dưỡng viên.

"Tôi trực tiếp vào nơi làm việc, ăn ở của các em tương đối tốt, chúng tôi cũng đàm phán để nâng mức lương từ 2.600 lên 3.000 EURO/tháng"- Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ cũng đảm bảo sự minh bạch, công khai khi đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Thời gian qua, Bộ xử lý nhiều hiện tượng DN không có chức năng nhưng trá hình đưa lao động đi và không được cấp giấy phép nhưng làm chui, lậu. Với các DN đưa lao động trái phép đi làm việc tại nước ngoài, Bộ đã đưa hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Trong 400 DN kinh doanh lĩnh vực này, Bộ đã thanh tra hơn 100 DN và trực tiếp Bộ trưởng thu hồi, đình chỉ thậm chí cấm vĩnh viễn một số DN vi phạm, trong đó có cả các DN có truyền thống trong lĩnh vực này.

Với địa bàn Nhật, Hàn Quốc, hai bên thống nhất, DN nào bên nước bạn và bên Việt Nam có sai phạm sẽ đều xử lý 2 nơi.

Với địa bàn có nhiều người lao động đi xuất khẩu nhưng không chịu về, hết thời hạn trốn ở lại, năm 2016, tỷ lệ này là 56% ở lại Hàn Quốc, thì hiện nay là 26%. "Bộ cũng áp dụng nhiều biện pháp như đình chỉ 48 huyện, 11 tỉnh không được cử lao động sang Hàn Quốc"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khuyến cáo người lao động đi theo con đường hợp pháp cần căn cứ vào các yếu tố: nước sở tại đó phải ký với Việt Nam và được bảo hộ công dân: có visa, có giấy phép lao động. Còn mức lương đều có sự thỏa thuận giữa các quốc gia, các thông tin này theo ông Đào Ngọc Dung đã công khai ở nhiều nơi cả các DN được phép xuất khẩu lao động.

"Không nên đi theo con đường bất hợp pháp và các đơn vị không được cấp phép"- Ông Đào ngọc Dung khuyến cáo./.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ