• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người phục dựng trang phục tuồng cổ

15/11/2007 10:57

Cũng vì những luyến tiếc di sản của cha ông, và bức xúc với sự thiếu chính xác trong ngôn ngữ của phục trang sân khấu hiện nay, nên từ năm 2004, NSƯT Hoàng Việt đã nung nấu ý định phục dựng lại những bộ trang phục tuồng cổ giống như thời cha mẹ anh vẫn mặc để biểu diễn.

Cũng vì những luyến tiếc di sản của cha ông, và bức xúc với sự thiếu chính xác trong ngôn ngữ của phục trang sân khấu hiện nay, nên từ năm 2004, NSƯT Hoàng Việt đã nung nấu ý định phục dựng lại những bộ trang phục tuồng cổ giống như thời cha mẹ anh vẫn mặc để biểu diễn.

NSƯT Hoàng Việt giới thiệu bộ mãng dùng cho vai lão văn.NSƯT Hoàng Việt giới thiệu bộ mãng dùng cho vai lão văn.

Xem sân khấu truyền thống, nhất là những vở diễn về đề tài lịch sử hay dã sử, chỉ cần diễn viên xuất hiện với áo mão, cân đai, vẽ mày vẽ mặt, thương, kiếm, cờ quạt rợp trời đã đủ kéo người xem nhập vào không khí của một thời quá vãng.

Mỗi loại hình, trang phục diễn viên lại có phong cách, dấu ấn riêng. Tính ước lệ, vốn là đặc trưng nổi bật của loại hình nghệ thuật này, cũng dựa rất nhiều vào "tiếng nói" của phục trang sân khấu.

Thế nhưng, những người làm sân khấu hôm nay dường như không mấy để ý đến tính chính xác và khả năng biểu đạt lớn của trang phục sân khấu, nên đã làm cho thứ ngôn ngữ rất đặc trưng và nhiều mầu sắc này ngày càng bị mờ nhòe, và mất dần sức hấp dẫn với người xem.

Ðến với sân khấu truyền thống bây giờ, dường những điều muốn chuyển tải, đạo diễn đều phải để diễn viên... nói thành lời. Bởi, nhiều khi, vở diễn có nội dung ở thời Lý, nhưng diễn viên lại mặc quần áo thời... Trần.

Nhất là trong thời gian gần đây, phục trang sân khấu truyền thống, không hiểu vì sao, bị ảnh hưởng rất nhiều theo phong cách của diễn viên Trung Quốc (hay vì nguyên liệu may mặc của Trung Quốc rẻ, dễ làm?) nên tất cả đều lóng lánh kim sa, kim tuyến, từ vua chúa, quan lại cho đến thường dân. Những yếu tố này đã tác động không nhỏ đến khả năng diễn xuất và cảm nhận vai diễn của diễn viên, cũng như những người có vốn hiểu biết về sân khấu truyền thống, và làm sai lệch nhận thức của công chúng trẻ khi tiếp xúc với kho tàng nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Vốn là con nhà nòi (là con của hai nghệ sĩ tuồng: NSƯT Hoàng Trinh và nghệ sĩ Hồng Thu, ông ngoại của ba - nghệ sĩ Chánh Camay - là học trò của "hậu tổ" tuồng Ðào Tấn, có người vợ cũng là nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Ðào Tấn - NSƯT Lệ Quyên) nên nỗi bức xúc của NSƯT Hoàng Việt (Trung tâm Văn hóa - Thông tin TP Quy Nhơn, Bình Ðịnh) còn cộng thêm bởi những đam mê "khuôn vàng thước ngọc" của nghệ thuật tuồng vốn đã chảy trong huyết quản từ thuở chào đời.

Dù được đào tạo từ nhỏ trong gánh hát bội Hòa Nghi thuộc loại lớn nhất miền trung thời bấy giờ, do ông cố ngoại (nghệ sĩ Chánh Camay) lập, tham gia nhiều vai diễn và đạt đến trình độ diễn xuất nhuần nhuyễn nhiều vai chính trên sân khấu, nhưng tự nhận thấy chất giọng của mình không được tốt, nên Hoàng Việt sớm quyết định "rẽ ngang" sang học diễn viên múa, rồi làm biên đạo. Tố chất nghệ sĩ giúp anh tiếp tục thành công trong lĩnh vực nghệ thuật mới này, nhưng nỗi nhớ nghệ thuật tuồng thì vẫn luôn thường trực, day dứt, nên hễ có dịp, anh lại nhận một vai  trong vở diễn của Nhà hát tuồng Ðào Tấn. Những gì đã học được từ gia đình, anh thể hiện trong vai diễn và trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp, để diễn sao cho đúng phong cách mà "cụ Ðào" đã tạo dựng. Và mỗi khi có dịp, anh sẵn sàng ngồi cả buổi nghe các nhà nghiên cứu phân tích từng vai diễn trong các vở tuồng của Ðào Tấn, nghe, để càng thấy mê.

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, NSƯT Hoàng Việt dường như không dứt khỏi niềm ngưỡng vọng di sản tài hoa mà cha ông để lại, những chuẩn mực mà các thế hệ nghệ sĩ đi trước đã tạo ra, lưu dấu trong tâm trí những người mê tuồng cổ, một thời. Tiếc là, những dấu ấn ấy đang bị phai nhòa theo năm tháng, mà chưa tìm được người kế tục xứng đáng. Không có nghĩa là những nghệ sĩ hôm nay phải rập khuôn theo sáng tạo của các bậc thầy đi trước, nhưng thực tế, ngay NSND Hòa Bình, Giám đốc Nhà hát tuồng Ðào Tấn cũng thừa nhận, chưa phải tất cả các nghệ sĩ của Nhà hát đều diễn theo đúng phong cách tuồng Ðào Tấn, mà một số vẫn chịu ảnh hưởng của phong cách tuồng bắc. Hiện Nhà hát đang triển khai chương trình đào tạo diễn viên trẻ theo đúng phong cách tuồng Ðào Tấn, để lưu giữ dấu ấn của một dòng tuồng đặc sắc.

Trở lại với câu chuyện về phục trang sân khấu. Cũng vì những luyến tiếc di sản của cha ông, và bức xúc với sự thiếu chính xác trong ngôn ngữ của phục trang sân khấu hiện nay, nên từ năm 2004, NSƯT Hoàng Việt đã nung nấu ý định phục dựng lại những bộ trang phục tuồng cổ giống như thời cha mẹ anh vẫn mặc để biểu diễn. Ðể thực hiện ý tưởng này, anh đã về quê, tìm người chú họ năm nay đã hơn 80 tuổi, vốn chuyên lo trang phục cho gánh hát của cha anh ngày trước, để cùng bàn bạc. Hai chú cháu phác họa lại từng bộ quần áo, mặt nạ... của từng vai diễn.

Tất cả đều chỉ được làm theo trí nhớ, vì thời gian đã quá lâu, lại trải bao biến động của thời cuộc, nên những bộ trang phục cũ hầu như không còn. Việc may các trang phục theo lối cũ thì không tìm được người thực hiện, nên đều phải trông cả vào người chú họ đã cao tuổi.

Khó khăn thế, nhưng Hoàng Việt vẫn quyết tâm làm, cứ có thời gian rảnh rỗi, anh lại về quê. Về đến nhà, anh lại chúi đầu vẽ vẽ, xóa xóa... Phải đến 2006, hai chú cháu mới bắt đầu thực hiện bộ trang phục đầu tiên. Cách làm cũng không giống việc người ta may trang phục sân khấu bây giờ. Với mỗi bộ trang phục, người thợ may theo cách truyền thống không dùng chỉ thêu họa tiết, hoa văn lên quần áo, mà dùng vải mầu, may áp vải bằng len, rồi dùng bông nhồi bên trong cho nổi hình khối. Cũng dễ hiểu là vì sao ngày nay cách làm này không được áp dụng nữa, vì rất mất thời gian, nhưng bù lại, bộ trang phục may theo cách này rất bền, và hình khối, hoa văn, dưới ánh đèn sân khấu nổi lên rất sống động. Nhìn vào mỗi bộ trang phục là biết ngay tính cách của nhân vật, phân tỏ gian nịnh - trung thần... Thiết kế ngày trước cũng chú ý cả đến yếu tố động tác của diễn viên, nên trang phục may phải tạo những chi tiết để khi diễn viên xoạc, ngồi, vẫn không bị lộ. Ðiều này thì nhiều bộ trang phục hiện nay không đáp ứng được.

Một bộ trang phục sân khấu cho diễn viên tuồng đòi hỏi rất nhiều chi tiết đi kèm, như mão, hia, và một hệ thống mặt nạ cho nhiều loại vai diễn. Mà để làm đúng theo yêu cầu, thì không dễ kiếm thợ. Thế nên hơn một năm nay, hai chú cháu NSƯT Hoàng Việt mới hoàn thành được bảy, tám bộ trang phục.

Anh dự tính phải đến năm 2010 mới có thể hoàn thành bộ sưu tập. Anh cũng có ý định tạo một khu trưng bày nho nhỏ ngay trong nhà, để các bộ trang phục đã hoàn thành có được vị trí xứng đáng, thoả ước nguyện của riêng anh, và cũng thuận tiện cho những ai muốn chiêm ngưỡng tài hoa của thế hệ trước.

Anh tâm sự: "Thời trước, cha mẹ tôi có được ai tài trợ đâu mà vẫn làm nghề một cách say mê. Mình đang được ưu đãi thế này, ít nhiều cũng có điều kiện, làm một chút vậy để khỏi hổ thẹn với các cụ, và cũng cho chính mình nữa, khi được ngày ngày chiêm ngưỡng những sáng tạo nghệ thuật đích thực của cha ông".

Theo ND

NỔI BẬT TRANG CHỦ