(Tổ Quốc) - Trước diễn biến phức tạp của Zika và có khả năng bùng phát thành dịch lớn, Văn phòng EOC Việt Nam vừa diễn ra cuộc họp bàn về công tác ứng phó với virus Zika.
Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì, với sự tham dự của các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ Y tế, tổ chức Y tế thế giới cùng Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, tình hình dịch bệnh do virus Zika vẫn diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 5/11, Việt Nam đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với virus Zika, trong đó TP. Hồ Chí Minh có 29 ca, Đắk Lắk 2 ca, Bình Dương 2 ca, Khánh Hòa 1 ca, Phú Yên 1 ca và Long An 1 ca.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp ứng phó với dịch Zika. Ảnh nguồn: vncdc.gov.vn |
Số lượng nhiễm Zika tại TP.HCM tăng lên trong thời gian qua do ngành y tế đang tăng cường giám sát dịch tại đây. Trong quá trình giám sát, các bệnh nhân nhiễm Zika hầu hết đều có triệu chứng rất nhẹ nên không phải tất cả mọi trường hợp đều đến bệnh viện khám.
Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể vẫn tiếp tục phát hiện thêm các ca bệnh mới và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Vì vậy, cuộc họp diễn ra nhằm mục tiêu tăng cường khả năng dự phòng, đáp ứng dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.
Tại buổi họp, các lãnh đạo, chuyên gia đến từ các Vụ, Cục, Viện, WHO, US CDC đều đi đến thống nhất triển khai, thực hiện các kế hoạch ứng phó dịch bệnh Zika đang lưu hành tại Việt Nam. Trước tình hình dịch bệnh được xác định đã lưu hành tại nước ta, vấn đề dự phòng để hạn chế lây lan là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với các bà mẹ mang thai.
Cũng theo báo cáo, hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp nhiễm Zika, trong đó có 12 quốc gia ghi nhận trường hợp nhiễm từ người sang người như: Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha,… Tại các nước khu vực Đông Nam Á, cũng đã ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika tại 7/10 quốc gia, đặc biệt tại một số nước như Singapore (442 ca nhiễm), Thái Lan (trên 200 ca nhiễm), Philippines, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia; các trường hợp mắc chủ yếu mang tính đơn lẻ không bùng phát thành dịch lớn.
WHO cảnh báo dịch Zika đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Á và có khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika do sự phân bố rộng của véc tơ truyền bệnh trong khu vực, gia tăng giao lưu, du lịch đến và đi từ các quốc gia có dịch và miễn dịch quần thể thấp.
Phụ nữ mang thai nên kiểm tra để phát hiện sớm dị tật thai nhi do Zika
Vấn đề được Bộ Y tế quan tâm hàng đầu hiện nay là công tác phòng chống dịch Zika đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika do vừa qua đã phát hiện trường hợp trẻ mắc dị tật đầu nhỏ mới nhất ở Đắk Lắk và có thể sẽ có thêm các trường hợp mắc mới trong thời gian tới.
PGS.TS Trần Danh Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khuyến nghị, Việt Nam đã có hệ thống chẩn đoán trước sinh. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên siêu âm 3 lần trong thời gian 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần để theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ.
Biểu hiện để nhận biết Zika: Sốt nhẹ 37,8 độ C đến 38,5 độ C. Mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Bên cạnh đó, viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt và suy nhược. Ngoài ra, một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
PGS.TS Cường lưu ý, ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe mình bằng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, phụ nữ có thai nên đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi.
Theo ông Cường, nhiều thai phụ vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc khám thai. Có người thấy tiện mới đi khám, không tuân theo lịch hẹn, không xác định đúng tuần tuổi của thai nhi trước khi đi khám.
PGS.TS Cường chia sẻ, việc khám thai phát hiện bệnh không khó, tỷ lệ các mẹ nhiễm Zika sinh con đầu nhỏ chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm 1-10%. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nên tuân theo lịch hẹn của bác sĩ và đặt lịch hẹn với cơ sở y tế gần nhất để biết cụ thể việc theo dõi thai nhi để phòng chống mọi nguy cơ.
Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đặc biệt là phụ nữ mang thai, cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có một trong các biểu hiện nghi ngờ của bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.
Đối với phụ nữ chậm kinh 7-10 ngày nên chủ động đi khám thai và siêu âm thai ngay để đánh giá sức khỏe, xác định thai và được tư vấn hẹn lịch khám chi tiết. Phụ nữ có thai nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần./.
Tuấn Minh