• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguy cơ cho sức khỏe từ việc giết mổ, tiêu thụ thịt chó, mèo không rõ nguồn gốc

Thực hiện: PV | 02/12/2022

(Tổ Quốc) - Thời gian qua, có nhiều trường hợp nhiễm bệnh dại, thậm chí có trường hợp tử vong, vì liên quan đến giết mổ, tiêu thụ động vật không rõ nguồn gốc, cụ thể là chó, mèo.

Nguy cơ sức khỏe từ thịt chó mèo không qua kiểm dịch

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm, trên thế giới có khoảng 59.000 người chết vì bệnh dại và hơn 10 triệu người cần tiêm vắc xin phòng bệnh dại. 

Theo số liệu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong giai đoạn 2011 – 2016 bình quân mỗi năm nước ta có 92 người chết vì bệnh dại và khoảng 400 ngàn người phải đi tiêm phòng dại do bị chó, mèo cắn, gây thiệt hại kinh tế khoảng 600 tỷ đồng chi phí điều trị dự phòng. Giai đoạn 2017-2021 mỗi năm cả nước có 76 người chết vì bệnh dại và 510 ngàn người phải đi tiêm phòng dại do chó, mèo. 9 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 40 ca tử vong do bệnh dại.

Bệnh dại do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật như chó, mèo… sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể. Vi rút dại chủ yếu tồn tại trên động vật có vú. Trong đó, 89,2% vi rút dại ở chó, ở mèo là 8,7%, còn lại là ở các động vật như chồn, cáo, dơi… Tại Việt Nam, vi rút dại chủ yếu ở chó, mèo.

Nhiều trường hợp mắc bệnh dại ở người có liên quan trực tiếp đến việc buôn bán, giết mổ thịt chó, mèo. Ngày 25/10, thông tin từ CDC Hà Nội, một bệnh nhân nam, 50 tuổi (trú tại thôn Yên Nội, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã tử vong vì lây nhiễm bệnh dại sau khi giết mổ thịt chó.

 Nguy cơ sức khỏe từ việc giết mổ, tiêu thụ thịt chó, mèo không rõ nguồn gốc - Ảnh 1.

Không chỉ nhiễm bệnh dại, tiêu thụ thịt chó mèo không đảm bảo còn có nguy cơ mắc các bệnh khác.

Việc ăn tiết canh chó, thịt chó chưa nấu chín kĩ, vệ sinh dao thớt giết thịt chó không sạch sẽ và còn dính dãi của chó mang bệnh cũng  có thể tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh dại.

Ngoài bệnh dại, việc giết mổ, tiêu thụ thịt chó mèo không rõ nguồn gốc còn  có nguy cơ mắc các bệnh khác như xoắn khuẩn, tả, tụ cầu khuẩn…. Đặc biệt, theo Viện An toàn thực phẩm Việt Nam (FSI), tiêu thụ thịt chó mèo không rõ nguồn gốc còn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi và các cơ quan nội tạng khác. 

Chính vì thế, từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo có thể giúp phòng tránh nguy cơ mắc các các bệnh kể trên và nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

Từ bỏ giết mổ, tiêu thụ thịt chó mèo – phòng trừ hậu họa lâu dài

Hiện nay, theo thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT về kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y đang có hiệu lực thi hành, không quy định chó, mèo là đối tượng kiểm soát giết mổ, kiểm tra, giám sát thương phẩm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thịt chó mèo bán tại các chợ dân sinh, nhà hàng, quán ăn không đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Nhằm chấm dứt một cách bền vững nạn buôn bán thịt chó, mèo ở Việt Nam, Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu - FOUR PAWS đã và đang tổ chức, thực hiện nhiều chương trình. 

Cụ thể, tháng 12 năm 2020, dưới sự vận động, giúp đỡ của FOUR PAWS, lò mổ đầu tiên đã được đóng cửa ở Thái Bình. Đây là “bước ngoặt” trong thay đổi nhận thức của người dân về phúc lợi vật nuôi.  

Ngày 10/12/2021, tổ chức FOUR PAWS cùng UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam ký thỏa thuận lịch sử loại bỏ việc sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn và hiện chính quyền thành phố vẫn đang hợp tác chặt chẽ với FOUR PAWS để đẩy mạnh tiến độ giải quyết triệt để vấn đề này.

 Nguy cơ sức khỏe từ việc giết mổ, tiêu thụ thịt chó, mèo không rõ nguồn gốc - Ảnh 2.

Tiêu thụ thịt chó mèo không rõ nguồn gốc còn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

Bác sĩ Karanvir Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của FOUR PAWS, cho biết: “Chúng tôi đã và đang tích cực làm việc với Chính phủ để cùng giải quyết các rủi ro từ nạn buôn bán thịt chó, mèo. Trên thực tế, thịt chó, mèo không phải là nguồn thực phẩm thiết yếu, chỉ có 6% người Việt Nam ăn thịt chó, mèo thường xuyên, trong khi có tới hơn 90% người ủng hộ lệnh cấm”.

“Để đạt được mục tiêu thanh toán bệnh dại vào năm 2030, FOUR PAWS kêu gọi cần chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo. Khi nạn trộm cắp chó, mèo đẩy hàng triệu con chó, mèo đã được tiêm phòng vào các lò mổ thì khả năng loại bỏ bệnh dại rất khó thực hiện vì không thể đạt được độ bao phủ vắc-xin.”

Tiến tới một Việt Nam không thịt chó, mèo và loại bỏ hoàn toàn bệnh dại vào năm 2030, ngày 8/12 tới, FOUR PAWS sẽ tổ chức buổi đối thoại để thảo luận về các giải pháp cho vấn đề này.

NỔI BẬT TRANG CHỦ