(Tổ Quốc) - “Đa phần người lao động sau khi mất việc làm đều rất trông chờ vào chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đó là mong muốn của họ cũng như sự đa dạng về nhu cầu”, ông Tạ Văn Thảo – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ.
Ông Tạ Văn Thảo – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (DVVLHN) trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc về chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh số lượng người lao động thất nghiệp do dịch bệnh Covid-19 ngày càng gia tăng.
-Xin ông cho biết số lượng người lao động tìm đến Trung tâm DVVL HN đến cuối tháng 9/2020?
+ Tính đến 10/9 tại Trung tâm ghi nhận khoảng 63.000 người đến để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
8 tháng đầu năm 2020 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đi vào cuộc sống với chiều dài 11 năm. Đây là một chính sách mới về an sinh xã hội có thể nói là rất thành công, thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo người lao động và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm thất nghiệp, qua số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước.
Theo quan sát thì 5 năm gần đây số lao động tìm đến Trung tâm DVVLHN luôn tăng trưởng từ 19%-21%/năm.
-Ông có thể chia sẻ về mong muốn của người lao động khi đến với Trung tâm DVVLHN?
+ Mong muốn của người lao động khi tìm đến Trung tâm DVVLHN là để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Có thể nói, đa phần người lao động sau khi mất việc làm đều rất trông chờ vào chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, mong muốn tiếp theo của họ là được tư vấn tìm việc làm mới phù hợp với nhu cầu.
Nhân đây tôi cũng chia sẻ rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp với 4 chế độ đã được quy định, gồm: Hưởng trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Với người lao động đến Trung tâm DVVLHN, họ sẽ được hưởng 3 chế độ đầu. Chế độ thứ 4 thì đối tượng thụ hưởng là người lao động nhưng bản chất là thông qua doanh nghiệp.
Qua quan sát người lao động đến Trung tâm DVVLHN, tôi thấy rằng, đối với người lao động thất nghiệp thì mong muốn của họ là có khoản trợ cấp thất nghiệp.Ngoài ra, cũng có rất nhiều người lao động mon tìm được việc làm ổn định để tiếp tục duy trì, đảm bảo cuộc sống; mong muốn được hỗ trợ học nghề để có cho mình một kỹ năng nghề tốt hơn để khi quay trở lại thị trường sẽ có được tâm thế, có được vị trí công việc phù hợp hơn, đầy đủ hơn.
-Qua thống kê, số lượng người lao động thất nghiệp trong lĩnh vực nào nhiều nhất, thưa ông?
+ Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 thì ngành nghề chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là ngành du lịch. Trung tâm đã có thống kê, khảo sát và đánh giá về ảnh hưởng của lĩnh vực việc làm nhà hàng, khách sạn, lưu trú và qua đó cũng đã có tư vấn, hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, có được công việc ổn định hơn.
-Ông có thể cho biết đâu là lĩnh vực người lao động quan tâm nhất khi tìm đến với Trung tâm DVVLHN?
+ Vấn đề này rất đa dạng. Thị trường lao động Hà Nội là thị trường tương đối hoàn chỉnh so với các thị trường lao động khác trên cả nước. Chúng tôi cũng đã khảo sát, tuy rằng khảo sát quy mô nhỏ thôi nhưng cũng nhận thấy rõ thời điểm này các lĩnh vực ứng dụng công nghệ như thương mại điện tử, các lĩnh vực mang tính sử dụng công nghệ số… đang được khá nhiều người lao động quan tâm.
câu 3
- Người lao động thất nghiệp là đối tượng bị tổn thương bởi họ không có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Vậy đứng trước những khó khăn đó, Trung tâm đã có những hỗ trợ như thế nào để giúp đỡ họ trong việc hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng như giúp họ tìm được công việc mới?
+ Về việc hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì ngay từ khi đại dịch bắt đầu Chính phủ đã nhanh chóng ban hành NQ 42, trong đó có những quy định cụ thể đối với người lao động thất nghiệp trong thời gian đại dịch Covid -19. Theo đó, học có thể gửi hồ sơ, khai báo trực tuyến đến các Trung tâm Dịch vụ việc làm để được đảm bảo quyền lợi.
Về nội dung này, chúng tôi cũng nhận được sự chỉ đạo của Cục Việc làm, của SởLĐTBXH trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và giải pháp để làm sao thông tin tuyên truyền và hướng dẫn cho người lao động thụ hưởng chính sách tốt nhất mà vẫn đảm bảo quy định của pháp luật về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
- Ông có thể chia sẻ những định hướng sắp tới để làm thế nào cho công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng hiệu quả hơn?
+ Trong 1-2 năm trở lại đây, Cục Việc làm – đơn vị tham mưu cho Bộ LĐTBXH rất quan tâm và đang xây dựng đề án trình Chính phủ về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Chúng tôi cũng được tham gia góp ý nội dung này. Trước thực trạng triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang ở giai đoạn gần như hậu Covid thì chúng tôi thấy rằng các cấp các ngành đều có những quan tâm rất lớn trong việc đồng hành cùng chúng tôi.
Chúng tôi mong muốn các cơ quan xây dựng chính sách có những điều chỉnh chính sách phù hợp trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là những quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của người lao động. Thêm nữa, tôi cũng mong rằng Trung tâm DVVLHN sẽ được quan tâm hơn nữa trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trước thềm kỷ nguyên số bởi đây là vấn đề quan trọng nhằm giảm tải thời gian và tạo nhiều điều kiện hơn cho người lao động, những người thụ hưởng chính sách.
Cuối cùng, tôi mong rằng, Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cũng như các cơ quan cấp trên quan tâm tạo điều kiện cho Trung tâm DVVLHN và các trung tâm trên cả nước trong việc đào tạo nâng cao kỹ năng trình độ cho cán bộ nhân viên thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
-Xin cảm ơn ông!