• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người Pháp kể chuyện về Điện Biên Phủ

Văn hoá 04/05/2019 11:20

(Tổ Quốc) - Các học giả và nghệ sĩ của Pháp và Việt Nam, trong đó phần lớn đều từng nghiên cứu và sáng tác về đề tài Điện Biên Phủ, vừa tham gia thuyết trình tại hội thảo "Kể chuyện Điện Biên Phủ" tại Hà nội.

Người Pháp kể chuyện về Điện Biên Phủ - Ảnh 1.

Mục đích của Hội thảo vừa diễn ra chiều ngày 2/5 nhằm "vượt ra ngoài một 'câu chuyện chiến đấu' chính trị - quân sự bằng cách tập trung vào các khía cạnh địa phương, quốc tế và ký ức của trận chiến này". Chính vì vậy mà , các vị khách Pháp đều là những diễn giả đặc biệt.

GS sử học Pierre Journoud (Trường đại học Paul - Valéry Montpellier) đã thực hiện nhiều cuốn sách về VN cũng như trận chiến Điện Biên Phủ: Tướng De Gaulle và VN: 1954 - 1969, Hòa giải (2011), Hồi ức Điện Biên Phủ: Các nhân chứng lên tiếng (2004), và cuốn sách mới nhất Điện Biên Phủ - Nơi tận cùng thế giới vừa được xuất bản vào tháng 4/2019. GS Pierre Journoud cho hay, từ những năm 1968 cho đến bây giờ, nhiều nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương, cuộc chiến Điện Biên Phủ đã được công bố tại Pháp. Các nhà sử học luôn tìm cách tiếp cận theo những hướng mới với trận đánh huyền thoại này, chẳng hạn như nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật quân sự của người Việt trong quá khứ để dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ, hay tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ tới những nước ở thế giới thứ ba...GS Journoud còn là tác giả của 17 công trình nghiên cứu và 2 bài báo mà tuyệt đại đa số là về Việt Nam và quan hệ Việt Pháp. Giáo sư cũng thường xuyên tới Việt Nam để nghiên cứu và tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm về các chủ đề lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Pháp.

Theo GS văn học Laurence Campa (Trường đại học Sorbonne Nouvelle - Đại học Paris 3), trận chiến này vẫn còn được ít nhắc đến trong những tác phẩm văn học Pháp. Theo bà, một trong những nguyên nhân là bởi "đây là thất bại của Pháp, và tất nhiên người ta luôn khó nói về thất bại của mình". Tuy vậy, đề tài này đã hấp dẫn không ít nhà văn, nhà thơ người Pháp trong đó có Marc Alexandre Oho Bambe.

Trong khi đó, nhà thơ trẻ người Pháp gốc Cameroon Marc-Alexandre Oho Bambe là một nhà Thơ-Nói (poète slameur), tác giả của 7 cuốn sách. Ông từng giành giải thưởng Paul Verlaine của Học viện nước Pháp năm 2015 và được tặng Huân chương Hiệp sĩ Quốc gia năm 2017 chia sẻ về câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết Điện Biên Phủ, "Tôi kể về người lính Pháp đã có mặt trong trận chiến Điện Biện Phủ. Anh trở lại nơi này sau 20 năm trận chiến kết thúc để tìm lại người phụ nữ anh yêu và cũng để tìm lại chính mình. Nơi đây là nơi anh ta như sinh ra một lần nữa và cũng là nơi chết đi một phần con người mình". "Một cuốn tiểu thuyết không chỉ mang đến những thông tin của lịch sử mà còn là những câu chuyện của con người, của những người đàn ông, đàn bà, những đứa trẻ trong cuộc chiến. Những con người có thể đối đầu trong một cuộc chiến, nhưng họ cũng giống nhau khi cùng khóc cùng cười với ngôn ngữ của trái tim", ông cho rằng.

Marc Alexandre Oho Bambe cho rằng, việc cuốn tiểu thuyết ra mắt còn là cách để ông kể câu chuyện lịch sử tới những người trẻ. "Với họ, đôi khi những con số trong những nghiên cứu chỉ là những con số, nhưng những câu chuyện trong đó lại mang đến cảm xúc và truyền thông điệp tới họ", ông cho hay. Cuốn sách giành giải thưởng Louis Guilloux 2018 này là một trong số những tác phẩm văn học Pháp kể những câu chuyện xung quanh trận chiến Điện Biên Phủ huyền thoại.

Người Pháp đã và đang kể chuyện Điện Biên Phủ theo nhiều cách. "Những cách tiếp cận về lịch sử qua ký ức, qua nghiên cứu hay bằng văn học đều bổ sung cho nhau, cho phép độc giả có thể nắm rõ việc tái hiện lịch sử một cách tổng thể khách quan. Trận chiến Điện Biên Phủ không chỉ tác động tới VN, Pháp mà tới cả thế giới. Đó là trận đánh của thế giới", GS Pierre Journoud nhìn nhận.

Là diễn giả cuối cùng, PGS.TS Phạm Xuân Thạch nói tới cuốn tiểu thuyết về Điện Biên Phủ của Trần Dần: Người người lớp lớp, về sự thăng trầm của nó. Ông cũng nhắc tới tầng lớp trí thức Việt Nam tiếp thu văn hóa pháp từ các trường thực dân nhưng là những người chiến đấu giành độc lập…

Kết thúc hội thảo là phần dành cho nhà Thơ-Nói Oho Bambe trình bày trích đoạn trong tác phẩm Dién Bién Phû, Le Récital của ông. Âm điệu đọc và nội dung bài thơ chắc sẽ lưu lại lâu với độc giả.

Hiền Lê (t/h)

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ