(Tổ Quốc) – Đây là thông tin được ông Võ Tấn Hoàng Văn - TV HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đưa ra tại Đại hội cổ đông thường niên 2019, được tổ chức sáng 16/4.
Năm 2019, SCB cũng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 3,000 – 5,000 tỷ đồng
Tại đại hội này, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết năm 2019 là năm kết thúc quá trình tái cơ cấu lại theo Đề án tái cơ cấu gia đoạn 2015 – 2019 đã được NHNN phê duyệt. Đồng thời, với việc hoàn thiện Phương án cơ cấu lại gắn với Đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, SCB sẽ chú trọng cơ cấu lại danh mục tín dụng và cải thiện chất lượng nguồn thu cho Ngân hàng, chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng.
Mục tiêu tổng tài sản 2019 theo kế hoạch đạt 558,015 tỷ đồng, tăng gần 10%. Cho vay khách hàng đạt 341,138 tỷ đồng, tăng 13%, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ dưới 5% và tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ dưới 3%. Huy động thị trường 1 đạt 473,338 tỷ đồng, tăng hơn 13%.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2019 đạt 273 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với năm 2018. Trên cơ sở đó, SCB dự kiến trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ là 5% lợi nhuận sau thuế và 10% lợi nhuận sau thuế trích lập quỹ dự phòng tài chính.
Các chỉ số tài chính như tỷ lệ ROA và ROE đạt lần lượt 0.04% và 1.11%, hệ số CAR đạt trên 9%.
Năm 2019, SCB cũng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ từ 3,000 – 5,000 tỷ đồng bằng phương thức chào bán 500 triệu cp riêng lẻ với mệnh giá 10,000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu sở hữu từ 0.5% vốn điều lệ trở lên, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Như vậy, tổng giá trị dự kiến thu được từ đợt chào bán này khoảng 5,000 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2018, vốn điều lệ của SCB là 12,232 tỷ đồng, nếu thực hiện thành công vốn điều lệ của SCB có thể nâng lên mức tối đa là 20,232 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong quý 2/2019 hoặc quý 3/2019 sau khi được NHNN và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Số vốn sau khi tăng thêm sẽ được tập trung đầu tư tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin và đầu tư xây dựng, bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Trả lời câu hỏi về nguồn dự phòng của SCB, ông Văn cũng cho hay: Nguồn dự phòng là nguồn dự trữ SCB giữ lại để nâng cao năng lực tài chính, khi có thời cơ nguồn dự phòng này sẽ hòa nhập lại để SCB có nguồn lực đủ lớn. Ông Võ Tân Hoàng Văn chia sẻ, Ngân hàng bạn 15 năm không chia cổ tức, chuẩn bị tái cơ cấu để lên sàn…
Nguồn dự phòng hiện tại của SCB khoảng 8,200 tỷ đồng là rất lớn. Khi SCB phải thực hiện niêm yết trong những năm tới, giá trị sẽ nhân 2, 3 lần, giá trị to lớn hơn nhiều so với việc chia cổ tức hàng năm. Ông hy vọng rằng cổ đông sẽ đồng thuận với chiến lược dài hạn của Ngân hàng.