(Tổ Quốc) - Sáng 11/2 (Rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu), Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV đã chính thức được khai mạc tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đọc diễn văn khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2017. Ông nhấn mạnh: Qua 14 lần tổ chức, Ngày thơ Việt Nam không ngừng được cải tiến để ngày càng sáng tạo hơn, độc đáo hơn, trở thành một sự kiện văn hóa thường niên được đông đảo công chúng cả nước đón đợi. Đồng thời, Ngày thơ Việt Nam cũng đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với nhiều bạn bè trên thế giới, được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông của nhiều nước trong khu vực và quốc tế. Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV với chủ đề “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước” là hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017), khơi dậy trách nhiệm công dân và cảm hứng sáng tạo để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.
Sau phần trống hội và phần thể hiện bài thơ Nguyên Tiêu tại hai sân thơ - Sân thơ truyền thống và Sân thơ trăm miền, đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi hấp dẫn.
Tại sân thơ truyền thống, thay vì các nhà thơ hiện diện trên sân khấu chỉ đọc thơ như mọi năm thì năm nay các nhà thơ đã lên sân khấu giao lưu với độc giả sau đó mới đọc thơ. Đáng chú ý, có rất nhiều nhà thơ “hoạt ngôn”, dí dỏm, có duyên nói chuyện, đọc thơ hấp dẫn… như nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã phát huy tối đa “điểm mạnh” của mình khiến cho sân thơ này “giữ chân” được độc giả. Sau phần giao lưu, đọc thơ, là các tiết mục hát múa được phổ nhạc từ thơ do các nghệ sĩ thể hiện. Dưới sự hỗ trợ của trang phục, âm thanh, ánh sáng, thơ đã được khoác trên mình một “chiếc áo mới” lộng lẫy hơn, dễ đi và dễ nán lại vào lòng người hơn. Mỗi ca khúc như Khúc hát sông quê, Năm anh em trên một chiếc xe tăng… không xa lạ với công chúng, thậm chí trong các Ngày thơ Việt Nam trước đó đã được thể hiện, nhưng mỗi lần các ca khúc này được cất lên tại sân thơ trong Ngày thơ đã khiến cho ngày hội thơ thêm ý nghĩa và để lại những sâu lắng trong lòng người tham dự.
Nếu như những năm trước, sân thơ truyền thống là nơi hội tụ những cây đa cây đề trong văn học Việt Nam thì năm nay sân thơ này đã có một số gương mặt thơ có tuổi đời còn khá trẻ hiện diện như: Lữ Thị Mai, Nguyễn Quang Hưng… tạo nên sự tươi mới, kế tiếp vào dòng chảy thơ ca.
Trong khi đó, tại Sân thơ trăm miền, hội tụ nhiều thành phần, từ các Hội VHNT tỉnh, thành khác nhau, đến các trung tâm, câu lạc bộ thơ… Nhưng sự phân tán thấy rõ nét. Sân thơ trăm miền mọi năm dành cho sân thơ trẻ với nhiều tiết mục sôi động, táo bạo đúng như “chất trẻ”. Nếu chỉ quan sát bằng sự định lượng của mắt thì thấy rõ sự “di chuyển” của người tham dự từ Sân thơ trăm miền “chảy” về Sân thơ truyền thống. Những tiết mục tại sân thơ trăm miền cũng không đồng đều chất lượng.
Phải ghi nhận một điểm mới năm nay của Hội Nhà văn Việt Nam là đã mang đến cho độc giả yêu thơ một không gian gần gũi, gợi nhắc đến lịch sử và là sợi dây nối liền lịch sử quá khứ với đương đại bằng hình ảnh những “chim hạc” màu hồng. Những cánh chim như bay từ quá khứ về hiện tại, vừa huyền ảo lại vừa chân thực như hiện diện ngay trước mắt du khách yêu thơ.
Tuy nhiên, dường như Hội Nhà văn thành công bao nhiêu về việc tái hiện hình ảnh chim hạc hồng thì lại “chưa thành công” bấy nhiêu khi lần đầu “hiện thực hóa” “con đường thi nhân”. Nói đến “Con đường thi nhân”, hẳn trong tâm trí nhiều người cho rằng đó là con đường của thi ca đầy lãng mạn bay bổng, ở đó có những tao nhân mặc khách, những câu thơ chỉ cần đọc lên đã ám ảnh, để lại dư ba mãi không thôi, còn hình ảnh thật của nhà thơ mờ ảo, gần đấy mà xa đấy, thậm chí “mờ nhân ảnh”… Thế nhưng “con đường thi nhân” tại Ngày thơ Việt Nam 2017 rất “cứng”, rất “đậm nét”… Giá như chân dung các nhà văn được thay bằng “họa” để “mềm hóa”, để “mờ ảo” hơn, giá như con đường thi nhân được thay chất liệu kim loai cứng có thể mọi thứ sẽ không bị khác xa so với trí tưởng tượng của con người.
Song, nói gì thì nói, hiện thực trí tưởng tượng của con người là một việc không dễ làm. Cũng như nàng Kiều của Nguyễn Du, chao ôi khi được đại thi hào thể hiện nàng đẹp nghiêng nước nghiêng thành để khi “hiện thực hóa” trở thành thách thức của không biết bao người. Và trong biết bao nhiêu lễ hội cả truyền thống và hiện đại trên nhiều địa phương, còn những hình ảnh chưa đẹp, đầy nhốn nháo thì Ngày thơ vẫn là một lễ hội đầy thi ca, nhiều vẻ đẹp và đáng đi nhất của các thi nhân, của tất cả những người yêu thơ văn trong ngày xuân.
Hiền Nguyễn