• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người trẻ, học sinh, sinh viên tham gia nhiều nhất vào sự mất an toàn, an ninh mạng

Thời sự 27/08/2017 21:23

(Tổ Quốc) -“Qua công tác đấu tranh, chúng tôi đánh giá tỉ lệ người trẻ, học sinh, sinh viên là lực lượng tham gia nhiều nhất vào sự mất an toàn, an ninh mạng”, ông Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết.

Một bộ phận lớp trẻ chưa nhận thức đầy đủ về hành vi tham gia trên mạng internet

Tại buổi tọa đàm "Giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội hiện nay " do Báo Điện tử Tổ Quốc tổ chức sáng 26/8, ông Lê Xuân Minh cho biết, Việt Nam có tới 50 triệu người sử dụng internet. Ứng dụng khoa học công nghệ đang đi vào tất cả các ngành, các lĩnh vực. Sự phát triển như vậy luôn có mặt trái, luôn đi kèm cả những ứng dụng trái quy định pháp luật, gây ảnh hưởng tới an ninh chính trị, an toàn xã hội.

Ông Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an.

Theo ông Minh, những năm qua, lực lượng chức năng đã xác minh gần 500 trường hợp, con số năm sau luôn cao hơn năm trước. Đó là thách thức nhưng cũng là xu hướng phát triển chung. Tội phạm trong nước và quốc tế liên kết với nhau, ứng dụng sự phát triển cao của công nghệ, nguy cơ cao hơn, dự báo sẽ tiếp tục tăng, ảnh hưởng kinh tế, xã hội, an ninh đất nước.

“Qua công tác đấu tranh, chúng tôi đánh giá tỉ lệ người trẻ, học sinh, sinh viên là lực lượng tham gia nhiều nhất vào sự mất an toàn, an ninh mạng”, ông Minh cho hay.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục nhận định: “Có thể các em vô tình không nhận biết mà có hành vi vi phạm? Một bộ phận lớp trẻ chưa nhận thức đầy đủ về hành vi tham gia trên mạng internet, một bộ phận chưa nhận thức đầy đủ về pháp luật, về môi trường mạng. Môi trường mạng không ảo, nếu tham gia mà không đủ thông tin, kiến thức sẽ không bảo vệ được bản thân. Bản thân bị đầu độc thông tin, bị lợi dụng, tham gia vào hệ thống mạng có khả năng gây ra các hành vi vi phạm pháp luật. Một trong những việc cần làm là tăng cường thông tin, đặc biệt là người trẻ để tự điều chỉnh hành vi của mình khi tham gia hoạt động trên mạng internet”.

Nhận định về con số mà ông Lê Xuân Minh vừa đưa ra, ông Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, có hai ý đáng suy nghĩ.

“Một là chúng ta mừng vì sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Chúng ta đang chủ động phát triển công nghệ thông tin trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (cách mạng 4.0). Con số 50% người Việt sử dụng internet là điều đáng mừng, nó góp phần tác động lớn đến phát triển khoa học công nghệ, tiếp nhận tri thức thông tin ngày càng đa dạng. Mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận thông tin hữu ích.

Nhưng mặt thứ hai ta thấy các thế lực đang lợi dụng điều này, do vậy chúng ta cần có cả một chiến lược để phát huy công nghệ thông tin vào phát triển khoa học kỹ thuật, kinh tế, đồng thời phòng chống những tác động xấu về mặt tư tưởng, đặc biệt trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa, không đi theo giải quyết từng vụ việc”.

Làm thế nào để nhận diện các thông tin xấu, độc trên mạng?

Với vai trò là Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS.TS Phạm Minh Sơn cho rằng, về mặt thể thức, giảng viên có trách nhiệm chỉ cho sinh viên cách nhận diện những tin xấu độc qua tên miền nước ngoài, nhân danh các lãnh đạo cao cấp của Đảng để lợi dụng uy tín trong xã hội, lập trang web giả mạo…

“Cũng có trường hợp chúng sử dụng tên tuổi khác nhau, cá nhân khác nhau, thông tin không rõ ràng, nội dung không có cơ sở, thiếu kiểm chứng, hoặc những dự kiến úp mở, tạo ra sự hoài nghi, nghi ngờ đối với một sự kiện hay cá nhân lãnh đạo. Thông thường, báo chí phải trải qua quy trình thông tin nghiêm ngặt, nên thường không có điều đó.  Đó là những dấu hiệu có thể nhận diện”, ông Sơn cho hay.

Vị PGS.TS này cũng cho biết thêm, sự chống phá của các thế lực thù địch bằng thông tin xấu độc không giảm đi mà ở quy mô khác nhau. Do vậy, các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn những thông tin độc hại này cần phải tích cực hơn nữa. Nhận diện là bước quan trọng đầu tiên để chống lại luận điệu xuyên tạc. Đối với giảng viên tại khoa Quan hệ Quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc đầu tiên là phải đưa ra cách thức để nhận diện thông tin xấu độc trên internet.

Thực tế, mạng xã hội là mạng ảo nhưng thực ra không ảo chút nào. Đó là môi trường giao tiếp giữa con người với nhau, chịu sự điều chỉnh của luật pháp và các quy định đạo đức. Do vậy, mỗi người tham gia internet và mạng xã hội đều cần nhận thức rõ vai trò của mình khi tham gia vào mạng xã hội, để ý thức và cẩn trọng đối với mỗi phát ngôn, mỗi hành vi của mình trên mạng xã hội.

“Ở trong môi trường giáo dục, chúng tôi nhận thức điều này rất rõ và đã đưa vào nội dung giảng dạy về thông tin mạng xã hội. Khoa Quan hệ Quốc tế của chúng tôi có đưa vào giảng dạy nội dung nhằm giúp sinh viên nhận biết những thông tin độc hại và cao hơn là có khả năng đấu tranh với luật điệu xuyên tạc, vấn đề nhân quyền, tự do báo chí, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới Tổ Quốc..

Điều tôi mong muốn là mỗi bạn sinh viên cần nhận thức rõ vai trò của mình khi tham gia mạng internet và xa hơn là có thể trở thành những cán bộ trên mặt trận tư tưởng, góp phần đấu tranh chống lại thông tin độc hại trên internet”, ông Lê Minh Sơn chia sẻ./.

Hà Giang

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ