(Tổ Quốc)- Thiếu nguồn cung khiến giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng miếng SJC ngày càng cách xa so với giá vàng thế giới.
- 01.03.2021 3 lý do gây khó thị trường vàng
- 17.01.2021 Thị trường vàng Châu Á bắt đầu sôi động mùa lễ hội
- 29.11.2020 Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường vàng?
- 26.11.2020 Thị trường vàng bị vắc-xin Covid-19 vùi dập đến mức nào?
Giá vàng ngày 16/8 ở thị trường trong nước dao động quanh 57 triệu đồng/lượng, cao kỷ lục so với giá thế giới.
Tuần qua, có thời điểm giá trong nước cao hơn vàng thế giới tới 9 triệu đồng/lượng.
Giới chuyên gia nhận định, đà tăng của giá vàng tiếp tục được duy trì bởi nhiều yếu tố.
Theo đó, đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm xuống sau khi kết quả công bố chỉ số khảo sát niềm tin tiêu dùng sơ bộ của Đại học Michigan đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua vào đầu tháng 8.
Ngoài ra, giá vàng còn nhận được hỗ trợ từ nhu cầu vàng vật lý gia tăng, đặc biệt ở các nước tiêu thụ vàng hàng đầu như Ấn Độ và Trung Quốc.
Đối với thị trường vàng trong nước, giá vàng tăng so với thế giới được cho là do giãn cách xã hội tại nhiều địa phương khiến nhu cầu giao dịch giảm.
Đồng thời tác nhân chính là ở phía nguồn cung rất thấp khi Việt Nam vẫn đang duy trì việc độc quyền vàng miếng SJC.
Cầu cao hơn nhưng cung lại không có nên người mua vàng trong nước có lúc đã phải trả mức giá đắt hơn gần 20% để mua cùng một lượng vàng so với giá thế giới.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ, công ty Vàng bạc đá quý Sài gòn SJC, Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý... đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để thành lập nhà máy sản xuất theo quy mô lớn, sử dụng hàng vạn lao động và dần bắt kịp với các nước trong khu vực.
Cho đến hết năm 2020, theo báo cáo của Tổng cục hải quan, ngành vàng nữ trang Việt Nam đã xuất khẩu được 2,6 tỷ USD.
Riêng Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI từ năm 2016-2020 đã xuất khẩu được 53,8 tấn sản phẩm vàng kim hoàn, kỹ nghệ thu về cho đất nước 2,5 tỉ USD.
Trước đó, năm 2019, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã xuất khẩu được 2,1 tỉ USD tăng 231,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên chuyên gia cho rằng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp kim quý của Việt Nam là chưa mạnh so với các doanh nghiệp trong khu vực.
Lý giải về điều này ông Long cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore... đang được hưởng hàng loạt chính sách vĩ mô nhằm khuyến khích, phát triển thị trường như thuế nhập khẩu vàng nguyên liệu chỉ bằng 0%, thuế xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ cũng bằng 0%.
Đặc biệt, các quốc gia này còn được nhập khẩu vàng nguyên liệu, chi phí nhân công rẻ hơn, thiết bị công nghệ hiện đại hơn...
Do đó kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ của các quốc gia này đã đạt mức khá ấn tượng.
Như Thái Lan đã vượt trên 10 tỷ USD, Singapore trên 8 tỷ USD, Indonesia trên 6 tỷ USD...
Theo số liệu của hội đồng vàng thế giới, ngành vàng bạc đá quý các quốc gia này đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế.
Thực tế cho thấy ngành vàng Việt Nam đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng đã từng bước phát triển và có kim ngạch xuất khẩu.
Nhưng gần 2 năm qua giá vàng miếng SJC, vàng nữ trang 24K của thị trường trong nước đã có sự chênh lệch thế giới và càng ngày khoảng cách chênh lệch đó càng rộng hơn.
“Mặc dù ngành vàng đã có kim ngạch xuất khẩu nhưng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước trên thị trường quốc tế hiện nay rất yếu”, ông Long đánh giá.