• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguy cơ biến mất của một thành phố hơn 24 triệu dân ở châu Phi

Thế giới 02/08/2021 19:54

(Tổ Quốc) - Giới chuyên gia cảnh báo địa hình ở Lagos - thành phố trũng bên bờ biển Đại Tây Dương của Nigeria đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm trong tương lai.

Theo hãng CNN, thành phố Lagos ở Nigeria đang vào mùa mưa lớn. Người dân Nigeria – quốc gia đông dân nhất châu Phi đã quá quen thuộc với các trận mưa lũ lụt kéo dài khiến các thành phố rơi vào tình trạng ngập lụt từ tháng 3 đến tháng 11 mỗi năm. Vào giữa tháng 7 năm nay,  Lagos lại tiếp tục hứng chịu những trận mưa lớn khiến nhiều ngôi nhà chìm trong nước.

Nguy cơ biến mất của một thành phố hơn 24 triệu dân ở châu Phi - Ảnh 1.

Nhìn từ trên cao nhìn xuống đảo Lagos - Thủ đô thương mại của Nigeria. Ảnh: CNN

"Cảnh tượng thật tồi tệ nhưng không hề xa lạ với chúng tôi", bà Eselebor Oseluonamhen – một cư dân sống ở thành phố nói.

"Tôi lái xe ra khỏi nhà những không hề nghĩ mưa to như vậy. Các tuyến đường đi ngập trong nước và càng đi, mực nước càng dâng cao cho đến khi nước phủ kín và chảy vào trong xe", bà Eselebor Oseluonamhen nói thêm.

Với khoảng hơn 24 triệu dân số, giới chuyên gia cảnh báo địa hình ở  Lagos - thành phố trũng bên bờ biển Đại Tây Dương của Nigeria không thể đảm bảo cuộc sống của người dân vào mỗi mùa mưa. Cơ quan Khí tượng Thủy văn của Nigeria (NIHSA) dự báo thành phố này sẽ phải chứng kiến các trận lũ thảm khốc hơn xảy ra vào tháng Chín tới.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển của Nigeria, vấn đề sẽ trở nên trầm trọng hơn khi hệ thống thoát nước của thành phố không được bảo trì đầy đủ cũng như quá trình phát triển đô thị đang dần mất kiểm soát .

Thành phố Lagos bao gồm một phần trên đất liền và một chuỗi đảo. Tình trạng đường bờ biển bị xói mòn có thể gây ngập lụt cho cả thành phố. Nhà môi trường học người Nigeria - Seyifunmi Adebote cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu và các tác động môi trường do con người gây ra có thể khiến thành phố này của châu Phi đối mặt với nguy cơ biến mất trong tương lai.

Các chuyên gia môi trường cho biết, quá trình khai thác cát để xây dựng là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng xói mòn bờ biển ở Lagos. Bà Manzo Ezekiel, Phát ngôn viên Cơ quan quản lý khẩn cấp Nigeria (NEMA) khẳng định bờ sông của đảo Victoria, thành phố Lagos hiện đã bị cuốn trôi do mực nước dâng cao ăn sâu vào đất liền.

Nghiên cứu Climate Central cho biết, các thành phố ven biển thấp ở một số quốc gia trên thế giới có thể đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm vào năm 2100. 

"Do ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính, mực nước biển dâng cao trong 3 thập kỷ tới có thể gây ra hiện tượng lũ lụt thường xuyên với vùng đất trũng. Vào năm 2100, nhiều khu vực hiện đang là nơi sinh sống của hàng trăm triệu người trên thế giới có thể bị nhấn chìm vĩnh viễn", nghiên cứu ghi nhận.

Theo CNN, mực nước biển toàn cầu dự báo sẽ tăng 2m vào cuối thế kỷ này. Vì vậy, thành phố Lagos có thể đối mặt với nguy cơ nhấn chìm dưới mực triều cường trong tương lai do một đoạn bờ biển của Nigeria thuộc vùng trũng. 

Vì thế, số phận của thành phố Lagos phụ thuộc vào các dự đoán khoa học và hành động đối phó kịp thời trước các thảm họa thiên tai.

Duy trì thành lũy của thành phố

Các trận lũ trước đây ở khu vực ven biển Nigeria đã khiến rất nhiều người dân mất tích và thiệt mạng. Theo dữ liệu của NEMA, hơn 2 triệu người dân đã bị ảnh hưởng trực tiếp từ lũ lụt và ít nhất 69 người thiệt mạng vào năm ngoái. Trong năm 2019, dữ liệu thống kê chỉ ra khoảng 158 người chết và hơn 200.000 người bị ảnh hưởng do lũ lụt.

Nguy cơ biến mất của một thành phố hơn 24 triệu dân ở châu Phi - Ảnh 2.

Người dân lội nước sau trận lũ vào tháng 7/2020. Ảnh: CNN

"Mỗi năm chúng tôi đều chứng kiến các trận lũ lụt ở Nigeria. Biến đổi khí hậu là nguyên nhân của các thảm họa thiên tai và chúng tôi phải sống chung với nó", bà Ezekiel nói trên CNN.

Bên cạnh các rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra cho thành phố Lagos, hệ thống thoát nước kém cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ngập lụt gia tăng.

Ông Adebote cho biết, để Lagos có thể chống chọi với mực nước biển dâng cao hay những trận lũ lụt lịch sử thì thành phố phải thích nghi với hiện tượng biến đổi khí hậu.

"Chúng ta phải nhìn vào cơ sở hạ tầng: hệ thống thoát nước, cơ sở quản lý chất thải, cấu trúc nhà ở. Các cơ sở hạ tầng có thể thích ứng ra sao trước áp lực môi trường và bối cảnh dân số ngày càng tăng", ông Adebote nhấn mạnh.

Tổng thống Nigeria – ông Muhammadu Buhari cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác với các đồng minh toàn cầu để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.

"Chúng tôi mong muốn hợp tác với Mỹ nhằm tăng cường hợp tác giải quyết thách thức biến đổi khí hậu, nghèo đói và cải thiện quan hệ kinh tế", ông Buhari viết trên Tweet vào hồi tháng Giêng.

Nền kinh tế Nigeria đang gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây khiến nguồn tài chính  dành cho việc xử lý các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu bị cắt giảm. Giới chức trong nước cam kết sẽ tăng cường chi phí đối phó với biến đổi khí hậu của đất nước.

Vào tháng trước, Bộ Môi trường Nigeria đã thông báo, Tổng thống Muhammadu Buhari đã phê duyệt chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu nhằm đối phó phần nào các thách thức gây ra do biến đổi khí hậu.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ