• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguy cơ thất nghiệp tăng cao, người trẻ tại ASEAN đối mặt thế nào?

Kinh tế 25/08/2020 07:58

(Tổ Quốc) - Theo báo các từ các tổ chức quốc tế, người lao động trẻ sẽ chịu nhiều tác động xấu từ đại dịch hơn là nhóm lao động đã có thâm niên. Một trong số các tác động đó là nhiều khả năng mất việc hơn, mức lương thấp hơn,…

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều thay đổi lớn với nền kinh tế và thị trường lao động toàn cầu. Trong tháng 4 năm nay, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã đưa ra cảnh báo rằng nếu tới tháng 9 dịch vẫn chưa được kiểm soát, 68 triệu người lao động trên thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc. Đặc biệt, nhóm những người trẻ từ 15 – 24 tuổi sẽ càng có ít lựa chọn khi tìm kiếm việc làm hơn.

Ngân hàng Phát triển Châu Á mới đây đã phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện một báo cáo về tình hình lao động trong bối cảnh Covid-19. Báo cáo chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng bởi đại dịch này sẽ ảnh hưởng tới mỗi người lao động theo những cách khác nhau, tùy vào vị trí của người đó trên thị trường lao động.

"Một số người trẻ sẽ gặp khó khăn khi vừa phải học, vừa phải giúp đỡ về thu nhập cho gia đình. Những người khác sẽ gặp thách thức khi tìm việc bởi nhu cầu việc làm trên thị trường đang giảm dần. Không chỉ vậy, việc chuyển từ một công việc bán thời gian hoặc phi chính thức sang một công việc ổn định sẽ ngày một khó hơn. Số lượng thanh niên không có việc làm, không đi học và không được đào tạo dự kiến còn tăng thêm. Những người này sẽ bị buộc phải "đứng ngoài" thị trường lao động"

Một khảo sát khác của nhóm chuyên nghiên cứu về người lao động trẻ của Tổ chức Lao động Quốc tế đã tiết lộ rằng, nhóm lao động ít hơn 25 tuổi sẽ có nguy cơ thất nghiệp cao hơn khoảng 3 lần so với những người từ 25 tuổi trở lên. Nguyên nhân thất nghiệp tới từ việc các công ty dừng hoạt động trong thời gian dịch, hoặc nhóm lao động trẻ, ít kinh nghiệm này bị sa thải.

Ngoài ra, người lao động trẻ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ, bán hàng, thủ công và các ngành liên quan khác sẽ có khả năng mất việc cao hơn các nghề khác trong thời điểm hiện tại. Tổ chức Lao động Quốc tế cho rằng giãn cách xã hội đã khiến nhu cầu sử dụng người lao động trong các ngành nghề cần tiếp xúc với khách hàng giảm hẳn.

Thực tế cũng chứng minh, dịch bệnh đã làm cuộc sống của nhiều người khó khăn hơn vì thất nghiệp. Báo cáo của hai tổ chức trên cũng nhận định rằng việc giãn cách xã hội đã dẫn tới cắt giảm giờ làm, một sự kiện chưa từng có tiền lệ trước đây và ảnh hưởng tới lao động mọi lứa tuổi. Dù vậy, những người trẻ sẽ chịu một tác động tồi tệ hơn so với những người lao động có thâm niên.

Theo báo cáo của ILO và ADB, người trẻ có nhiều khả năng bị buộc thôi việc hoàn toàn hơn là chỉ ngừng việc tạm thời. Do thời gian làm việc tại công ty của người trẻ ít nhất so với các nhân viên khác, nên họ sẽ là đối tượng đầu tiên công ty sa thải trong giai đoạn khó khăn. Một ví dụ minh họa cho luận điểm này là tại Thái Lan, tỉ lệ buộc giảm giờ làm việc ở thanh niên là 8%, trong khi đó người lao động có thâm niên lâu năm chỉ ở mức 5%.

Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng

Tại Malaysia, tình trạng thất nghiệp đã tăng lên 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Hệ thống Bảo hiểm việc làm (SOCSO) của Tổ chức An sinh xã hội (EIS) cho biết đại dịch đã tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp trong nước. Nhu cầu đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên của các công ty này đã giảm 37%. Với các doanh nghiệp không thể hoạt động bình thường trong giai đoạn dịch, nhu cầu này giảm tới 42%. Tỉ lệ thất nghiệp ở Malaysia dự báo sẽ đạt 4% vào năm 2020, trong khi nước này chỉ có tỉ lệ thất nghiệp 3.2% ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997.

"Tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trẻ vẫn giữ ở mức ổn định 8 – 11%. Tuy nhiên, nhóm này sẽ là nhóm dễ mất việc nhất" – Hệ thống Bảo hiểm việc làm (SOCSO) tại Malaysia cho biết.

Trong khi đó, nước láng giềng - Indonesia tuyên bố rằng tỷ lệ thất nghiệp của nước này có thể đạt mức kỷ lục trong hơn một thập kỷ trở lại đây. Mức thất nghiệp tại Indonesia đã tăng lên 9,2%, tương đương với 13 triệu người. Báo chí địa phương cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của quần đảo này đã giảm xuống còn 2,97% trong quý đầu tiên của năm. Các doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu cắt giảm tuyển dụng nhân viên mới ngay từ tháng ba.

Ông Hizkia Polimpung, một nhà nghiên cứu tại Đại học Bhayangkara ở Jakarta nói rằng đại dịch sẽ tác động xấu tới nhóm lao động trẻ nhiều hơn, bởi họ thường là những người sẵn sàng làm việc với một mức lương thấp hơn. Như vậy, mức lương của nhóm này trong thời gian tới sẽ còn thấp hơn nữa, so với nhóm lao động đã có kinh nghiệm.

Cũng theo báo cáo, số lượng người trẻ thất nghiệp tại Thái Lan và Việt Nam đã gấp đôi trong năm nay. Tổ chức Lao động Quốc tế cũng dự báo số lượng lao động trẻ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020, nghĩa là khoảng 10 – 15 triệu thanh niên tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ không có việc làm.

Cần làm gì để hạn chế tác động từ đại dịch?

Thị trường lao động cần các biện pháp ứng phó khẩn cấp với quy mô lớn, mục tiêu rõ ràng. Một trong các khuyến nghị của Tổ chức Lao động Thế giới là cần thiết kế các chương trình kích thích thị trường lao động, nhắm vào các đối tượng cụ thể.

"Các chương trình kích thích thị trường lao động cần có cách tiếp cận toàn diện và mục tiêu cụ thể. Đây là yếu tố then chốt trong "gói hồi phục" thị trường làm việc cho người lao động trẻ"

Chương trình này sẽ cần bao gồm cả các kế hoạch trợ cấp tiền lương cho thanh niên, hỗ trợ thanh niên lập kế hoạch tìm kiếm việc làm, nâng cao kĩ năng của người lao động trẻ, cũng như đầu tư vào các chương trình khởi nghiệp sáng tạo.

T. Hạnh

NỔI BẬT TRANG CHỦ